Bên bờ hạnh phúc

Không cần chủng ngừa những bệnh ít phổ biến hoặc bệnh không gây tử vong, đắp miếng giải nhiệt hoặc lát khoai tây lên vùng da vừa tiêm… là những hiểu lầm thường gặp của phụ huynh.

 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Cao Hữu Nghĩa – Trưởng khoa LAM, Viện Pasteur TP HCM, tiêm vắc-xin phòng bệnh là việc làm quan trọng và cần thiết đối với con trẻ. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần hiểu đúng về vấn đề này, nhằm giúp bé tránh được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Dưới đây là những hiểu lầm thường gặp của phụ huynh khiến trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và hiệu quả.

Không cần chủng ngừa những bệnh ít phổ biến

Các bệnh có thể chủng ngừa bằng vắc-xin sẽ sớm quay lại, nếu như ngành y tế ngừng các chương trình tiêm chủng. Việc giữ gìn vệ sinh tốt, rửa tay và sử dụng nước sạch… chỉ giúp hạn chế một số bệnh truyền nhiễm, trong khi nhiều bệnh khác vẫn có thể lây lan qua các đường khác nhau. Khi phụ huynh chủ quan, không chủng ngừa văc-xin phòng bệnh cho trẻ hay tiêm không đủ liều lượng quy định, nhiều bệnh truyền nhiễm từng phổ biến và đặc biệt nghiêm trọng như bại liệt, sởi, có thể xuất hiện lại.

Không cần chủng ngừa bệnh không gây tử vong

Thủy đậu là một trong những bệnh không gây tử vong, song vẫn cần chủng ngừa khi bé được 12 tháng tuổi. Bệnh có thể khiến trẻ mắc các biến chứng nguy hiểm khó lường. Đối với trường hợp nhẹ, thủy đậu gây nhiễm trùng da. Nếu nặng hơn, vi trùng có thể xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, trẻ có thể gặp một số biến chứng khác như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… Những vết sẹo do mụn nước để lại cũng khiến trẻ thấy mặc cảm về ngoại hình và ảnh hưởng đến tâm lý.

Trẻ được chủng ngừa không cần bú sữa mẹ

Quan niệm trẻ đã chủng ngừa thì có hệ miễn dịch tốt, nên không cần bú sữa mẹ, là sai lầm. Sữa mẹ chứa hơn 50 yếu tố miễn dịch. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong hơn 4 tháng đầu đời ít có nguy cơ bị viêm tai hơn 40%. Vì vậy, ngoài việc tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo, trẻ cần được bú sữa mẹ càng lâu càng tốt để tăng cường hệ miễn dịch.

Trẻ được chủng ngừa không thể mắc bệnh

Trên thực tế, có nhiều trường hợp trẻ được tiêm vắc-xin nhưng vẫn mắc bệnh do không được tiêm nhắc lại đầy đủ, bỏ tiêm giữa chừng, tiêm sớm hơn so với thời gian quy định… Cơ địa quá yếu, không đáp ứng miễn dịch, tiêm trong lúc đang mắc bệnh cấp tính (sốt cao, ho nhiều, nhiễm virus nặng…) cũng khiến trẻ dễ bị virus tấn công. Ngoài ra, cách bảo quản vắc-xin chưa tốt và tiêm không đúng cách, vẫn có thể khiến việc tiêm phòng thiếu hiệu quả.

Đắp miếng giải nhiệt hoặc lát khoai tây lên vùng da vừa tiêm

Nhiều phụ huynh truyền nhau bí quyết đắp miếng giải nhiệt hoặc lát khoai tây lên vùng da vừa tiêm, để giảm sưng cho trẻ. Tuy nhiên, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo, phụ huynh không nên làm gì trên vùng da vừa tiêm. Điều quan trọng nhất là cần kiểm tra hạn sử dụng trên lọ vắc-xin trước khi tiêm. Sau khi tiêm, cần ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng bé, nhằm xử lý kịp thời những sự cố ngoài ý muốn. Nếu có biểu hiện bất thường, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế ngay lập tức.

Nguồn: An San ( VnE )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *