Bên bờ hạnh phúc

Kỷ niệm 34 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, những ai có dịp về lại với Trà Ôn, hẳn sẽ được chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất đã đi vào lịch sử Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long như một biểu tượng của tinh thần cách mạng quật cường.

Một góc thị trấn Trà Ôn.

Chiến tranh đi qua đi để lại cho quê hương Trà Ôn rất nhiều khó khăn. Đất đai hoang hóa, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tư liệu sản xuất. Một thời gian dài, Trà Ôn được biết đến như một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh. Sau 34 năm kiến thiết, Trà Ôn hôm nay đã khoác lên mình sắc áo mới.

Hơn 80 năm gắn bó máu thịt với vùng đất giàu truyền thống cách mạng này, ông Hồ Tấn Hố (Tám Trầu) vẫn không sao quên được những năm tháng đầy gian nan ấy. Ông hồi tưởng lại: “Bom cày, đạn xới tùm lum hết, cầu đường đứt hết, nhà cửa tan nát hết. Người ta cất cái chòi ở mà thôi chứ chưa có nhà, nhà lá lèo tèo rồi xúm xích với nhau để sống. Sau khi giải phóng, Nhà nước mới kiên cố lại, đường đi, nhà thương, trường học, đời sống càng ngày càng vươn lên, sản xuất càng ngày càng cao. Hồi đó làm có một vụ ăn không đủ, giờ Nhà nước có kế hoạch làm 2 – 3 vụ”.

Với ý chí lao động cần cù, người dân Trà Ôn đã buộc đất loang lỗ hố bom dần dần đơm hoa kết trái. Về Trà Ôn hôm nay không khó tìm những điển hình nông hộ sản xuất kinh doanh giỏi, những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 5 năm trước, gia đình anh Hồ Tấn Chọn ở xã Tích Thiện còn là một trong những hộ thuộc diện nghèo. Nhờ được vay 20 triệu đồng từ Quỹ Xóa đói Giảm nghèo, anh bắt đầu trồng cam sành. Lãi thu được từ tiền bán cam, anh tích lũy và tăng dần diện tích. Hiện nay, với chín công cam sành, mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Ông Lưu Chí Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Tích Thiện – huyện Trà Ôn, cho biết: “Một số hộ chăn nuôi điển hình phát triển kinh tế cao thì có như: Trang trại của anh Huỳnh Văn Sáu ở ấp Tích Lộc, hộ chăn nuôi Nguyễn Văn Phán, Nguyễn Văn Tín ở Mương Điều. Còn về trồng cam có hộ anh Trần Văn Đậm ở Tích Lộc và anh Lê Thanh Vũ ở Cây Gòn. Với diện tích trên 1.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 120 ha vườn cây ăn trái đạt 100 triệu/ha/năm”.

Cùng với việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, nông dân Trà Ôn còn tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang các mô hình thâm canh cây trồng khác, mang lại lợi nhuận cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Hiện tại, Trà Ôn có 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã vượt qua mức giá trị 50 triệu đồng/ha/năm, trong đó có trên 2.300 ha cho giá trị từ 90 – 100 triệu đồng/ha/năm.

Khi mà chuyện cơm áo, gạo tiền không còn là nỗi lo hàng ngày nữa, nhiều người dân Trà Ôn có điều kiện đóng góp nhiều hơn để chung tay chăm lo cho cộng đồng. Từ năm 2000 đến nay, bà con đã đóng góp hàng trăm tỉ đồng để xây dựng hệ thống kênh mương, làm đường giao thông, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trong khu dân cư. Đặc biệt, người dân còn tự nguyện hiến trên 31 ha đất để xây dựng trường học.

Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn, cho biết: “Phát huy truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Trà Ôn đã không ngừng khắc phục khó khăn, chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Tuy hiện nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ cùng với sự đồng thuận của nhân dân huyện quyết tâm duy trì, giữ vững tốc độ kinh tế, nhất là phát triển lĩnh vực nông nghiệp, đây là thế mạnh của huyện”.

Dù còn đó không ít khó khăn, thử thách, nhưng nhìn chung, Trà Ôn hôm nay đang đổi thay từng ngày. Trên các ngả đường, làng quê đâu đâu cũng thấy cảnh dựng xây. Càng vui hơn khi những công trình quan trọng – Cầu Trà Ôn, đường tỉnh 907 đang được tiến hành xây mới và nâng cấp, tạo thêm cơ hội mới cho quê hương Trà Ôn tiếp tục phát triển.

Xuân Hòa

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *