Bên bờ hạnh phúc

Alexandria là thành phố lớn thứ hai ở Ai Cập, cách Cairo 225km. Nằm ở Tây Bắc dòng sông Nile.

Trải dài dọc theo dải đất hẹp giữa Địa Trung Hải và hồ Mariut, Alexandria được xây dựng bởi các kiến trúc sư người Hy Lạp từ năm 332-331 trước Công nguyên và được mang tên vua Alexander Đại đế – người đã cho xây thành phố này.

Alexandria hiện là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, cảng biển chính của Ai Cập và cũng là một điểm đến mới vô cùng hấp dẫn du khách.

Nếu có cơ hội đến Alexandria, bạn không thể không đến thăm Bảo tàng Graeco Roman, xây dựng vào năm 1892. Bảo tàng có 25 phòng trưng bày, mỗi phòng trưng bày một loại cổ vật khác nhau, từ tượng các vị Thần Hy lạp cổ đại bằng đá hoặc thạch cao đến những bộ sưu tập đồ nữ trang nhiều màu sắc bằng kim loại.

Ngoài ra, du khách sẽ được tìm hiểu mô hình về hệ thống làm lạnh nước thời cổ đại, xác ướp, tượng nhân sư, cỗ quan tài bằng đá, các loại tiền bằng đồng của nhiều quốc gia được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ những năm 630 trước Công nguyên đến thế kỷ XIX…

Đến thư viện Alexandria bạn sẽ bị chinh phục bởi vô vàn những ký tự cổ, chữ tượng hình khác nhau của nhiều quốc gia khắp thế giới. Bạn sẽ rất thú vị vì chữ được chạm khắc trên các bức tường đá và càng ngạc nhiên hơn khi phát hiện, cả những ký tự có trong bảng chữ cái tiếng Việt.

Bạn cũng không thể bỏ qua Thánh đường Abu El Abbas xây dựng từ năm 1775 và được trùng tu lại vào năm 1943. Đây là công trình kiến trúc lớn nhất và quan trọng nhất của người Hồi giáo ở Alexandria. Hoặc pháo đài Qaitbay – di tích ngọn Hải đăng Alexandria xây dựng theo lối kiến trúc thời Trung cổ.

Khi hoàng hôn buông xuống, hãy tận hưởng thú tản bộ dọc con đường uốn quanh bờ biển ngắm mặt trời lặn trên Địa Trung Hải, sau đó đến khu vườn ngự uyển Montazah tuyệt đẹp, thư giãn trong quán cà phê và thưởng thức bữa ăn tối với những món đồ biển tươi ngon, đặc sản của thành phố cảng Alexandria.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *