Bên bờ hạnh phúc

Hôm nay (8/9) là ngày Thế giới Phòng chống bệnh dại. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus hướng thần kinh gây ra. Khi đã xuất hiện triệu chứng dại thì không thể chữa trị được, do vậy, mọi người cần phải thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.

Theo các nhà chuyên môn, virus dại xâm nhập vào cơ thể người qua vết cắn hoặc vết cào cấu của động vật bị nhiễm bệnh dại như chó, mèo và một số động vật hoang dã khác. Trong đó, đối tượng chó mang mầm bệnh chiếm đến 90%, kế đến là mèo nuôi chiếm khoảng 5%.

Do vậy, muốn phòng chống bệnh dại thì phải tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn chó, mèo ở địa phương. Thời gian qua, việc làm này cũng được khá nhiều người nuôi hưởng ứng.

Tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo cũng là một biện pháp phòng chống bệnh dại có hiệu quả

Nếu người nuôi chó, mèo nào cũng ý thức được tác hại của bệnh dại thì việc tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo sẽ gặp thuận lợi. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này gặp không ít khó khăn. Kế hoạch tiêm phòng dại năm 2009 của tỉnh Vĩnh Long chỉ mới đề ra 30.000 liều, song đến nay, toàn tỉnh chỉ mới tiêm được hơn 17.500 liều, đạt tỷ lệ 58,49%.

Tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại cho đàn vật nuôi đạt thấp trong khi số trường hợp bị súc vật cắn phải đi tiêm ngừa dại lại càng gia tăng. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh Vĩnh Long có trên 8.400 trường hợp bị súc vật cắn phải đi tiêm ngừa, trong đó có 7.040 trường hợp bị chó cắn, trên 1.200 trường hợp bị mèo cắn và 128 trường hợp do các động vật khác gây ra.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh dại do bị chó, mèo cắn nằm trong số 10 căn bệnh gây tử vong nhiều nhất. 100% số trường hợp bị chó dại cắn đều có nguy cơ bị tử vong, nhưng cũng 100% số trường hợp này đều có thể được phòng tránh và chữa khỏi nếu sử dụng thuốc đặc trị đúng lúc và đầy đủ.

Do vậy, để ngăn ngừa bệnh dại và tránh những cái chết thương tâm có thể xảy ra, mọi tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo bắt buộc phải tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi mỗi năm 1 lần, không nên thả chó chạy rong ngoài đường hoặc nơi công cộng. Khi chó cắn người, chủ nuôi phải nhốt con vật, cách ly và báo cho cơ quan thú y gần nhất để theo dõi. Người bị súc vật cắn cần phải đi tiêm ngừa kịp thời và đủ liều để đảm bảo an toàn tính mạng. Đây là những giải pháp hữu hiệu và cần thiết để thanh toán bệnh dại ở các địa phương trong thời gian tới.

Hồ Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *