Bên bờ hạnh phúc

Sukhothai nằm cách thủ đô Bangkok của Thái Lan 400 cây số về phía Bắc.

Một góc Sukhothai

Nơi đây vốn là vương quốc đầu tiên trong lịch sử của vương quốc Thái Lan, được thành lập vào năm 1238. Sức mạnh và ảnh hưởng của vương quốc Sukhothai bao trùm một vùng rộng lớn trên đất nước Thái Lan trong 200 năm cai trị của mình.

Những di tích còn sót lại của các ngôi đền Phật giáo là minh chứng cho sự ủng hộ mạnh mẽ của vương triều dành cho đạo Phật trong thời kỳ này. Trong số đó, đền Hoàng gia Wat Mahathat là ngôi đền Phật giáo lớn nhất dưới vương triều Sukhothai. Tại đây hiện vẫn còn sót lại những cột trụ bằng đá sừng sững ngay trước tượng Phật cao 10 mét. Người ta cho rằng ngày xưa nơi đây vốn là kho Kinh phật có mái che bằng gỗ. Theo thời gian, nó đã bị tàn phá chỉ còn trơ lại các cột chống.

Niềm tin sâu sắc của tín đồ Phật giáo Thái Lan đã tạo nên nét đặc trưng của Đức Phật dưới vương triều Sukhothai. Điều đó thể hiện qua hình ảnh Đức Phật trong tư thế bước đi chứ không phải trong tư thế ngồi, đứng hay nằm. Tại ngôi đền trung tâm của Wat Mahathat còn vô số tượng Phật trong tư thế bước đi được tạc trên vách tường. Người ta cho rằng, Đức Phật từ thiên đường bước xuống trần gian tiếp xúc với con người. Cho đến nay, quan niệm này vẫn còn là điều bí ẩn.

Vua Ramkhamhaeng đời thứ 3

Sukhothai được xem là trái tim của Phật giáo Thái Lan. Sáu đời vua đã thay nhau trị vì vương quốc Sukhothai trong 200 năm. Tuy nhiên, Sukhothai chỉ thật sự hưng thịnh dưới triều vua Ramkhamhaeng, vị vua đời thứ 3. Ông chính là người mở cửa đất nước giao lưu với các nền văn hóa bên ngoài và phổ biến rộng rãi đạo Phật từ Sri Lanka vào Thái Lan. Nhà vua cũng phát triển bảng chữ cái và tạo ra chữ viết đầu tiên của Thái Lan. Những bút tích còn lưu lại của vị vua này thể hiện niềm tin mạnh mẽ của thần dân Sukhothai vào đạo Phật. Nó cũng cho thấy một nền nông nghiệp trù phú cùng hệ thống tiền tệ phát triển dưới sự trị vì của ông.

Wat Sri Chum

Trong khuôn viên Wat Mahathat còn một khu vực tương đối rông, trong đó có một tượng Phật cao 17 mét được gọi là Wat Sri Chum, có tường bao quanh vốn là nơi để cầu nguyện. Từ bên trái Đức Phật có vẻ như đang nhìn vào tận đáy lòng của các tín đồ qua đôi mắt của họ. Cho đến ngày nay, những người mộ đạo vẫn còn duy trì phong tục dán vàng lá lên ngón tay của Đức Phật. Theo quan niệm của người Thái, khi các đầu ngón tay bằng vàng cao vút của Đức Phật tỏa sáng lấp lánh, lúc ấy lời thỉnh cầu của họ đã được chấp nhận. Ngay bên cạnh phần đầu của Đức Phật có xuất hiện khoảng trống hình chữ nhật.

Lễ hội thả lồng đèn hoa sen

Xung quanh là những bức tường bằng đá dày đến 3 mét. Nếu men theo hành lang hẹp và tối dẫn lên vị trí của hình chữ nhật, du khách sẽ được chiêm ngưỡng mặt nghiên của Đức Phật. Truyền thuyết kể rằng, đây là nơi đức vua đã nhắn gởi đến thần dân của ông qua lời nói của Đức Phật.

Mỗi năm, vào đêm trăng rằm tháng 12 âm lịch, tại Sukhothai lại diễn ra lễ hội thả lồng đèn Loi Krathong. Đây là phong tục nhằm cầu nguyện cho vua Ramkhamhaeng. Các lồng đèn hình hoa sen được thả khắp mặt sông chính là phần quan trọng nhất của lễ hội. Ngày nay, các lồng đèn trong đên rằm tháng 12 âm lịch vẫn trôi trên mặt nước như cách đây 700 năm.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *