Bên bờ hạnh phúc

Xây nhà lưu trú, hỗ trợ tiền mua xe đạp, thêm phụ cấp hàng tháng… song nhiều doanh nghiệp đỏ mắt vẫn không tìm đủ lao động cần thiết đáp ứng nhu cầu sản xuất đang ở mức cao giữa năm.

Công ty Three Bambi 100% vốn Nhật Bản chuyên may quần áo trẻ em xuất sang Nhật đã rao tuyển thợ may, học viên may công nghiệp chính thức và thời vụ, nhưng chỉ lác đác vài người đến hỏi thông tin. Đại diện công ty chia sẻ: “Ai đến hỏi xin việc đều được giới thiệu những ưu đãi, ngoài lương thưởng còn có thêm phụ cấp. Nếu là nữ sẽ không phải lo tìm chỗ trọ”. Thế nhưng, chỉ tiêu 50 lao động đến nay vẫn chưa tuyển đủ.

Trong khi nhiều người vất vả ngược xuôi tìm việc, thì nhiều doanh nghiệp hàng tháng trời vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Ảnh: B.H.

Tại Công ty Manequins Đông Á, thông tin cần người từ hai tháng qua vẫn còn, đi kèm với bảng lương chi tiết cho từng bộ phận, từng vị trí, mức thu nhập đã có sự điều chỉnh so với trước. Nhiều công ty, nhất là lĩnh vực dệt may tuyển dụng diễn ra hàng ngày và không quên kèm theo lời giới thiệu hấp dẫn: “Môi trường làm việc tốt, trả lương cao…”.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư thương mại thủy sản (ICF) Trịnh Bá Hoàng trong văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP HCM cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh quý một giảm gần một nửa so với cùng kỳ là do yếu tố nhân lực. Bởi sau Tết, nhiều người ở hẳn dưới quê tìm đến các khu công nghiệp tỉnh, khiến cho sản lượng, doanh số xuất khẩu công ty chỉ bằng 51% so với cùng kỳ năm 2009.

Nhiều trung tâm giới thiệu việc làm than thở đang bí nguồn lao động. “Từ nhiều tháng nay, cung không đáp ứng đủ cầu, chỉ đạt 20-30% so với chỉ tiêu”, Phó giá đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh Niên Nguyễn Văn Sang cho biết. Trong khi việc tuyển thư ký, kế toán, kinh doanh hiện khá dễ dàng, thì những công việc đơn giản, không đòi hỏi cao (lao động phổ thông, bán hàng…) lại hết sức khó khăn.

Bức bách, một số doanh nghiệp (nhất là lĩnh vực da giày, dệt may, ngành vệ sinh công nghiệp) nghĩ ra những chiêu thức để hút lao động. Từ việc xây nhà lưu trú, nâng phụ cấp, hỗ trợ xe đạp, lôi kéo lao động từ doanh nghiệp bạn, đến khả năng xuống tỉnh tuyển dụng. Một số đơn vị còn nghĩ đến giải pháp hỗ trợ xây dựng nhà giữ trẻ để công nhân yên tâm gửi con làm việc…

“Không phải thiếu việc, mà do người lao động kén chọn”, cán bộ phụ trách tuyển dụng ở Trung tâm giới thiệu việc làm quận 10 khẳng định. Nhiều lao động đã tốt nghiệp đại học, có chuyên môn, kinh nghiệm không chấp nhận công việc có lương khởi điểm dưới 4 triệu đồng. Còn bán hàng, phục vụ nếu trả 2 triệu đồng trở xuống cũng không mấy ai hào hứng đi làm.

Trưng nhiều thông tin hấp dẫn, song, việc tuyển dụng ở nhiều nơi vẫn rất khó khăn. Ảnh: B.H.

Nhiều lao động cho rằng thu nhập có tăng, nhưng thực chất không xê dịch bao nhiêu so với trước. Trong khi đó, giá cả hàng hóa đội lên nhiều lần. Chị Thanh Mai, làm ở Khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi) tính toán: “Không nghỉ ngày nào, cộng thêm tăng ca, chuyên cần… mới hơn 2 triệu đồng, chỉ như muối bỏ bể trong thời buổi tiền phòng, sinh hoạt phí đều leo thang”. Chính vì vậy, những người mới chưa có tay nghề, học việc với mức lương hơn một triệu mỗi tháng do dự nộp đơn vào, dù hiện nay có rất nhiều công ty sẵn sàng đón nhận những ứng cử viên chưa có kinh nghiệm.

Phó giám đốc thường trực Trung tâm giới thiệu việc làm TP HCM (trực thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội – Trần Anh Tuấn) lý giải: “Doanh nghiệp khó có thể nâng lương lên mức hợp lý bởi bản thân họ cũng phải đối diện với một loạt chi phí tăng cao”. Song, không có lao động thì không thể sản xuất, doanh nghiệp sẽ phá sản nên nhiều nơi nghĩ ra trăm nghìn phương cách chèo kéo, kêu gọi người lao động.

“Trọng tâm của bài toán nhân lực hiện nay không tập trung vào ngành nghề, đào tạo, mà là giá nhân công”, ông Tuấn đúc kết. Chính vì vậy, dù thất nghiệp ở quê, nhưng nhiều người không sẵn lòng quay lại thành phố làm việc với mức lương khó có thể đảm bảo cuộc sống.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *