Bên bờ hạnh phúc

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước. Tuy chỉ chiếm 12% diện tích đất đai toàn quốc nhưng hàng năm vùng này đã cung cấp trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây và gần 55% sản lượng thủy sản của cả nước.

Những năm qua, sản lượng lúa gạo của ĐBSCL đã vượt 19 triệu tấn, đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, góp phần đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, các mặt hàng thủy sản cũng đã đóng góp gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Với những lợi thế này, lẽ ra ĐBSCL phải là vùng đất phát triển. Song thực tế hoàn toàn trái ngược lai, cuộc sống của người nông dân nơi đây vẫn còn lam lũ, số lượng hộ nghèo nhiều, trình độ dân trí thấp, kinh tế – xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng.

Mặc dù là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp nhưng mức đầu tư cho ĐBSCL trong thời gian qua còn hạn chế, bình quân chỉ khoảng 10% GDP cả nước. Do thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất và dân sinh nên kinh tế nông nghiệp – nông thôn phát triển chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào khai thác tiềm năng có sẵn là chính nên mức thu nhập của người nông dân vùng đất này còn thấp và đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học – công nghệ vào sản xuất còn chậm, việc đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa có gì, qui mô sản xuất thì nhỏ lẻ, chất lượng nguồn nhân lực yếu, lao động có trình độ và tay nghề qua đào tạo còn thấp so với mức bình quân cả nước. Điều đáng nói hơn hết là 90% sản phẩm nông nghiệp làm ra được bán ở dạng thô, trong đó có 60% được bán với mức giá thấp.

Tóm lại, khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL chính là bài toán về mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa có lời giải đáp. Các mô hình chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp tuy đạt hiệu quả cao nhưng thiếu bền vững. Thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh, phần lớn không chủ động được đầu ra ổn định. Điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ đến hẹn lại lên, làm cho nông dân lao đao.

Do vậy, để nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL phát triển bền vững, trước tiên là cần phải huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở, qui hoạch tập trung hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, phát triển giáo dục và dạy nghề. Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao trình độ dân trí và đưa nhanh các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nhất là kỹ thuật về giống, vào sản xuất để vừa tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, vừa hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, cần cung cấp đầy đủ thông tin về thị trường giúp nông dân có định hướng sản xuất tốt, tránh chạy theo phong trào, tạo ra sản phẩm ào ạt dẫn đến tình trạng “dội chợ” bán giá thấp.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *