Bên bờ hạnh phúc

Từ xưa, người Nhật đã rất chú trọng đến việc thiết kế nhà ở hòa hợp với thiên nhiên bên ngoài. Vật liệu dùng để xây dựng và trang trí trong nhà thường là gỗ và giấy. Họ đã sử dụng loại giấy trắng tinh để làm cửa kéo shoji. Công dụng của loại cửa này là giúp mang ánh sáng dịu dàng vào trong nhà. Chỉ cần kéo cửa shoji, bạn có thể tận hưởng không khí của trời đất và chiêm ngưỡng sự thay đổi cảnh sắc thiên nhiên theo mùa.

Căn phòng được trang trí bằng chiếu tatami

Thông thường, nếu sử dụng cửa kéo thì sàn nhà phải được lót bằng chiếu tatami – một loại chiếu truyền thống của người Nhật. Tại Nhật, người ta có thói quen tháo giày ra khi bước vào nhà. Được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên chiếu tatami có độ đàn hồi thích hợp. Khi bước chân trần trên chiếu, bạn sẽ cảm nhận được sự mềm mại và ấm áp nơi lòng bàn chân.

Sinh hoạt hàng ngày của người Nhật gắn liền với chiếu tatami. Họ có thể ngồi trực tiếp hoặc nằm ngủ ngay trên chiếu. Chu đáo hơn, họ chỉ cần trải một tấm nệm lót trên chiếu và một tấm chăn để đắp là đã có một giấc ngủ thoải mái hoặc ngồi dùng bữa ngay trên chiếu mà không cần sử dụng đến ghế. Với đặc tính bền và mềm mại, chiếu tatami là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Nhật suốt nhiều thế kỉ qua.

Thông thường, một tấm chiếu tatami có chiều dài 1,8 mét và rộng 90 cm. Đây được xem là kích thước chuẩn truyền thống. Chiếu tatami được cấu thành từ 3 bộ phận, gồm tatami-omote, tatami-doko và tatami-beri.

Tatami-omote là lớp phủ trên bề mặt của chiếu tatami. Đây là bộ phận quyết định nên cảm giác dễ chịu khi chúng ta bước chân trần trên chiếu. Tatami-omote được làm từ một loại cói có tên gọi igusa. Từ thời Yayoi, khoảng năm 300 trước Công nguyên đến năm 300 sau Công nguyên, cói igusa đã được dùng làm nguyên liệu đan, dệt. Cói igusa sau khi cắt từ ngoài đồng về, người ta sẽ ngâm chúng vào nước bùn. Mục đích của công đoạn này là tạo cho chiếu tatami có một mùi hương đặc biệt.

Tatami-omote là lớp phủ trên bề mặt của chiếu tatami

Theo thời gian, người Nhật đã có nhiều cải tiến trong kỹ thuật làm chiếu tatami nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời tiết kiệm công sức. Gần đây, số thợ làm tatami-omote bằng thủ công cũng dần ít đi. Việc đưa từng sợi igusa vào khung dệt khiến nhiều người thợ không đủ kiên nhẫn duy trì cách làm truyền thống này.

Kỹ xảo dệt igusa trên máy dệt thủ công được họ gọi là nakatsugi. Nếu sử dụng kỹ thuật dệt nakatsugi, người thợ phải mất hai ngày để tạo ra một tấm tatami-omote.

Tatami-doko là bộ phận trung tâm của chiếu tatami

Ngay bên dưới tấm tatami-omote là bộ phận trung tâm của chiếc tatami, có tên gọi là tatami-doko. Khi cuốn tatami-omote lại, sẽ để lộ ra tấm tatami-doko có bề dày khoảng 5,5 cm, được làm từ rơm khô. Tatami-doko giữ vai trò quan trọng quyết định nên tính năng và đặc trưng cũng như vẻ đẹp và sự tiện nghi của tấm chiếu tatami.

Chế tạo tatami-doko

Những năm gần đây, rơm khô không còn là nguyên liệu duy nhất để tạo ra những tấm tatami-doko. Người Nhật đã sử dụng một số nguyên liệu thay thế như sợi hóa học và mạt gỗ ép. Chúng có ưu điểm là khả năng đàn hồi và cách nhiệt tốt, nhưng lại tạo điều kiện tốt cho các loài bọ, gián sinh sống.

Bộ phận cuối cùng là tatami-beri hay còn gọi là mép chiếu, dùng để kết nối tatami-doko và tatami-omote lại với nhau. Khi xếp các tấm tatami trên sàn nhà, tatami-beri trở thành đường viền trang trí xinh xắn. Tatami-beri có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, chẳng hạn như sợi bông, sợi lanh hoặc tơ lụa.

Tatami-beri dùng để kết nối tatami-doko và tatami-omote lại với nhau

Ngày xưa, tatami-beri chỉ có một vài hoa văn đơn điệu, nhưng ngày nay, nó được thiết kế nhiều màu sắc và hoa văn trang trí đẹp mắt. Sự thay đổi này nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *