Bên bờ hạnh phúc

Lăng Ân Điện là tòa kiến trúc hiển hách nhất Thập Tam Lăng vào thời Trung Quốc cổ đại. Lăng Ân có ý nghĩa cảm tạ ơn đức, vua chúa đời sau đến đây bái tế tổ tiên và cầu xin quốc thái dân an.

Lăng Ân Điện được xây dựng phỏng theo kiến trúc Thái Hòa Điện với hàm ý ở cõi âm, hoàng đế vẫn có uy quyền tối cao. Đây là tòa cung điện vô cùng hùng vĩ.

Tượng vua Chu Đệ trong Lăng Ân Điện

Điều đầu tiên làm du khách kinh ngạc khi bước vào Lăng Ân Điện chính là 60 cây trụ to lớn nâng đỡ đại điện. Hoa văn trang trí của đại điện không phức tạp mà theo khuynh hướng mộc mạc, đơn giản và trang nghiêm.

60 trụ gỗ nâng đỡ Lăng Ân Điện

60 cây trụ được chế tác từ cây nam mộc. Loại gỗ này có nguồn gốc ở núi sâu rừng rậm phương Nam Trung Quốc, số lượng khai thác ít ỏi, trồng trong thời gian 400 – 500 năm mới sử dụng thân gỗ, chất lượng gỗ cứng bền chắc. Đây được xem là vật liệu xây dựng cao cấp và quý giá nhất Trung Quốc. Giá trị của cây gỗ nam mộc còn quý giá hơn vàng.

Minh Lầu là kiến trúc cao nhất của lăng mộ. Ngói lưu ly màu vàng rực rỡ nổi bật trên ngọn núi màu xanh, thu hút ánh mắt của nhiều người. Ngày nay, mọi người may mắn được đi lên Minh Lầu thưởng ngoạn phong cảnh nhưng mấy trăm năm trước, chỉ có hoàng đế mới có đặc quyền này.

Minh Lâu

Phần mộ thật sự của hoàng đế nằm ở phía dưới gò đất sau Minh Lầu. Chu vi gò đất khoảng 1 km, xung quanh có xây bức tường thành cao 7,3 m. Người Trung Quốc cổ đại gọi nó là Bảo Thành. Ở giữa Bảo Thành là Bảo Đỉnh hình tròn. Phía dưới Bảo Đỉnh là cung điện ngầm mai táng thi hài của hoàng đế.

Ngày nay, Thập Tam Lăng mở cửa 3 ngôi mộ cho du khách tham quan. Ngoài Trường Lăng, các du khách có thể tham quan Chiêu Lăng và Định Lăng.

Chiêu Lăng là lăng mộ của vị hoàng đế thứ 12 triều Minh tên Minh Mục Tông. Giống như Trường Lăng, cung điện ngầm dưới đất của Chiêu Lăng cũng được xây dựng bí mật.

Định Lăng là lăng mộ của hoàng đế thứ 13 tên Vạn Lịch. Hoàng đế Vạn Lịch kế vị năm 10 tuổi và qua đời ở tuổi 58. Ông là vị vua có thời gian tại vị lâu nhất trong các vị hoàng đế nhà Minh. Định Lăng là một trong ba lăng viên lớn nhất trong Thập Tam Lăng.

Năm 1956, một đội khảo cổ Trung Quốc quyết định khai quật cung điện ngầm Định Lăng.

Ngày nay, du khách có thể nhìn thấy rõ cung điện ngầm Định Lăng. Cung điện nằm sâu dưới đất 27 mét. Toàn bộ Định Lăng là kết cấu bằng đá, do 5 điện thất hợp thành gồm: tiền điện, trung điện, hậu điện và hai điện thờ phụ trái, phải. Nơi đây giống như tòa cung điện thu nhỏ.

Lối vào cung điện ngầm

Theo qui định chế độ tang ma cổ đại Trung Quốc, phải dựa theo tình hình lúc còn sống mà bố trí cuộc sống sau khi chết. Tư tưởng này không chỉ thể hiện trên bố cục mà còn thể hiện trong cách bày trí cung điện ngầm.

Ngai vua trong cung điện ngầm

Ngày nay, ở viện bảo tàng Định Lăng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nhiều vật phẩm xa hoa lộng lẫy của hoàng đế ngày xưa. Trong cung điện ngầm Định Lăng tổng cộng đã khai quật được hơn 3000 văn vật, trong đó có 560 đồ vật bằng vàng bạc.

Những vật phẩm xa hoa, lộng lẫy của hoàng đế ngày xưa được trưng bày trong viện bảo tàng Đinh Lăng

Tuy Định Lăng khiến du khách cảm thấy lưu luyến, nhưng hiện nay ngoài Bảo Thành, Minh Lầu và Trùng Môn, các công trình kiến trúc khác của Định Lăng đã không còn tồn tại. Chúng đã bị phá hủy trong chiến tranh loạn lạc xảy ra vào cuối đời Minh.

Lăng Vĩnh Lạc – một trong 13 lăng mộ trong Thập Tam Lăng

Ngoài Trường Lăng, Chiêu Lăng và Định Lăng, các lăng mộ còn lại không mở cửa đón khách tham quan. Mỗi ngày, có rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan Thập Tam Lăng. Nơi đây đã trở thành một trong những thắng cảnh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *