Bên bờ hạnh phúc

Những kỷ vật trào nước mắt

Bằng tất cả sự tận tâm và lòng nhiệt thành, bà đã ghép những mảnh vỡ của cuộc chiến thành hình để thân nhân các anh hùng liệt sĩ được an ủi, để các thế hệ hôm nay cũng như mai sau hiểu hơn về tấm lòng cao cả, sự hi sinh quên mình của thế hệ đi trước.

Bà Hằng kể rằng, bà xúc động nhất khi tìm được bức thư của anh Khương Thế Hưng, nhân vật M trong nhật ký Đặng Thùy Trâm. Chiếc phong bì nhỏ xíu 6,5 x 8,8cm, làm bằng giấy kẻ ô ly, trên đề Hưng. 736. GM TQTuấn, dưới là tên người nhận Nguyễn Đức Dũng, Binh vận Đức Phổ. Bức thư không bao giờ đến được tay người nhận vì mặt sau phong bì có dòng chữ viết bằng mực đỏ: "Hưng ơi! Dũng hy sinh rồi, địch càn vừa rút, Dũng lên công sự, địch càn trở lại gặp trong nhà bắn chết. HL”.Tiếp phía dưới là dòng chữ viết bằng mực xanh: "Và bây giờ thì Hoàng Liên, người viết những dòng trên cũng đã hy sinh vì giặc Mỹ bắn chết – 12/69".

Thư được viết hai mặt trên tờ giấy kẻ ca rô, kích thước 9,6 x 14cm, được gập làm tư, đặt gọn trong chiếc phong bì đã nhuốm màu thời gian. “Trong thư anh ấy còn nhắc đến chị Sơn thì năm sau chị ấy cũng hi sinh. Một lá thư bé nhưng trong đó có 3 người hi sinh”, bà Hằng bùi ngùi kể lại.

Một kỷ vật khác cũng làm bà nhớ mãi là chiếc ca nước làm bằng mảnh xác máy bay của nữ y tá Nguyễn Thị Kim Cương ở Đội điều trị 204 – Tổng cục Hậu cần phục vụ Mặt trận B5. Chiếc ca gắn với bao kỉ niệm vui buồn ở Trường Sơn, với các thương bệnh binh, với mối tình đầu của chị Kim Cương trong suốt những năm kháng chiến. Đấy là chiếc ca nước mà anh Võ Minh, người chồng của chị sau này, tặng trước ngày người yêu vào chiến trường.

Học sinh tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Chiếc ca kỷ vật ngày trước dùng để phục vụ hàng trăm thương bệnh binh thì giờ đây lại phục vụ đứa con gái bị nhiễm chất độc màu da cam. Chính vì thế, chị Kim Cương luôn nâng niu, trân trọng nó trong suốt 40 năm. Nhưng khi biết bà Hằng xin về cho bảo tàng thì chị đã tặng chiếc ca cùng với tấm ảnh và những bức thư tình thời chiến.

 

Bước chân không mỏi

Bà Hằng tốt nghiệp Khoa sử, Trường ĐH Tổng hợp năm 1976, sau đó về làm cán bộ kiểm kê khoa học, sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, rồi bắt đầu hành trình sưu tầm kỷ vật chiến tranh từ năm 1994.

Bà kể: “Những năm đó chồng tôi đang còn trong quân đội, anh thường đi công tác xa nên tôi phải gửi con đầu lòng mới hơn 10 tuổi cho người thân, bạn bè trong cơ quan để lên đường. Tiền công tác phí lúc đó Nhà nước cho cũng không đủ nên nhiều lúc tôi phải dành một ít tiền lương để chi phí dọc đường, gọi điện thoại liên lạc”. Từ Bắc vào Nam, nơi đâu cũng in dấu chân của bà. Có những chuyến đi bà phải rong ruổi hàng tháng trời, đi cả thứ bảy lẫn chủ nhật, cả ngày lẫn tối, đêm đến thì xin ngủ nhờ nhà dân, doanh trại quân đội…

Dù khó khăn, vất vả nhưng mỗi hành trình như thế lại trở thành một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời bà. “Tôi vẫn còn nhớ lần đi sưu tầm về Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát, nguyên Phó Tư lệnh Hải quân, nghỉ hưu ở TP HCM. Khi tôi hỏi một số gia đình quân nhân về địa chỉ nhà tướng Phát, họ yêu cầu cho xem giấy giới thiệu. Thế là tôi tìm đường vào cơ quan Quân chủng Hải quân tại TP HCM nhưng không được vào vì trực ban yêu cầu phải quay ra Bộ Tư lệnh Hải quân xin giấy giới thiệu. Thấy tình hình căng quá nhưng tôi cứ thuyết phục mãi, cuối cùng, Chuẩn đô đốc Nguyễn Dưỡng, Phó Tư lệnh Hải quân, chấp nhận giới thiệu tôi với gia đình tướng Phát. Buổi tối, tôi cùng một anh trong bảo tàng đi xe ôm vào, dừng cách nhà cụ 5 nhà để cụ không biết nhưng cụ Phát đã đứng đón từ ngoài ngõ. Nhìn thấy hai cô cháu, cụ thương và cảm động nên mới mới bắc ghế đứng bên bàn thờ rút ra một chiếc đồng hồ hiến tặng cho bảo tàng. Đây là kỷ vật quý cụ gìn giữ suốt cả đời lính lênh đênh trên sóng biển. Trên mặt đồng hồ có khắc ba chữ Hồ Chí Minh", bà kể lại.

Đến nay, bà đã hoàn thành nhiều công trình sưu tầm kỷ vật chiến tranh như “Hiện vật các loại bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam”, “Vũ khí thô sơ tự tạo tại Việt Nam”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Tranh cổ động kháng chiến 1945-1975”… “Tôi thấy ở Mỹ có một trung tâm tư liệu lưu giữ những kỷ vật chiến tranh của cả Mỹ và Việt Nam. Tôi có ý định tìm một nhà tài trợ phối hợp với Cục Di sản để làm một trung tâm tư liệu chiến tranh”, bà tâm sự.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *