Bên bờ hạnh phúc

Nguyễn Hữu Đức, Bệnh viện Việt Đức cho biết, thận tiếp xúc và bài tiết thuốc ra khỏi cơ thể thì chính nó cũng bị thuốc gây những tổn thương hoặc làm suy giảm chức năng và nói tắt là “thuốc hại thận”.

 

Có rất nhiều thuốc có thể làm hại thận cấp tính hoặc mạn tính. Nguy hiểm ở chỗ là nhiều khi thuốc làm hại thận từ từ, không dễ gì phát hiện từ lúc đầu và đến khi phát hiện thì thận đã bị thuốc làm suy ở mức độ rất nặng, thậm chí phải chạy thận nhân tạo. Thông thường để phát hiện thận bị suy, người ta làm xét nghiệm đo creatinin máu. Nhiều thuốc chỉ mới ảnh hưởng nhẹ đến chức năng thận đã làm tăng creatinin máu, nhưng có nhiều thuốc gây hại thận dần dần mà chẳng có triệu chứng gì, đến khi làm tăng creatinin máu  thì đã làm thận suy rất nặng. 

Các thuốc gây hại thận : 

Thuốc kháng sinh:

– Aminoglycosid như neomycin, gentamycin, amikacin, tobramycin, streptomycin là nguyên nhân hàng đầu gây creatinin máu tăng, dấu hiệu quan trọng của suy thận. 
– Cephalosporin thế hệ 1 như cefadroxyl, cefalexin, cefalotin, cefazolin gây nhiễm độc ống thận. 
– Polypeptid như polymixin, colistin có độc tính cao với thận. 
– Quinolon: Các fluoroquinolon như ofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin đều gây tăng creatinin máu. Khi sử dụng cần dựa vào mức lọc cầu thận để chọn liều. 
– Amphotericin B là thuốc kháng nấm tác động lên lipid ở màng tế bào biểu mô ống thận gây độc thận, nhiễm toan ống thận, đái tháo nhạt do thận. 
– Ức chế men chuyển (captopril, ednyt, renitec…) và kháng thụ thể AT1 (aprovel, micardis, cozaar…) gây tăng creatinin máu. Chống chỉ định trong hẹp động mạch thận.

Thuốc hóa trị liệu chống ung thư:

– Cisplatin gây suy thận cấp và hạ magnesi máu. 
– Methotrexat gây kết tủa, tắc lòng ống thận. 
– Sulfamid gây kết tủa các tinh thể trong lòng ống thận. 

Thuốc cản quang iod hóa trị 2, hóa trị 3 (urographin, telebrex…) gây sốc phản vệ, tắc mạch vì gây độc trực tiếp lên nhu mô thận hoặc co động mạch thận.

Thuốc ức chế miễn dịch : Cyclosporin A, azathioprin, mycophenolat mofetil… cần chỉ định đúng, theo dõi cẩn thận.

Thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid:

– Indometacin, phenylbutazon, naproxen gây viêm kẽ thận mạn. 
– Paracetamol ngoài suy gan có thể gây hoại tử ống thận cấp, suy thận cấp. 
Thuốc điều trị bệnh tâm thần Lithium.

Người bệnh đã có tiền sử suy thận thì tuyệt đối không dùng các thuốc độc cho thận khi có thuốc khác thay thế. Ví dụ như: không dùng các aminoglycosid, amphotericin, cisplatin, mesalazin, các NSAID, penicilamin và vancomycin… là các thuốc hại thận rất mạnh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, ngoài gây hại thận và chức năng thận, nhiều thuốc gây những rối loạn liên quan gián tiếp đến thận. Một số thuốc trực tiếp gây giữ nước và do đó có thể gây nặng hơn các biến chứng về tim mạch ở người bị suy thận, như: carbenoxolon, indomethacin. Ở người bệnh suy tim sung huyết, việc tưới máu thận phụ thuộc vào lượng prostaglandin được sản xuất tại thận, dùng thuốc NSAID sẽ ức chế tác dụng tại chỗ của prostaglandin đối với thận gây giảm dòng máu qua thận, giữ nước và làm xấu thêm tình trạng suy tim. Dùng digoxin ở người suy thận nặng sẽ làm tăng canxi huyết và/hoặc giảm kali huyết. Dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali như: amilorid, spironolacton có thể gây tăng kali huyết nặng ở người suy thận. Dùng thuốc kháng tiết cholin như: atropin, scopolamin có thể gây rối loạn chức năng bàng quang và đái không tự chủ đối với người có chức năng thận bình thường. Dùng acetazolamid, vitamin D liều cao, vitamin C liều cao dễ gây đọng tạo sỏi thận – tiết niệu.

Thuốc hại thận ở đây còn có thể hiểu là thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm chức năng thận, như: có thuốc gây dương tính giả xét nghiệm độ đục nước tiểu (turbidimetric test): tolbutamid, kháng sinh penicillin, cephalosporin (liều cao), sulfisoxazol…; có thuốc làm tăng creatinin máu do cạnh tranh bài tiết ở niệu quản: triamteren, amilorid, trimethoprim, cimetidin, hoặc làm tăng creatinin máu trong xét nghiệm theo phương pháp Jaffe: vitamin C, kháng sinh cephalosporin.

Do luôn luôn có nguy cơ “thuốc hại thận”, nên phải xem việc dùng thuốc là rất hệ trọng. Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về các dùng, liều lượng, tính năng, tác dụng phụ có hại của thuốc (trong đó có tác dụng hại thận). Nếu có gì nghi ngờ về bệnh của mình thì cách tốt nhất đến bác sĩ khám để có cách xử trí đúng đắn, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi, tốt nhất nên dùng thuốc theo sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.

Nguồn: Phạm Minh ( VnMedia )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *