Bên bờ hạnh phúc

Trần gian có gì, âm phủ muốn nấy

Ngày 2-9 (tức 14-7 âm lịch) chợ Bình Tây (quận 6), chợ An Đông (quận 5), chợ Thiếc (quận 11), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) ken người đến đặt, mua hàng mã. “Làm ăn khó khăn nhưng cũng ráng bỏ hai triệu đồng để mua đủ bộ gửi thằng nhỏ” – chị Thu, nhà ở quận 6 cho hay. Đủ bộ mà chị nói gồm có xe máy xịn, ĐTDĐ, nhà lầu, xe hơi, máy bay…, kiểu nào mới ra thì chị đều tậu đủ.

Anh Lợi, chủ một cửa hàng ở chợ Bình Tây đưa cho chúng tôi một album với đủ kiểu nhà lầu, giá dao động từ 100 ngàn đến hai triệu đồng. Chị bán hàng mã ở sạp kế bên hồ hởi tiếp thị: “Nếu muốn nhà to hơn, xe lớn hơn thì phải đặt trước một vài ngày. Nhưng anh cần gấp thì em cũng có hàng”. Nói xong, chị này hỏi số điện thoại để có gì sẽ giao hàng tận nhà.

Tại chợ Bà Chiểu, nhiều sạp hàng mã còn in danh thiếp, đưa địa chỉ lên mạng để chào hàng. “Ở đây còn bán sỉ cho các tỉnh miền Đông và miền Tây. Mấy ngày này khách đặt hàng đông lắm” – chị Thu bán nhang đèn, hàng mã ở chợ này cho biết.

Tại chợ Thiếc (quận 11), hơn 20 sạp kinh doanh hàng mã ở đây khách mua đông nghẹt. Một chủ hàng cho biết những ngày này doanh thu bình quân tới bốn triệu đồng/ngày. “Khách yêu cầu cao lắm. Hôm trước có khách yêu cầu mua cả Michael Jackson và các đĩa nhạc do ca sĩ này hát, kích thước phải bằng nửa người thật. Giá món này một triệu đồng, tui phải đặt làm ba ngày mới xong” – anh Đông, một chủ sạp kể lại.

Tại đường Nguyễn Thị Nhỏ (đoạn gần chợ Bình Tây, nhiều sạp hàng mã bày nhà lầu, xe hơi, xe máy xịn ra lề đường để tiếp thị. Bề thế nhất là sạp hàng mã PT, khách mua sắm hàng mã như đi chợ Tết. Ngay cả các chợ vùng ven như chợ Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn… các sạp hàng mã cũng rất phong phú.

“Khách tin người trần cần gì thì ở dưới âm phủ cũng muốn nên sạp tôi có đủ nhà lầu, xe hơi, xe đạp điện, nồi cơm điện, quạt bàn, laptop, tủ lạnh, điện thoại di động… thậm chí “ôsin” (người giúp việc nhà) cũng có luôn” – chị Phương, sạp vàng mã ở chợ Hóc Môn vừa khoe vừa đưa danh thiếp để mời chúng tôi đặt hàng.

Nhân viên một sạp hàng ở chợ Bình Tây đi giao nhà lầu. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC

Bỏ bạc triệu đem đốt

“Làm tui chiếc trực thăng, căn biệt thự, một laptop, mai lấy, nhớ làm thêm phi công nữa”. Đó là lời của một người đàn ông đến sạp hàng mã ở chợ Bình Tây đặt hàng. “Hồi còn sống, con tui thích đi máy bay nhưng nhà không có điều kiện. Gửi cái trực thăng cho nó vì sợ gửi xe máy thì nó chạy ẩu gây tai nạn! Trọn bộ là một triệu đồng” – người này thổ lộ.

Theo các chủ hộ làm hàng mã ở phường 4, quận 8 thì đa số khách hàng đặt xe hơi, xe máy, bằng lái xe… có diện tích và kích cỡ gần giống thật. Khách họ quan niệm hàng càng giống thì người qua đời càng thích. “Do vậy mình phải cập nhật thông tin liên tục để tư vấn cho khách” – anh Trung, một trong những hộ làm hàng mã ở phường 4, quận 8 tiết lộ. Còn “thực tế” hơn như chị Phượng, khách hàng ở chợ Bà Chiểu thì: “Mỗi năm tốn khoảng hai triệu đồng tiền hàng gửi cho thằng con. Giờ giá cả leo thang thế này, chắc dưới đó nó cũng khó khăn”.

Bà hỏa rình rập

Ở nhiều chợ bán hàng mã, chúng tôi chứng kiến nhiều tiểu thương đốt nhang cúng cô hồn, cho ông Địa hút thuốc ngay trong sạp hàng mã, bánh kẹo, vải. “Ban ngày thì đốt nhang, tối đốt giấy vàng bạc để mua may bán đắt. Tụi tui đốt cẩn thận lắm!” – mấy chủ sạp hàng mã ở chợ Bình Tây vừa lén lút ban quản lý chợ đốt hàng mã, vừa trấn an. Tuy nhiên, bản thân họ vẫn còn nhớ và tỏ vẻ e sợ vụ cháy 13 sạp hàng ở chợ này vào tháng 2-2008 mà ngọn lửa xuất phát từ một cửa hàng bán hàng mã.

Chưa kể, nhiều khách hàng vô tư hút thuốc, gạt tàn tứ tung. Theo các chủ cửa hàng thì hôm nào không đốt nhang hay vàng mã thì không yên tâm, vì hôm đó sẽ ế, nên ban quản lý chợ cấm thì cấm mà họ đốt cứ đốt. Ông Nguyễn Văn Mùi, thành viên Ban quản lý chợ Bình Tây cho hay: “Chợ đã xây một điểm để các tiểu thương thắp nhang nhưng nhiều người cứ mê tín tùy tiện đốt luôn ở sạp”.

Tại chợ Bà Chiểu, ông Nguyễn Thành Châu, thành viên ban quản lý chợ khẳng định: “Chợ đã cấm tiểu thương đốt nhang tại quầy hàng mã năm năm nay, ai đốt là bị cấm bán ngay”. Tuy nhiên, một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu vẫn vừa thú nhận vừa phân trần: “Nhiều bữa bán ế thì phải đốt hàng mã để bớt xui chứ biết sao!”.

Vào những năm 1950, hòa thượng Thích Tố Liên từng nói: “Xin hỏi tìm thấy Phật giáo và Nho giáo dạy về thuyết đốt vàng mã ở kinh sách nào? Nếu các ngài tìm thấy, bần tăng này xin cam tâm vào địa ngục để chịu lấy tội vong hữu”.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *