Bên bờ hạnh phúc

Có rất nhiều những hình vẽ trên đá khắp nơi ở vùng lãnh thổ phía Bắc Úc, nhiều nhất trong số đó nằm ở Nourlangie và Ubirr trong công viên quốc gia Kakadu. Những nét vẽ mộc mạc, qua thời gian đã phai nhạt nhưng ẩn chứa thông điệp cuộc sống của thổ dân từ chục ngàn năm trước

Ngắm hoàng hôn trên vách đá Ubirr

Tất cả những màu sắc của hình vẽ đều từ chất liệu ngoài tự nhiên, chủ yếu là đá núi. Những mẩu đất son tìm thấy trong các hang động người thổ dân sau khi thử đồng vị cacbon đã xác định niên đại lên đến 40.000 – 60.000 năm. Tuy nhiên hầu hết những hình vẽ trên đá ở Nourlangie và Ubirr được xác định có tuổi đời trung bình trên 20.000 năm, và phần nhiều trong số đó được vẽ cách đây 10.000 năm.

Ở Kakadu, nghệ thuật vẽ trên vách đá của người thổ dân đã chỉ ra rằng vùng đất này quan trọng với họ từ hơn 50.000 năm qua. Kakadu là tên gọi theo tiếng người bản xứ của từ Gagadju – một ngôn ngữ chính của vùng miền Bắc Úc. Các nhà khảo cổ học đã tìm được hơn 5.000 hình vẽ trên đá khác nhau ở Kakadu, nhiều nhất ở Nourlangie và Ubirr.

Nghệ thuật thời tiền sử

Mất hơn nửa ngày đi từ thành phố Darwin đến Kakadu với vận tốc di chuyển trung bình 130 – 150km/h trên con đường cao tốc Arnhem vắng ngắt, dãy núi đá Nourlangie tầng tầng lớp lớp toàn những gam màu nóng: vàng, nâu đen, nâu đỏ… hiện ra sừng sững trước mắt. Bản đồ chỉ đường ở Nourlangie lý giải rõ những hình vẽ trên đá của người thổ dân sử dụng những chất liệu là bột đá được nghiền ra theo bốn gam màu chính là vàng, đỏ, trắng và đen hoà với nước, sau đó họ dùng tay hoặc các nhánh cây để vẽ lên vách đá những hình ảnh đặc trưng của cộng đồng người thổ dân. Từng hình vẽ mang một thông điệp khác nhau mà chủ yếu trong đó tả cảnh săn bắn – hình vẽ các con thú thường được tô màu để tăng thêm sự phong phú và tạo một nối kết về tâm linh giữa con người với thú vật. Những nghi thức tôn giáo quan trọng – tả lại những nghi lễ quan trọng trong đời sống của người thổ dân. Những bài học và câu chuyện – đây là những câu chuyện liên quan đến tổ tiên, người được cho rằng sáng lập ra thế giới. Những hình vẽ mang tính ma thuật, bùa ngải – vẽ trong những sự kiện trọng đại có ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, để cộng đồng thực hành theo những nghi thức đó. Các bức vẽ trên đá ở Ubirr và Nourlangie trong công viên quốc gia Kakadu được quốc tế thừa nhận là điển hình nhất trong nghệ thuật vẽ trên đá của người thổ dân.

Thông điệp của tổ tiên

Một vách đá vẽ hình “người chớp” ở  Nourlangie

Nhiều câu chuyện gắn kết với đời sống của người thổ dân được vẽ lên vách đá với những hình vẽ phức tạp chồng chéo, câu chuyện này vẽ chồng lên câu chuyện khác, vì vậy ý nghĩa ban đầu của hình vẽ thường đã mai một, nhưng tất cả hình vẽ thường có chung một mục đích như một bài học hoặc sự cảnh báo con cháu hoặc là thông tin cho những người lạ mặt lai vãng đến vùng đất không thuộc sở hữu của họ. Những hình vẽ trên đá ở Ubirr thể hiện rất rõ điều này, bởi Ubirr là vùng đất ngập nước với rất nhiều các loài động thực vật sinh sống. Các hình vẽ trên đá ở Ubirr mô tả nhiều nhất các loại cá như giống cá bản địa Barramundi, cá da trơn, cá đối, kỳ nhông, rùa cổ rắn, rùa mũi to, chuột túi, cá sấu…

Nourlangie cũng là nơi tập trung rất nhiều các vách đá, hang động của người thổ dân trú ngụ. Những nơi ở này còn tồn tại nhiều hình ảnh rất ấn tượng liên quan đến các nhân vật tổ tiên, thần thoại như Warramurrungungji – mẹ đất, Namarrgon – người chớp, và Ngalyod – rắn cầu vồng, được xem như đấng tạo hoá, tạo ra những lối đi trên đá, định hình các vùng ao hồ ở Kakadu, tách bề mặt những phiến đá tạo ra những vùng đồi kỳ vĩ, làm nơi trú ẩn cho con cháu… Nhiều câu chuyện và nhân vật vẽ trên các vách đá ở Nourlangie cho đến nay vẫn còn là điều bí mật chưa được giải mã.

Mỗi ngày, ở Nourlangie và Ubirr tiếp nhận du khách từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp bí ẩn từ những hình vẽ trên vách đá – đã được rào chắn, bảo quản cẩn thận. Vẻ đẹp của nghệ thuật vẽ trên đá của người thổ dân đã tạo cho Kakadu một di sản “hai trong một” là vẻ đẹp thiên nhiên song hành cùng vẻ đẹp văn hoá. Chuyến khám phá bắt nguồn từ những phiến đá hình vẽ thần thoại ở Nourlangie, tiếp đến những bài học thiết thực, cụ thể về đời sống người thổ dân ở Ubirr, để khi chiều xuống, phút dừng chân nghỉ trên những vách đá cao của Ubirr phóng tầm mắt ra khoảng không trước mắt của vùng đầm ngập nước chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoàng hôn xuống dần. Nắng chiều soi rọi vào các vách đá ánh lên một màu vàng tuyệt đẹp, nổi bật trên nền trời trong cảnh mênh mông bao la của một vùng đất gắn liền với lịch sử tồn tại của đời sống con người từ thuở sơ khai. 

Thiên Ý (Theo SGTT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *