Bên bờ hạnh phúc

Nắng nóng kéo dài, người dân TPHCM đổ xô đi bơi khiến nhiều hồ bơi luôn rơi vào cảnh “quá tải”. Các loại nước uống “giải nhiệt” cũng vào mùa… hốt bạc.

Đi bơi cho “hạ nhiệt”

Để “gội” bớt cái nóng có ngày lên đến 37 độ C, người dân TPHCM đang ào ào đổ xô đi bơi. Các bể bơi đìu hiu vắng khách bỗng trở nên sôi động, nhộn nhịp với lượng khách tăng đột biến. Thậm chí, đến giờ cao điểm, nhiều người còn phải xếp hàng chờ đến lượt.

Đến bể bơi để trốn cái nóng bức.

Cả tuần nay, sau giờ làm việc, Thu Uyên (nhà ở chung cư Thuận Việt, Q.11) cùng nhóm bạn bốn người kéo nhau đi bơi. “Trời nắng nóng quá, hơn 5 giờ chiều bước chân ra khỏi cơ quan mà vẫn chói cả mắt như giữa trưa vậy. Chỉ có đi bơi mới hạ nổi nhiệt trong người thôi”, Uyên cho biết.

Có hôm cả nhóm phải chạy qua ba, bốn điểm, từ hồ bơi Phú Thọ (Q.11) đến hồ bơi Lao Động (Q.1) rồi sang tận hồ Kỳ Đồng (Q.3) mà vẫn không tìm được chỗ bơi ưng ý vì đến đâu cũng đông nghịt.

Nằm trên con đường Lam Sơn (Q.Bình Thạnh), ngày thường bể bơi nhỏ Chi Lăng rất vắng khách. Thế nhưng nửa tháng nay, nhờ thời tiết nắng nóng, lượng khách đến đây tăng gấp đôi.

Anh Phan Huy Thiết, huấn luyện viên của bể bơi Chi Lăng cho biết, lượng khách đông nhất vào giờ nghỉ trưa và chiều tối. Lượng học viên đến đăng ký học bơi cũng tăng đáng kể những ngày này.

Nước “giải nhiệt” làm không đủ bán

Những ngày nắng nóng cũng là dịp các hàng nước giải khát dọc đường phố “hốt bạc”. Nhiều điểm bán nước mát khách hàng phải đứng chờ, người bán làm luôn tay luôn chân mà vẫn không xuể. Buổi tối, từ xe nước vỉa hè cho đến quán tiệm đều kín chỗ.

Nhiều loại nước giải nhiệt không kịp bán trong những ngày này.

Anh Trần Văn Hùng, bán nước mía trong con hẻm đường Cộng Hòa (Q. Tân Bình) cho biết, từ đầu đợt nắng nóng đến giờ, lượng mía anh tiêu thụ mỗi ngày tăng lên gấp ba. “Ngày hết gần hai trăm cây mía. Trước đây, chỉ mình tôi bán nhưng dịp nắng nóng này phải có người phụ”.

Cũng như nhiều nơi khác, giá mỗi ly nước mía anh Hùng bán ra là 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với trước. Anh lý giải giá tăng không phải vì nhu cầu người dùng tăng đột biến, mà do giá điện, nước tăng.

Cô Hải, bán các loại nước mát trên đường Nguyễn Kiệm cũng “khoe” mỗi ngày bán trên 1.000 ly nước các loại như nước sâm, sương sáo, rau má, sữa đậu nành… Do không có thời gian chế biến nên cô Hải phải lấy lại sữa đậu nành của người khác.

“Trước đây, hai ngày tôi nấu một nồi nước sâm, giờ tăng lên hai nồi một ngày mà vẫn không đủ bán. Mà mình chỉ bán ban ngày thôi đó, đêm cũng đông khách lắm nhưng làm không nổi”, cô Hải nói.

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *