Bên bờ hạnh phúc

Cuộc chiến giữa kẻ săn mồi và con mồi nghe thật đơn giản, nhưng chiến trường luôn diễn ra rất khốc liệt. Các cuộc chiến luôn thay đổi và chỉ cần một hành động diễn ra cực nhanh cũng có thể để lại những ảnh hưởng rất lớn. Những thay đổi sẽ tạo ra thế cân bằng trong thế giới tự nhiên và quyết định những cá thể nào sẽ sinh tồn.

Vào mùa hè, vùng biển Nam Phi trở thành một trong những nơi có cảnh quan ngoạn mục nhất. Vùng biển này là một thế giới đầy những mối nguy hiểm bởi lòng đại dương sâu thẳm là nơi rất tối tăm và đáng sợ.

Vào mùa kết bạn, hàng ngàn con cá mòi đã di chuyển từ vùng nước sâu vào gần bờ biển

Cá mòi sinh sống ngoài khơi xa và sống theo bầy đàn lớn để đảm bảo sự an toàn cho từng cá thể. Mỗi năm một lần, vào mùa kết bạn, cá mòi phải tiến vào bờ. Hàng ngàn con cá mòi đã di chuyển từ vùng nước sâu vào gần bờ biển để thưởng thức những bữa ăn ngon từ các sinh vật trôi nổi.

Cá heo là loài vật thông minh. Chúng biết rằng, thời điểm cá mòi bơi vào gần bờ là lúc chúng có thể bắt đầu những đợt đi săn. Cá mòi di chuyển rất nhanh, liên tục và theo đàn. Nhìn từ không trung, đàn cá mòi nhiều vô kể, trông giống vết dầu loang trên mặt biển kéo dài hàng kilomet.

Để tóm được con mồi, những kẻ săn mồi phải có chiến lược hợp lý và phải biết khai thác địa hình. Sau khi làm cho đàn cá mòi trở nên bối rối, cá heo tiếp tục tạo ra nhiều bong bóng nhỏ, tạo thành bức tường vây bong bóng để giăng bẫy đàn cá mòi.

Những con cá heo đang vây quanh đàn cá mòi hàng trăm con để tìm kiếm những bữa ăn ngon

Cá heo là loài động vật hữu nhũ và thở bằng phổi nên chúng phải thường xuyên trồi lên mặt nước để hít thở không khí. Đó là những cơ hội hiếm hoi cho đàn cá mòi trốn thoát khỏi sự săn đuổi của kẻ săn mồi.

Đàn cá mòi sẽ tranh thủ những lúc cá heo trồi lên mặt nước để hít thở không khí mà lặn sâu xuống đáy đại dương. Tuy nhiên, đàn cá mòi lại phải tiếp tục đối mặt với những kẻ đi săn hung hãn hơn : cá mập. Những con cá mập lặn xuống bên dưới đàn cá và chặn đường tẩu thoát của cá mòi.

Những con cá mập lặn xuống bên dưới đàn cá và chặn đường tẩu thoát của cá mòi.

Cuộc tấn công dồn dập của đàn cá mập buộc chúng phải trồi lên bề mặt nước và bắt đầu chống chọi với cuộc oanh tạc từ trên không trung của những con chim điên.

Loài chim điên là những thợ lặn xuất sắc. Chúng có thể lặn sâu xuống biển khoảng14 met để tóm lấy những con cá mòi. Cuộc tấn công của những con chim điên rất dữ dội khiến nhiều con cá mòi phải chết.

Những chú chim điên có thể lặn xuống biển sâu khoảng 14 met để săn những con cá mòi

Những kẻ đi săn như cá heo, cá mập và chim điên có mặt khắp nơi, nhưng chúng vẫn không thể nào bắt hết đàn cá mòi có số lượng khổng lồ. Vì thế, đàn cá mòi sẽ tiếp tục bơi ra ngoài khơi xa, sinh sản và phát triển thành đàn cá khổng lồ hơn.

Ở phía Đông Bắc Australia là rặng san hô Great Barrier đồ sộ. Rặng san hô là một trong những nơi có hoạt động sinh sản cao nhất trên hành tinh.

Là cấu trúc tự nhiên lớn nhất trên Trái đất, rặng san hô là nơi cung cấp thức ăn dồi dào, đa dạng cho nhiều kẻ đi săn và cả những chỗ trú ẩn tuyệt vời cho các con mồi. Một trong những sát thủ tài giỏi của rặng san hô là loài cá Jat. Chúng sống theo từng đàn lớn và được gọi là những kẻ bắt nạt trên rặng san hô.

Rặng san hô Great Barrier là nơi cung cấp thức ăn dồi dào, đa dạng cho nhiều kẻ đi săn và cả những chỗ trú ẩn tuyệt vời cho các con mồi

Cá Jat có thể len lỏi vào các rặng san hô để truy đuổi con mồi khi chúng đói. Tuy nhiên, những cuộc tấn công của cá Jat phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các đàn cá cũng biết sử dụng các chiến thuật để tránh kẻ thù. Chúng bơi theo đàn lớn và di chuyển liên tục. Chính những động tác như thế khiến cá Jat mất phương hướng khi đi săn mồi. Việc đuổi theo con mồi trong vùng nước trống khiến cá Jat tiêu hao rất nhiều năng lượng bởi chúng phải lao đi thật nhanh và liên tục. Chiến trường chỉ thật sự có lợi cho cá Jat khi mà chúng có thể thu gom con mồi về các rặng san hô.

Đáy biển cạn kết hợp với thủy triều thấp ở vùng biển Bahamas đã cung cấp những nơi trú ẩn thật tuyệt vời cho đàn cá Ri-sơ. Chúng sẽ nhanh chóng ẩn nấp dưới lớp cát mềm mại khi những con cá mập bắt đầu đi săn mồi.
Chiến trường không phải lúc nào cũng thuận lợi đối với đàn cá Ri-sơ. Loài cá mập có các bộ cảm biến phức tạp xung quanh mũi có thể thu nhận các tín hiệu điện nhỏ từ cơ của những con cá đang lẩn trốn dưới cát. Khi đó, chúng bắt đầu chúi miệng xuống cát và đào bới tìm con mồi.

Cá heo mũi chai cũng săn bắt cá nhỏ theo cách như thế. Cá heo sở hữu phương pháp xác định vị trí những con cá trốn dưới cát rất tài tình. Chúng rà soát đáy biển bằng cách sử dụng sóng siêu âm. Giống như tia X, chùm sóng này sẽ cho biết hình ảnh gì nằm bên dưới lớp cát, vì thế, chúng có thể nhìn thấy những con mồi đang lẩn trốn. Nhờ có cái mũi nhọn mà cá heo có thể đào sâu xuống cát và tóm bắt con mồi dễ dàng.

Vùng biển Alaska có 9 tháng trong năm là lạnh giá và hầu như không có sự sống. Thế nhưng, khi mùa xuân về, sự sống lại sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Giống như cá mòi ở vùng biển Nam Phi, cá trích cũng di cư từ ngoài khơi vào bờ biển để khai thác nguồn sinh vật trôi nổi dồi dào làm thức ăn. Theo đó, những con cá voi lưng gù cũng vượt quãng đường hơn 6.000 km từ quần đảo Hawaii để đến đây săn mồi. Chúng đến cùng thời điểm với đàn cá trích để có thể tìm được nhiều thức ăn hơn.

Đàn cá trích di cư vào vùng bờ biển Alaska khi mùa xuân về

Giống như cá heo, cá voi cũng thổi bong bóng xung quanh đàn cá trích, vây lấy con mồi và từ từ thưởng thức bữa ăn ngon trong khi những con cá trích bé nhỏ đang tìm cách thoát thân. Cuộc đấu tranh sinh tồn dưới đáy đại dương cũng quyết liệt và hấp dẫn không kém gì các vùng đất khác trên Thế giới.

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *