Bên bờ hạnh phúc

Thủ đô Brussels của vương quốc Bỉ là một trong những thành phố nổi tiếng nhất Châu Âu. Tại thủ đô này có một nơi rất thú vị được mệnh danh là “không gian 360 độ”. Đó chính là quảng trường Grand Palace nằm giữa trung tâm thủ đô.

Grand Palace nằm giữa trung tâm thủ đô Brussels

Vào thế kỷ XIX, văn hào lừng danh người Pháp Victo Hugo có dịp đến Grand Palace. Ông say mê vẻ đẹp ở đây đến mức phải thốt lên : “Đây là quảng trường đẹp nhất trên thế giới”. Grand Palace nổi bật với vô số công trình kiến trúc tuyệt đẹp bao quanh quảng trường. Chúng được xây dựng vào thời kỳ Trung cổ, khoảng thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Vẻ đẹp của kiến trúc cùng với nét văn hóa đặc trưng của quảng trường đã giúp Grand Palace có tên trong danh sách các di sản văn hóa thế giới.

Xung quanh quảng trường được bao bọc bởi các tòa nhà cổ kính. Tại những lối vào quảng trường có hàng loạt cửa hiệu buôn bán đủ loại hàng hóa, chủ yếu là các sản vật nổi tiếng của địa phương dành cho du khách và cư dân thủ đô.

Xung quanh quảng trường được bao bọc bởi những tòa nhà cổ kính

Quảng trường dài 80 met, rộng 60 met. Nó được hình thành từ thế kỷ XI với phần nền lát đá hoa cương. Sau đó, các tòa nhà cũng dần mọc lên xung quanh nó. Qua một số biến cố, khu vực này được xây dựng lại để có hình dáng như ngày nay.

Biểu tượng của Grand Palace là tòa nhà với ngọn tháp cao chọc trời ở phía Đông của quảng trường. Công trình được xây dựng từ thế kỷ XV và giữ vai trò là Tòa thị chính của thành phố.

Công trình này được đánh giá là có kiến trúc Gothic đẹp bậc nhất ở Châu Âu. Nó trở nên nổi bật với ngọn tháp cao 96 met, trên đỉnh tháp là tượng Thánh Michael – vị thánh bảo trợ cho thành phố Brussels.

Mặt tiền của Tòa thị chính được trang trí vô số tượng đắp nổi đại diện cho giới quý tộc, các vị thánh và cả những nhân vật trong truyện ngụ ngôn của người Bỉ. Nét sắc sảo của những bức tượng đã thể hiện nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao của các nghệ nhân Châu Âu vào thế kỷ XVI. Trong số tượng điêu khắc ở Tòa thị chính có tượng của Quốc vương Tây Ban Nha Carlos đệ nhất.

 

Tòa tháp cao 96m đã trở thành biểu tượng của Grand Palace

Đối diện với Tòa thị chính là một kiến trúc khác cũng nổi tiếng không kém. Nó được gọi là “Nhà của vua”. Vào thế kỷ XVI, công trình này chính thức mang tên “Nhà của vua” và tên gọi đó được giữ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, "Nhà của vua" chưa bao giờ là cung điện hoàng gia và cũng chưa từng có vị vua nào cư ngụ nơi đây.

Đầu tiên vào thế kỷ XIII, nơi đây là nhà bánh mì được xây dựng bằng gỗ. Đến thế kỷ XV, nó được thay thế bằng công trình xây bằng đá và đổi tên gọi là "Nhà của công quốc".

Tòa kiến trúc thay đổi theo từng sự kiện lịch sử quan trọng của thành phố. Vào thế kỷ XVI, tòa nhà là Trung tâm hành chính và hiện nay nơi đây trở thành Viện Bảo tàng của Brussels. Vào nửa cuối thế kỷ XIX, "Nhà của vua" được xây dựng lại hoàn chỉnh và hình dáng hoàn thiện đó được duy trì đến ngày nay.

Những đường nét tuyệt vời của các công trình kiến trúc thể hiện tài hoa đỉnh cao của loài người thời Trung Cổ. Những tòa nhà ở Grand Palace không đơn thuần là kiến trúc, mà bản thân chúng chứa đựng những giá trị lịch sử quý báu.

 

Nhà của vua chưa bao giờ là cung điện hoàng gia và cũng chưa từng có vị vua nào cư ngụ nơi đây.

Tọa lạc ở phía Tây của quảng trường là một công trình kiến trúc khác. Bất cứ lúc nào, nơi đây cũng có những hàng dài khách du lịch chờ đến lượt tham quan. Kiến trúc này có tên gọi là “Nhà của Nghiệp đoàn”

Nghiệp đoàn là tổ chức do những người có cùng nghề nghiệp họp thành. "Nhà của Nghiệp đoàn" chính là trụ sở của những người cùng ngành nghề. Tuy nhiên, tòa nhà không còn mang ý nghĩa đó nữa, mà nó đã trở thành Viện Bảo tàng của Thành phố.

Các nghiệp đoàn đã tạo nên sự phồn vinh cho thành phố, do đó, ảnh hưởng của họ đối với Brussels cũng rất lớn. "Nhà của Nghiệp đoàn" chiếm phần lớn kiến trúc tại quảng trường. Điểm nổi bật của tòa nhà là 20 cây cột phía mặt tiền đều được mạ vàng. Giữa những cây cột là các phù điêu bằng vàng. Chúng tượng trưng cho từng nghiệp đoàn khác nhau. Công trình này là do các nghiệp đoàn đóng góp xây dựng.

Có rất nhiều họa tiết trang trí bên ngoài phần tường chính diện của tòa nhà. Tất cả được trau chuốt rất tỉ mỉ và công phu từ những chi tiết nhỏ nhất. Mỗi họa tiết trang trí tại "Nhà của Nghiệp đoàn" là sự tượng trưng cho một ngành nghề khác nhau. Tòa kiến trúc khổng lồ này được phân ra làm nhiều phần, mỗi phần là nhà của một nghiệp đoàn. Nhà của Nghiệp đoàn Thuyền viên có phần mái tựa như hình dáng một con thuyền. Những hình ảnh chạm khắc thần gió, thần biển theo thần thoại tượng trưng cho ước vọng bình an và thành công trong mỗi chuyến ra khơi. Nhà của Nghiệp đoàn Thịt có biểu tượng là nữ thần đại diện cho ngành này. Trên đầu nữ thần là một cặp sừng bò, tay nữ thần nắm chắc một con cừu.

Mặt tiền của Tòa thị chính được trang trí vô số tượng đắp nổi

Bên trong "Nhà của Nghiệp đoàn", mọi thứ được bảo quản nguyên vẹn như ngày xưa. Rất nhiều vật dụng bằng gốm sứ được trưng bày bên trong tủ kính.

Nhà của Nghiệp đoàn sản xuất bia sẽ là một tòa nhà chứa đầy những thùng gỗ lớn được sử dụng làm vạc chứa nguyên liệu trong quá trình sản xuất bia. Họa tiết trang trí bên trên những thân cột ở ngoài tòa nhà là hình ảnh tượng trưng cho cây hoa bia – nguyên liệu quan trọng dùng để tạo hương cho bia.

Có thể khẳng định, chính những công trình của các nghiệp đoàn đã tạo ra sự khác biệt giữa Grand Palace với những quảng trường khác ở Châu Âu.

Grand Palace được mệnh danh là “không gian 360 độ” vì xung quanh nó được bao bọc bởi những công trình kiến trúc, trong đó "Nhà của Nghiệp đoàn" đã chiếm hơn phân nửa. Quảng trường được xem là một trong những di sản giá trị của Châu Âu và thế giới.

Câu hỏi đặt ra là tại sao xung quanh quảng trường lại có nhiều tòa nhà của các nghiệp đoàn đến như vậy? Điều này bắt nguồn cách đây hàng trăm năm. Ngày xưa, quảng trường vốn là một khu chợ. Người dân địa phương và dân từ những khu vực lân cận mang hàng hóa đến đây để trao đổi, mua bán. Lâu ngày, khu chợ phát triển, các thương buôn và thợ thủ công từ khắp nơi về kiếm sống. Họ đã đóng góp rất to lớn cho sự phồn thịnh của thành phố này.

Vào cuối thế kỷ XV, khi công việc kinh doanh phát đạt, thành phố thịnh vượng, các thương nhân, giới chủ nghiệp đoàn và chính quyền thành phố bắt đầu xây dựng nhiều công trình kiến trúc khổng lồ nhằm tôn vinh ngành nghề cũng như thể hiện sự giàu có của họ.

Với chức năng là quảng trường chính của thành phố, Grand Palace không chỉ là nơi tụ hội của những kiến trúc tinh hoa nhất Châu Âu, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của Vương quốc Bỉ, trong đó có lễ hội hoa truyền thống.

 

Bỉ nổi tiếng với mặt hàng socola truyền thống 

Với vị trí trung tâm của Châu Âu, Brussels luôn là điểm chú ý của các cường quốc trong khu vực. Trước Công nguyên, Brussels đặt dưới sự thống trị của đế quốc La Mã. Vào thế kỷ thứ V, thành phố này bị vương quốc Frank chiếm cứ. Đến thế kỷ XV, nó lại nằm dưới sự cai quản của Công quốc Burgundy. Một thế kỷ sau đó, Hoàng đế Carlos đệ nhất của Tây Ban Nha tiến hành xâm lược Brussels. Vào thế kỷ XVIII, đến lượt Nữ hoàng Maria Theresa thuộc nhà Habburg của Áo tiếp quản thành phố.

Đến cuối thế kỷ XVIII, Hoàng đế Napoleon của nước Pháp bành trướng sức mạnh ra khắp Châu Âu và Brussels không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của ông.
Trải qua bao biến cố lịch sử, quảng trường Grand Palace vẫn hoàn toàn lành lặn ngay cả khi Bỉ là chiến trường chính ở Châu Âu. Điều đó đã tạo ra sự thu hút đặc biệt của nó đối với mọi người.

Socola được bày bán rất nhiều ở thủ đô Brussels

Bỉ nổi tiếng với mặt hàng socola truyền thống. Ngày nay, chúng càng trở nên hấp dẫn bởi kiểu dáng tinh tế và đa dạng. Socola được chế tạo thành nhiều mẫu mã khác nhau và trông rất dễ thương. Hầu hết những mẫu socola được làm thành hình người. Kiểu thiết kế này khá mới lạ và độc đáo. Kỹ năng làm những chiếc bánh hoa văn cầu kỳ đã phát triển trong hơn 100 năm qua. Hương vị hấp dẫn cùng mẫu mã đẹp, tinh tế khiến socola của Bỉ rất được ưa chuộng trên thế giới.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *