Bên bờ hạnh phúc

2/08, 2:33 pm Núi lửa Krakatau

Indonesia là quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới. Khắp quần đảo này có đến 129 núi lửa còn hoạt động và một trong số đó là Krakatau – một trong những ngọn núi lửa khủng khiếp và lôi cuốn nhất hành tinh…

Núi lửa Krakatau “con” thức giấc ba tuần trước. Ảnh do thuyền trưởng Agus chụp tháng 10.2008

Ngày 27.8.1883, Krakatau bỗng dưng thức giấc sau hàng ngàn năm yên nghỉ. Một tiếng nổ long trời lở đất mà theo ước tính bằng 13.000 lần sức mạnh của quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, Nhật Bản đã thổi tung hòn đảo nằm trên eo biển Sunda, giữa đảo Java và Sumatra bên bờ Ấn Độ Dương. Tiếng nổ vang đến tận Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản cách đó hàng ngàn kilômét, cột khói bốc cao 80km và phủ đen bầu trời Singapore cách đó 900km trong hai ngày liền. Sức công phá đã quét sạch gần 200 làng mạc sống ven eo biển Sunda và cướp đi sinh mạng của 36.000 người. Sau thảm hoạ này, một phần Krakatau chìm xuống biển, nhưng lại hình thành nên một Krakatau con ngay bên cạnh và vẫn còn hoạt động cho đến hôm nay.

Miệng lửa giữa trùng khơi

Khi chúng tôi dự định tìm đường vượt 60km eo biển Sunda ra Krakatau thì nhận được liên tục tin thời tiết xấu, ba ngày trước đó không một con thuyền nào dám ra khơi, nhưng chúng tôi vẫn quyết định một lần trong đời được chứng kiến núi lửa hoạt động. Từ bờ biển Carita của đảo Java, chúng tôi tìm thuê một chiếc thuyền hai máy 80 mã lực để vượt biển, ban đầu thuyền trưởng vẫn e ngại vì thời tiết, nhưng với nhiệt tình của chúng tôi, thuyền trưởng Agus đã gật đầu nhổ neo.

Đường lên đỉnh Krakatau “con”

Trước đó chỉ hai ngày, một cơn bão đã quét sạch một ngôi làng ven biển Carita, trên đường ra đảo những xác nhà đã va đập làm gãy chân vịt thuyền chúng tôi. Tưởng chừng như chuyến đi bất thành và phải chịu cảnh lênh đênh trên biển chờ cấp cứu từ bờ, thì bất ngờ từ phía xa xa, một con thuyền lướt tới. Đó là một đoàn khám phá đến từ Đan Mạch và Tây Ban Nha, họ cũng muốn một lần được nhìn thấy Krakatau trong đời và chấp nhận cho chúng tôi tham gia vào hành trình.

Nắng lên đến đỉnh đầu cũng là khi con thuyền nhỏ tiến vào khu vực đảo núi lửa. Núi lửa Krakatau “con” (Anak Krakatau) nằm giữa, hai bên là đảo Krakatau mẹ và đảo Lang, sau Krakatau con là đảo Verlaten, tất cả đều im lìm giữa sóng gió gầm rú làm chúng tôi vô cùng thất vọng, bởi cách đây mới ba tuần, Krakatau con đã hoạt động mạnh trở lại và phun lửa. Khi ấy cũng có nhiều thuyền mạo hiểm vượt biển ra xem, ghi hình, kết quả chuyến khám phá đó là năm người bị thương. Trước đó, trong đợt phun lửa năm 1993 đã có một người Mỹ tử nạn và ba người bị thương khi cố tình cho thuyền đến gần ghi hình Krakatau. Nguy hiểm đến thế, nhưng mỗi năm có đến hàng ngàn người từ khắp thế giới đã tìm đến để chiêm ngưỡng Krakatau, đơn giản nó được đánh giá là một trong 10 ngọn núi lửa loại A – loại dữ dội nhất thế giới và có thể phun lửa bất kỳ lúc nào…

Thuyền cập vào đảo Krakatau “con” trong cảm giác hồi hộp xen lẫn háo hức, chúng tôi nhanh chóng tiếp cận chân núi và đối mặt thử thách thứ nhất: Những cơn gió mạnh mang theo bụi lưu huỳnh khắp nơi rất khó thở. Krakatau “con” chia hòn đảo thành ba tầng, tầng một là cây cối nhiệt đới đã cháy đen nhiều nơi, tầng hai là lớp nham thạch còn nóng rực vương vãi khắp nơi và trên cùng là khu vực miệng núi lửa. Những bước chân của chúng tôi trở nên nặng nề vì đất rất xốp và rất nóng, nhất là đường dốc dựng đứng. Khi những nỗ lực chiến đấu với nắng và gió lên đến đỉnh điểm cũng là lúc chúng tôi lên đến được nơi cao nhất của tầng hai. Từ đây, đỉnh Krakatau “con” nằm sừng sững thách thức với thiên nhiên. Gió từ phía đông bắc thổi sang “gọt” ngọn núi rất trơn tru. Những mảng màu đen của nham thạch, vàng của lưu huỳnh trào ra từ miệng núi lửa rất ấn tượng.

Tín hiệu lửa tuôn trào

Hoàng hôn màu máu trên eo biển Sunda, thông thường là tín hiệu núi lửa tuôn trào. Ảnh: Binh Nguyên

Viên cảnh sát và là “cư dân” duy nhất trên đảo được chính quyền đảo Sumatra cử ra bảo vệ khách đã cấm chúng tôi trèo lên miệng núi lửa bởi rất nguy hiểm, nếu nó không phun trào nham thạch thì khói lưu huỳnh vẫn có thể làm nguy hiểm đến tính mạng. Chúng tôi và nhóm thám hiểm Đan Mạch, Tây Ban Nha chỉ còn cách ngắm nhìn miệng núi lửa với những làn khói mỏng bay ra.

Thuyền trưởng Agus cho biết không thể đùa với núi lửa được. Ngày xưa, khi núi lửa phun trào, dân làng rất lo sợ sóng sẽ cuốn trôi những ngôi nhà của họ. Nhất là người đi biển, khi thấy hoàng hôn màu đỏ hoặc nước biển xanh đến kỳ lạ, đó là tín hiệu cho những đợt phun trào mới. Những người bạn chài lưới của Agus đã có những chuyến đi biển tưởng không về khi Krakatau “con” hoạt động, nham thạch rơi khắp nơi, sóng dâng cao 3 – 4m… như muốn nhấn chìm thuỷ thủ đoàn. Và chính chúng tôi đã may mắn thoát khỏi “lưới tử thần” trên đường trở lại bờ khi ánh nắng có vẻ khác thường và những con sóng lưỡi búa dựng lên cao hơn ba mét, gần như chực chờ nuốt chửng chiếc thuyền nhỏ bé của chúng tôi. Sau ba giờ vật lộn với những con sóng cả, chúng tôi đã nhìn thấy bờ biển Carita từ phía chân trời. Thuyền trưởng Agus mới định thần rút thuốc lá ra đốt và rít liên hồi, ông bảo: “Chúng ta có một ngày may mắn, ánh nắng chiều hôm nay trông rất kỳ lạ, giống như đợt phun trào năm 1993!”.

Với chúng tôi đó là một ngày dài, đáng nhớ khi đối mặt với những tột cùng của cảm xúc trong hành trình khám phá những vùng đất lạ mà con người là một sinh linh quá nhỏ bé giữa thiên nhiên bao la…

Binh Nguyên – Trần Hoài Nam (theo sgtt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *