Bên bờ hạnh phúc

Nhằm giúp các hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống, nhiều năm qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà ở theo chương trình 134 và hiện nay là nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ triển khai thực hiện tốt các chính sách này mà dịp Tết cổ truyền Chôl Chăm Thmây năm nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có thêm nhiều hộ Khmer nghèo được đón tết trong ngôi nhà mới ấm áp.

Khác với những năm trước, năm nay, gia đình anh Thạch Cha Mô Ni ở ấp Cần Thay, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn được đón tết cổ truyền của dân tộc trong niềm vui và hạnh phúc. Ngôi nhà ọp ẹp ngày nào phải che tạm bằng bằng nhiều lớp mũ ni lông để tránh mưa, tránh nắng giờ đây đã được thay thế bằng ngôi nhà khang trang, nền lót gạch, mái tol, cột đúc. Đây cũng là kết quả từ chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Có được ngôi nhà mới ổn định, vợ chồng anh Thạch Cha Mô Ni càng tích cực lao động. Hàng ngày anh trèo cây thốt nốt lấy nước bán trung bình được 60.000 đồng, còn chị cũng yên tâm đi may gia công ở huyện Tam Bình.

Nhờ triển khai tốt Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2009, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được 1.278 ngôi nhà mới cho hộ nghèo, trong đó có 303 căn nhà dành cho hộ Khmer nghèo. Trung bình mỗi căn nhà trị giá trên dưới 20 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ 8,4 triệu đồng; các hộ nghèo được vay tín dụng ưu đãi 8 triệu đồng; còn lại là sự hỗ trợ của quỹ "Vì người nghèo" các cấp và mức đóng góp linh hoạt của từng gia đình nhằm đảm bảo căn nhà được hoàn thành với 3 tiêu chí “nền cứng, cột cứng và mái cứng” và có thời gian sử dụng trên 10 năm.

Thực hiện chương trình 134 và Quyết định 167 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có đời sống khó khăn, tính từ năm 2005 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai xây dựng được 3.082 căn nhà cho bà con Khmer nghèo ở 4 huyện Tam Bình, Bình Minh, Vũng Liêm và Trà Ôn, với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng. Nhiều hộ nhờ có nhà ở ổn định mà an tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Việc hỗ trợ kịp thời nhà ở cho các hộ Khmer nghèo được thực hiện lồng ghép với các chương trình đầu tư khác đã tạo điều kiện để bà con an tâm phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo trong đồng bào dân tộc. Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer là 50,5%, đến nay con số này giảm còn 38%.

Bích Tuyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *