Bên bờ hạnh phúc

Theo Tân Đường Thư – Lễ Nhạc Chí, Đường Huyền Tông là người am hiểu âm luật, yêu nghệ thuật. Ông đã chọn ra 300 người và dạy họ diễn tấu khúc nhạc cho chính ông sáng tác trong Hoa Thanh Cung nhằm ca múa giúp vui cho cung đình.

Lúc bấy giờ, có một nơi trong Hoa Thanh Cung trồng rất nhiều cây lê nên được gọi là Lê Viên. Lê Viên là trường nghệ thuật tổng hợp hý khúc ca múa hoàng gia đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Dương Quý Phi là cô gái đa tài đa nghệ, không chỉ ca múa giỏi mà Dương Quý Phi còn có sở trường diễn tấu đàn tỳ bà. Điều này càng khiến cho Đường Huyền Tông sủng ái Dương Quý Phi hơn vì sở thích hợp nhau. Lê Viên là nơi sinh sống chủ yếu của họ trong Hoa Thanh Cung.

Ly dùng để uống rượu của vua Đường Huyền Tông

Vào những năm cuối đời, Đường Huyền Tông hoàn toàn đắm chìm trong tửu sắc ở Hoa Thanh Cung. Theo tài liệu sử, thiết bị vui chơi trong Hoa Thanh Cung nhiều vô số kể và rất xa hoa lộng lẫy, vượt xa sự tưởng tượng của tầng lớp bình dân. Sở thích đầu tiên của Hoàng đế đó là chọi gà và trong Lê Viên đã xây dựng một sân chọi gà để ông và các thái giám chọi gà mua vui. Vì đây là sở thích của hoàng đế, nên cả nước, từ bá quan văn võ cho đến tầng lớp bình dân đều không ngừng bắt chước làm theo.

Cung đình nhà Đường rất thịnh hành môn chơi bóng trên lưng ngựa và vương công quý tộc rất thích chơi trò này. Đường Huyền Tông chơi bóng trên lưng ngựa rất giỏi và trong Lê Viên có xây dựng nhiều sân bóng dành riêng cho nhà vua.

Căn cứ những ghi chép trong lịch sử và truyền thuyết dân gian, mọi người có thể tưởng tượng cảnh tượng náo nhiệt và phồn hoa trong Hoa Thanh Cung. Đường Huyền tông đã cho mọi người thấy một bức tranh hưởng lạc, cực kỳ xa xỉ của vua chúa thời cổ đại.

Bức họa miêu tả cảnh hưởng lạc cực kỳ xa hoa của vua Đường Huyền Tông

Từ xưa đến nay, trên Li Sơn mọc nhiều cây tùng bách xanh tươi rậm rạp quanh năm nên Li Sơn còn gọi là ‘ngọn núi xinh đẹp’. Sau khi mở rộng Hoa Thanh Cung, Li Sơn nằm trong phạm vi của lâm viên.

Trường Sinh Điện trên núi Li Sơn là một trong những cảnh đẹp trong Hoa Thanh Cung ngày nay. Lúc mặt trời lặn hay lúc bình minh, màu sắc chiếu rọi thay đổi liên tục khiến người xem thán phục trước một vẻ đẹp mê hồn.

Phong cảnh ví như cảnh tiên nơi đây đã tạo ra một thế giới siêu thoát và nó bao trùm màu sắc lãng mạn lên câu chuyện tình giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi. Theo những miêu tả trong thơ của nhà thơ đời Đường Bạch Cư Dị, năm 751 tức ngày 7/7 năm Thiên Bảo thứ 10, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi cùng bước vào Trường Sinh Điện thề thốt: “Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành, cầu xin đời đời kiếp kiếp mãi là vợ chồng”.

Núi Li Sơn cũng đã trở thành một phần của lâm viên Hoa Thanh Cung

Phi Sương Điện, nằm ở bờ phía Bắc hồ Cửu Long, mặt quay hướng Bắc lưng hướng về phía Nam, là kiến trúc quan trọng của toàn khu vườn. Điện chính cao lớn, hùng vĩ, hai bên có điện thờ phụ, điện thờ chính và phụ song song nhau. Kiến trúc phối hợp này là bố cục cung điện hoàng gia điển hình. Tạo hình của Phi Sương Điện cũng hoàn toàn khác với cung điện nước nóng, ở giữa là những trụ cột màu đỏ cao lớn, đèn cung đình treo cao, nhà cửa chạm trỗ màu sắc rực rỡ, phú lệ đường hoàng. Theo tài liệu sử, Phi Sương Điện từng là tẩm cung của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi.

Sau khi Dương Quý Phi được ân sủng, anh trai của bà đảm nhận chức vụ quan trọng trong triều, ba chị em gái cũng lần lượt phong là Quý phụ, trở thành nhân vật giàu sang của nhà Đường.

Ba chị em của Dương Quý Phi được phong làm Hàn Quốc phu nhân, Quốc quốc phu nhân và Tần Quốc phu nhân. Huynh trưởng Dương Quốc Trung được phong là tể tướng, quyền lực họ Dương lớn mạnh.

Cuối năm Thiên Bảo, mâu thuẫn xã hội vô cùng kịch liệt, cục diện gian thần cầm quyền đã làm triều đình hỗn loạn, sức mạnh đất nước suy yếu, người dân khốn cùng, đất nước tìm ẩn mối đe dọa rất lớn. Đường Huyền Tông vẫn chìm đắm trong giấc mộng tình yêu, suốt ngày kề cận với Dương quý Phi trong Hoa Thanh Cung cùng chung hưởng lạc.

Năm 755 tức Thiên Bảo thứ 14, cuộc loạn An Sử đã đánh dấu nhà Đường từ hưng thịnh chuyển sang suy yếu nghiêm trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế.

An Lộc Sơn mang quân tiến về phía Tây, đánh kinh thành Trường An. Đường Huyền Tông cùng văn võ bá quan, phi tần hậu cung chạy về phía Tây. Trên đường đi, binh lính nổi loạn và giết chết Dương Quốc Trung và ép Đường Huyền Tông phải giết Dương quý Phi mà ông hết mực yêu quý, nếu không sẽ không hộ giá trong hoàn cảnh tiếng vó ngựa của kẻ địch ngày một tiến gần hơn. Đường Huyền Tông không biết làm gì hơn đành ngồi nhìn người phụ nữ ông yêu quý thắt cổ ở gò Mã Ngôi.

Tương truyền Dương Quý Phi thắt cổ tự vẫn ở Gò Mã Đôi khi mới ở tuổi 38

Sau loạn An Sử, cục diện phiên trấn cát cứ bắt đầu hình thành và kéo dài hơn 100 năm, cho tới khi nhà Đường sụp đổ. Tuy cuộc nổi loạn đã dẹp yên nhưng cái chết của Dương Quý Phi mang đến sự đả kích rất lớn cho Đường Huyền Tông và từ đó, ông không quay trở về Hoa Thanh Cung.

Đại Đường không còn cảnh thái bình thịnh thế, lâm viên hoàng gia với quy mô lớn nổi tiếng trong lịch sử – Hoa Thanh Cung cũng xuất hiện cảnh hoang tàn mái đổ tường xiêu và biến mất trong lịch sử. Qua hơn 1000 năm lịch sử, Hoa Thanh Cung đời Đường cũng trải qua nhiều thay đổi trở thành đền chùa, đạo quán vào đời Tống và trở thành khu vườn tư nhân cuối đời Thanh.

Vào giữa năm Quang Tự đời Thanh, một người từ Giang Nam đến Lâm Đồng làm tri huyện. Trên di chỉ cũ của Hoa Thanh Cung đời Đường, ông đã xây dựng một lâm viên với diện tích 6000 mét vuông. Ông vận dụng rất nhiều thủ pháp xây dựng lâm viên Giang Nam kết hợp với đặc điểm cung điện lầu các hùng vĩ của lâm viên phương Bắc. Trong vườn có non có nước, có đình đài lầu các, bố cục nhấp nhô xây dựng dựa vào thế núi vững chắc, mang đến cho người khác cảm giác tinh xảo, lịch sự, đẹp mắt.

Hoàn Viên có Lầu Vọng Hồ để Dương Quí Phi ngắm nhìn cá bơi lội

Để nhớ lại chuyện tình lãng mạn giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, vị tri huyện này đã cố ý dùng chữ ‘Hoàn’ trong tên Dương Ngọc Hoàn đặt tên cho lâm viên này là Hoàn Viên, với ý nghĩa là ngôi nhà Dương Ngọc Hoàn từng sinh sống.

Để tăng thêm màu sắc lãng mạn cho Hoàn Viên, chủ nhân đã hư cấu thêm một số tình tiết truyền kỳ liên quan đến Dương Quí Phi. Chủ đề kiến trúc trong Hoàn Viên đều được thiết kế xoay quanh những tình tiết này. Hoàn Viên có Lầu Vọng Hồ để Dương Quí Phi ngắm nhìn cá bơi lội, có Hà Hoa Các để Dương Quí Phi thưởng ngoạn ngắm hoa sen. Thậm chí, nơi đây còn có cây lựu được cho là chính tay Dương Quí Phi trồng.

Ở Hoa Thanh Trì còn có cây lựu do chính tay Dương Quý Phi trồng

Dù đây chỉ là câu chuyện cho người đời sau hư cấu nhưng những câu chuyện này đã nối tiếp truyền kỳ Hoa Thanh Cung đời Đường. Tuy thời kỳ nhà Đường thịnh thế, phồn hoa đã không còn, lâm viên hoàng gia từng huy hoàng một thời cũng đã biến mất, hồ nước nóng dưới chân núi Li Sơn đã trở thành Viện bảo tàng lịch sử để mọi người vào tham quan, nhưng hồn của lâm viên hoàng gia đời Đường vẫn còn và suối nước nóng Hoa Thanh Trì vẫn tuôn chảy mãi không ngừng .

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *