Bên bờ hạnh phúc

Năm cũ đã qua, năm mới Trâu vàng đang bước những bước chậm rãi, chắc nịch trên dặm dài hướng về phía trước. Với bản lĩnh của cả hệ thống chính trị đã được tôi luyện qua đấu tranh bảo vệ đất nước, qua hơn 20 năm đổi mới nhất là qua năm 2008 đầy sóng gió bất thường, chúng ta có cơ sở tin rằng đất nước sẽ mau chóng đi qua giông bão của thời kỳ suy thoái để thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững vì dân giàu, nước mạnh mà Đảng, Bác Hồ đã đề ra.

Dấu ấn 2008

Năm 2008 đã qua đi nhưng để lại trong trí nhớ mọi người những dấu ấn khó phai mờ về một năm đầy biến động, khó lường và rất ấn tượng.

Năm 2008 mở đầu bằng một trận rét đậm, rét hại kéo dài từ Mỹ, Âu sang Á. Lần đầu tiên trong lịch sử người dân Trung Quốc chứng kiến tuyết rơi và hàng chục vạn người phải đón Tết dân tộc ở các ga tàu, bến cảng. Rét đậm, rét hại lịch sử cũng khiến cả trăm ngàn ha lúa ở miền Bắc nước ta chết rụi. Tháng 5 có trận động đất thế kỷ ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) khiến gần 90.000 người chết, san phẳng hầu hết các thị trấn, thị tứ ở đây. Tháng 10, trận mưa lịch sử khiến nhiều vùng ở Thủ đô Hà Nội ngập trong nước hàng chục ngày… Thiên nhiên, thôi thì thất thường đã đành bởi "Nắng mưa là chuyện của trời" nhưng kinh tế, một lĩnh vực hoàn toàn thuộc con người, năm qua cũng biến động khó lường, thất thường như thời tiết.

Nửa đầu năm là thời kỳ mà cơn bão lạm phát tràn qua mọi châu lục, giá cả tăng từng tuần ở hầu khắp các mặt hàng thiết yếu. Dầu thô lao một mạch và chỉ chịu dừng lại ở mức 147 USD/thùng vào ngày 11/7. Giá phân urê đạt đỉnh 830 USD/tấn vào ngày 24/7. Trước đó, phôi thép đã lên 1.200 USD/tấn và gạo lên 1.000 USD/tấn…

Ở trong nước, nửa đầu năm 2008 giá cả hàng hoá trên thị trường cũng tăng vọt gây áp lực tăng lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 18,44%. Chỉ tính so với cùng kỳ năm 2007, 6 tháng đầu năm 2008, giá dầu thô tăng 69,5%, xăng dầu tăng 60%, gạo tăng 85%, than đá tăng 68,4%, phân bón tăng 90%, phôi thép tăng 52%, café tăng 40%, clinke tăng 35%… Giá cả tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất và đời sống người dân gặp khó khăn. Đã có một chuyện khó tin là chẳng hiểu nghe tin đồn từ đâu mà người dân Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội nháo nhào ào vào các cửa hàng, siêu thị mua vét từng bịch gạo. Hình ảnh này được chiếu trên tivi. Dân Âu, Mỹ có xem chắc cũng tưởng đó là chuyện xảy ra ở Kenya hay sát nơi đang có thảm hoạ nhân đạo chứ mấy ai tin đó là chuyện có thực ở đất nước đang xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới với 4-5 triệu tấn/năm.

Do lạm phát cao, Ngân hàng Nhà nước đã tìm mọi cách hạn chế tiền mặt đưa vào lưu thông. Lãi suất cơ bản được đẩy từ 8,5% lên 14%. Vì thế lãi suất cho vay bị đẩy lên 21%. Với lãi suất cho vay kỷ lục này, chẳng mấy doanh nghiệp (DN) dám gõ cửa ngân hàng, bởi kinh doanh lương thiện làm sao có lợi nhuận để trả chi phí, trả lãi suất ấy. Nhiều DN đã ngưng hoặc hoạt động cầm chừng. Các chuyên gia kinh tế đánh giá20% DN vừa và nhỏ trên bờ vực phá sản, 60% DN gặp khó khăn và chỉ 20% hoạt động bình thường.

Đầu năm là vậy nhưng 6 tháng cuối năm tình hình kinh tế thế giới quay phắt 180 độ. Bắt đầu là cuộc đổ vỡ của thị trường địa ốc tại Mỹ châm ngòi cho hiện tượng cạn kiệt tín dụng trên thế giới. Từ tháng 7 đến tháng 9, thế giới đã chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt tập đoàn tài chính có thứ hạng cao tại phố Wall (Mỹ). Có thể kể đến những cái tên nằm trong top ten phố Wall như: IndyMac, Farnie Mac và Fređie Mac, Lehman Brother Holding inc, Merrill Lynch, Washington Matual, Wachovia… Sự đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống tài chính Mỹ lan nhanh sang lục địa già châu Âu, kéo theo sự đổ vỡ của hàng loạt ngân hàng ở đây và gây dư chấn ở châu Á. Sau nỗi hoảng sợ của cả thế giới tài chính là sự đóng băng tín dụng trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng tài chính này đã đẩy kinh tế thế giới vào cuộc suy thoái nghiêm trọng. Giá hàng hoá trên thế giới sau nửa năm tăng dựng ngược nay lại tuột dốc một cách thê thảm. Giá dầu thô từ 147USD/thùng xuống 33,4 USD/thùng (26/12); giá chào bán phân urê từ 830USD/tấn rớt xuống 215-217 USD/tấn (20/12); giá phôi thép còn 350-380 USD/tấn, giá gạo 100% tấm của Thái Lan chỉ còn 520-550 USD/tấn… Kinh tế thế giới suy giảm, sản xuất đình trệ, thất nghiệp gia tăng, sức mua suy yếu khiến nhiều quốc gia trên thế giới tuyên bố suy thoái, nhiều công ty tuyên bố phá sản.
Ở Việt Nam, những tác động của cuộc khủng hoảng thế giới dội ngay vào nền kinh tế nước ta một cách trực tiếp, sâu sắc. Từ tháng 8 trở đi, xuất khẩu tháng sau giảm hơn tháng trước. Từ tháng 10 trở đi, chỉ số giá tiêu dùng âm liên tục 3 tháng. Điều này là chưa từng có trong thương mại nội địa, bởi đây là 3 tháng áp Tết, xưa nay luôn có mức tăng giá cao, là thời điểm vàng trong kinh doanh. Sản xuất vừa thoát ra khỏi lạm phát lại bị cuốn vào vòng xoáy của sự suy giảm khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn. Các chuyên gia kinh tế đánh giá 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với nguy cơ thua lỗ, đóng cửa.

Năm 2008 là năm kinh tế biến động khó lường như vậy nhưng lại là năm để lại dấu ấn rất ấn tượng trong cách xử lý tình huống và điều hành đất nước của Chính phủ. Ngay sau Tết Mậu Tý, Chính phủ đã đưa ra 8 biện pháp cấp bách nhằm chống lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm phát triển bền vững. Chỉ sau một quý, đất nước đã có dấu hiệu ổn định trở lại. Tháng 11, khi bóng đen của giảm phát đã hiện rõ, Chính phủ lập tức đưa ra 5 biện pháp khắc phục giảm phát, đồng thời vẫn dè chừng lạm phát trở lại. Cùng với thế giới, Ch&iacute
;nh phủ đã tung ra 6 tỷ USD nhằm kích cầu, thúc đẩy sản xuất.

Với những cố gắng đầy bản lĩnh đó, Chính phủ đã đưa kinh tế nước ta vượt qua lạm phát, thực hiện gần được mục tiêu tăng trưởng 6,5% (đạt 6,25%). Thị trường trong nước tiếp tục sôi động, ổn định và duy trì nhịp độ phát triển. Hàng hoá phong phú, dồi dào bảo đảm mọi nhu cầu của sản xuất và đời sống. Công tác điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường kịp thời, không để xảy ra sốt giá kéo dài. Nhiều chỉ tiêu kinh tế được thực hiện với kết quả khả quan: Kim ngạch xuất khẩu đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ tăng 31%; nhập khẩu đạt 79,9 tỷ USD tăng 27,5%. Đặc biệt nhập siêu thấp hơn mức 20 tỷ USD mà Quốc hội đặt ra; thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục ở mức 64 tỷ USD.

Kỳ vọng 2009

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lần này được đánh giá là sâu rộng không kém cuộc khủng hoảng những năm 1929-1932 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, ngày nay trái đất là ngôi nhà chung nên các nước đều chung tay chống khủng hoảng. Thế giới đã dành 2% GDP toàn cầu cho mục tiêu này và với sự năng động phản ứng nhanh, mạnh hy vọng cuộc khủng hoảng này sẽ không dài như lần trước. Mặt khác, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra cũng là cơ hội để các nước cơ cấu lại nền kinh tế của mình, tìm ra các phương thức quản lý mới, các công nghệ mới nhằm tạo ra những bước ngoặt trong phát triển kinh tế.

Trong cuộc suy thoái của thế giới này, kinh tế Việt Nam chịu thiệt hại gì? Trực tiếp nhất có thể thấy xuất khẩu bị ảnh hưởng khi 3 thị trường quan trọng nhất là Mỹ, EU và Nhật Bản lâm vào khủng hoảng với dự báo tăng trưởng âm vào năm 2009 thì khó mà thực hiện mức tăng trưởng xuất khẩu cao được. Thứ nữa là đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng, có thể bị giảm về quy mô cũng như vốn… Những thiệt hại đó sẽ khiến đầu tư sản xuất suy giảm, giảm nhân công, thất nghiệp nhiều hơn. Dự báo có tới 300.000 chỗ làm việc bị mất trong năm 2009. Kinh tế nước ta có thể tăng chậm lại với mức tăng trưởng 4-5% như nhiều chuyên gia nước ngoài dự báo. Nhưng nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, đấy là tình huống xấu nhất, chúng ta hoàn toàn có thể phấn đấu để tăng trưởng kinh tế ở mức 6% hoặc nỗ lực hơn có thể đạt 6,5% như Quốc hội đề ra. Nhiều người cho rằng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng về lượng nhưng thiệt về giá… Khủng hoảng là thời của hàng giá rẻ. Sản xuất Việt Nam sẽ được lợi khi giá vật tư nguyên nhiên liệu thế giới rẻ như hoặc rẻ hơn hiện nay. Do nhiều lợi thế nên sản phẩm Việt Nam có giá rẻ hơn, có khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường và đáp ứng nhu cầu hàng rẻ cho dân chúng các nước nhập khẩu.

Trong thời điểm giá các loại vật tư nguyên nhiên liệu trên thế giới đang rẻ đi, cần theo dõi sát tình hình và khai thác triệt để cơ hội này mua về phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất trong nước.

Việt Nam năm 2008 được các hãng nghiên cứu tư vấn nước ngoài xếp hạng là thị trường hấp dẫn nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc, Ấn Độ, Nga. Một thị trường có dân số trên 86 triệu người mà số trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm 50%, có nhu cầu tiêu dùng cao, có khả năng tạo thu nhập lớn, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh… đó là những lợi thế. Tuy nhiên, nhiều năm qua các DN vẫn hướng về xuất khẩu mà ít chú ý thị trường nội địa. Bài học từ vụ cá tra, basa năm bị áp thuế chống bán phá giá đã quay về thị trường nội địa và khởi sắc vẫn còn nguyên giá trị. Mới đây, khi thị trường ngoài nước bị ảnh hưởng của khủng hoảng, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội dệt may đã chọn định hướng phát triển thị trường nội địa cho ngành dệt may, đó là một sự chuyển hướng thích hợp.

Cũng trong bối cảnh này, việc mở rộng phong trào "Người Việt dùng hàng Việt" cũng nên coi là một giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế nước nhà vượt qua khó khăn của thời giảm phát. Hơn thế, đó còn là dịp hun đúc lòng tự tôn dân tộc trong giới tiêu dùng. Đây có thể coi là sự cổ vũ của người tiêu dùng Việt đối với các "tuyển thủ" DN Việt Nam trong "trận đấu" với các đối thủ nước ngoài đang chờ cơ hội tràn vào.

Ngay từ cuối năm 2008, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế vượt qua thời suy thoái. Lãi suất cơ bản đã được giảm xuống 8,5% và có thể còn thấp hơn nữa; biên độ tỷ giá VND/USD được giãn rộng 3-5%… Chính phủ cũng khẩn trương dành 6 tỷ USD để kích cầu và có thể thông qua lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn ưu đãi… Tất cả những giải pháp đó đều hướng đến DN, hướng đến xuất khẩu. Năm 2009, Chính phủ cũng sẽ tăng ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khuyến khích DN tích cực khai thông nhiều thị trường mới nổi, những thị trường mới. Cuối năm 2008, Chính phủ đã ký với Nhật Bản Hiệp định giảm thuế nhập khẩu tới 0% cho hàng hoá buôn bán giữa hai nước. Điều này đã mở một cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường lớn này.

Cái quan trọng không kém trong giai đoạn khó khăn này chính là việc cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả cao. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là lúc cần loại bỏ những DN làm ăn kém hiệu quả theo hướng sáp nhập vào các công ty lớn, thậm chí cho phá sản. Hy vọng sau khủng hoảng, chúng ta sẽ có những công ty mạnh, những tập đoàn đủ lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Sau khủng hoảng thường là thời kỳ phát triển vũ bão ở tất cả các nước. Ai bước ra khỏi khủng hoảng sẽ có cơ hội vượt lên, đặc biệt bước ra khỏi khủng hoảng với một đội ngũ các công ty, tập đoàn đã được tổ chức lại có hiệu quả, có tầm vượt xa hơn.

Tất nhiên, vượt ra khỏi khủng hoảng không phải dễ, nhất là vượt ra sớm với lực lượng hùng hậu hơn. Còn hàng loạt công việc cần làm như cải cách thủ tục hành chính giúp cho bộ máy vận hành trơn tru nhanh nhạy và tinh giản, như việc đẩy mạnh chống tham nhũng nhằm thanh lọc đội ngũ, tạo sựtin tư
ởng của nhân dân vào bộ máy Nhà nước… Còn rất nhiều việc cụ thể hơn cần phải làm. Tỉ như việc thiết lập hàng rào kỹ thuật, tổ chức lực lượng ngăn chặn hàng lậu giá rẻ từ Trung Quốc và các nước khác tràn vào, như việc thiết lập những liên minh trong phân phối bán lẻ để vừa phục vụ tốt đời sống xã hội, vừa đối phó với các đại gia bán lẻ sẽ bước vào thị trường Việt Nam thời kỳ sau khủng hoảng…

Theo Tố Loan (Hanoinet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *