Bên bờ hạnh phúc

Mỗi vùng, miền trên thế giới, tùy theo vị trí địa lí và thói quen sinh hoạt, đã hình thành nên những cách thức đặc trưng trong ăn uống. Phần lớn các nước phương Tây sử dụng muỗng, thìa và dao trong bữa ăn, một số nước dùng tay trong khi các dân tộc khác, đặc biệt là khu vực Châu Á, lại sử dụng đũa để gắp thức ăn.

Tại Nhật, đôi đũa không đơn thuần là đồ dùng trên bàn ăn, mà nó đã trở thành một nét văn hóa trong ẩm thực và đời sống tâm linh

Đũa được dùng rộng rãi tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Tại Nhật, đôi đũa không đơn thuần là đồ dùng trên bàn ăn, mà nó đã trở thành một nét văn hóa trong ẩm thực và đời sống tâm linh.

Tập quán ăn uống đã tạo ra những dụng cụ tương xứng. Đôi đũa là vật dụng tiện lợi trong các bữa ăn của mỗi gia đình người Nhật với thực phẩm chính là cơm, cá và rau. Họ đã hình thành nên một thế giới đũa phong phú.

Đũa được chia ra làm nhiều loại với nhiều kiểu dáng, thích hợp cho từng mục đích sử dụng.

Đũa được chia ra làm nhiều loại với nhiều kiểu dáng, thích hợp cho từng mục đích sử dụng

Đôi đũa tre dài gọi là saibashi, dùng trong nhà bếp khi chế biến các món ăn nóng, chẳng hạn như món luộc hoặc món xào. Đũa moribashi có đầu thon, nhọn, rất thích hợp để các đầu bếp sử dụng khi sắp xếp món ăn một cách thẩm mỹ tinh tế, chẳng hạn như món sashimi.

Đũa là vật dụng tất yếu trong mỗi gia đình người Nhật, được ví như cánh tay trung gian đắc lực đưa cơm và thức ăn vào miệng. Tại Nhật, người ta có những quan niệm đặc biệt trong cách dùng đũa.

Mỗi thành viên trong gia đình đều có một đôi đũa riêng, phù hợp vai vế. Chẳng hạn, đũa của chồng dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn của con cái. Trên bàn ăn bao giờ cũng có những đôi đũa chung để gắp thức ăn.

Ngoài tính năng là dụng cụ trong nhà bếp, đũa còn hiện diện trong các nghi lễ. Người Nhật đã dùng đến hình ảnh của chiếc đũa để so sánh với đời người khi nói rằng : “Khởi đầu trong một đôi đũa, kết thúc cũng trong một đôi đũa”. Đôi đũa luôn là một trong những đồ lễ quan trọng trong nhiều nghi lễ khác nhau. Trong lễ mừng đầy tháng của các cháu bé, theo phong tục, người ta dùng đũa gắp thức ăn đưa vào miệng chúng nhằm cầu mong cho bé mau lớn, khỏe mạnh.

Đôi đũa Haramibashi có phần thân đũa phình to, hai đầu thon, nhọn, được dùng để cầu nguyện cho sự thịnh vượng của con cháu.

Mỗi thành viên trong gia đình đều có một đôi đũa riêng, phù hợp vai vế

Đũa Yanagibashi được sử dụng vào dịp mừng năm mới và một số ngày lễ khác. Đũa này được làm từ thân cây liễu, một loại cây dẻo dai, khó bẻ gãy. Trong ngày đó, người ta sử dụng đũa Yanagibashi làm vật cúng với hàm ý đề cao sự rắn chắc. Đũa có hai đầu thon, nhỏ. Theo quan niệm của người Nhật, một trong hai đầu đũa do thần thánh sử dụng, đầu còn lại dành cho con người. Đôi đũa thể hiện sự dung hòa giữa con người và thần thánh, đũa của sự sống.

Một buổi lễ quan trọng khác ở Nhật cũng có sự hiện diện của đôi đũa, đó là lễ “Ostukimi” hay còn gọi là lễ ngắm trăng, diễn ra vào ngày rằm tháng 8 hàng năm. Thời điểm này là vào mùa thu, mặt trăng tròn và sáng nhất trong năm. Trong ngày lễ, ngoài bánh dango, một loại bánh bao của Nhật, người ta còn dâng lên mặt trăng cơm và đôi đũa để tỏ lòng với ơn trên về một vụ mùa bội thu.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *