Bên bờ hạnh phúc

Trong điều kiện hội nhập toàn cầu như hiện nay, kinh tế trang trại là loại hình kinh tế nông nghiệp có tính ưu việt, phát huy có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động và nguồn vốn trong nhân dân, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Ở Vĩnh Long, mô hình này đang thu hút nhiều nông hộ tham gia.

Trang trại nuôi heo. Ảnh minh họa

Khu trang trại gia cầm của ông Nguyễn Văn Thạch ở ấp Định Thới A, xã An Phước, huyện Mang Thít là một trong những trang trại có quy mô khá lớn ở tỉnh gồm 6 trang trại với số lượng từ 12.000 đến 14.000 con gà mỗi trại. Đây cũng là một trong nhiều trang trại đã triển khai chăn nuôi theo hình thức gia công cho Tập đoàn CP Group. Để trang trại phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, ngoài đầu tư hệ thống thiết bị làm lạnh tự động, ở mỗi trại gà đều có bác sĩ thú y đảm bảo thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi.

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có trên 360 trang trại với 4 loại hình hoạt động là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và trang trại tổng hợp, trong đó có 112 trang trại được cấp giấy chứng nhận. Để khuyến khích nông dân sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung xây dựng mối liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nâng cao năng lực quản lý của chủ trang trại.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn tăng cường kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư công nghiệp chế biến nông sản, thuỷ sản cùng với chương trình phát triển chợ đầu mối nông thôn tạo thành cầu nối hỗ trợ kinh tế trang trại, gắn sản xuất với thị trường.

Các trang trại cũng được khuyến khích liên kết thành lập hiệp hội, hợp tác xã và xây dựng thương hiệu riêng để tăng khả năng liên kết giữa các trang trại trong sản xuất kinh doanh, quản lý và tiêu thụ sản phẩm.

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã có một số chính sách ưu đãi đối với phát triển kinh tế trang trại. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của loại hình kinh tế này, các địa phương cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận trang trại gắn với việc xây dựng quy hoạch, đưa các trang trại ra khỏi khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn và an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… Có như vậy, kinh tế trang trại mới thực sự phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của kinh tế thị trường.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *