Bên bờ hạnh phúc

Chăn nuôi ở nước ta, dù nhỏ lẻ hay quy mô lớn, đều gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng quan tâm là người dân không nhận ra đó là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm và ung thư.

Việc ứng dụng hầm khí biogas được xem là giải pháp thiết thực để phát triển chăn nuôi bền vững

Trong khi giải pháp khắc phục quy hoạch tổng thể lại ngành còn gặp nhiều khó khăn thì các nhà chuyên môn nhấn mạnh, cần chú trọng các giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, trong đó, việc ứng dụng hầm khí biogas được xem là giải pháp thiết thực để phát triển chăn nuôi bền vững.

Theo số liệu từ Cục chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 220 triệu con gia cầm; 8,5 triệu con trâu, bò; 27 triệu con heo; trên 1,3 triệu con dê và 110.000 con ngựa. Mỗi năm, chăn nuôi thải ra trên 73 triệu tấn chất thải rắn và 25 -30 triệu khối chất thải lỏng. Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn và 80% chất thải lỏng xả thẳng ra tự nhiên hoặc sử dụng không qua xử lý là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tại Vĩnh Long, để góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, năm 2009, tranh thủ nguồn vốn ODA do Hà Lan tài trợ và một phần kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai xây dựng dự án “Khí sinh học cho ngành chăn nuôi”.

Theo đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ xây dựng 150 hầm khí biogas (mỗi huyện 20 hầm, riêng thành phố Vĩnh Long 10 hầm). Kinh phí hỗ trợ cho mỗi hầm là 1.200.000 đồng, phần còn lại do người dân đóng góp.

Ông Bùi Long Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Mỹ – Trà Ôn phát biểu:

– “Triển khai dự án hầm biogas, nông dân đã đăng ký được 6 hộ, trong đó, chúng tôi chú trọng đến các hộ chăn nuôi lớn với quy mô trang trại đầu heo từ 200-300 con. Lợi ích của việc làm này là là tận dụng nguồn khi đốt và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.”

Hầm khí biogas xây dựng với thể tích 5 met khối sẽ phân hủy mỗi ngày khoảng 20 kg phân gia súc, tạo thành 0,9met khối gas, giúp người dân tiết kiệm chi phí củi khoảng 150.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, phụ phẩm khí sinh học còn dùng làm phân bón cho cây trồng, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập, hạn chế ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện đảm bảo sức khỏe cho con người.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu – Phát triển cộng đồng nông thôn, đến nay, chương trình nhà nước và các tổ chức hỗ trợ phát triển hầm khí biogas lồng ghép trong chăn nuôi đã thu hút hằng triệu người tham gia với hiệu quả rõ rệt.

Các nhà chuyên môn khẳng định, hướng phát triển chăn nuôi lồng ghép với ứng dụng công nghệ xây dựng hầm khí biogas đang là giải pháp đa tiện ích, không chỉ khả thi trước mắt mà còn bền vững lâu dài trước thực trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi ngày càng gia tăng như hiện nay.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *