Bên bờ hạnh phúc

Nằm cách Jakarta hoa lệ, thủ đô của Indonesia chỉ 130 cây số, nhưng những người thuộc bộ tộc Baduy luôn từ chối mọi tiện nghi của thế giới văn minh, kể cả quyền công dân. Với họ thiên nhiên là tuyệt đối…

Ẩn dật, cách biệt trong rừng sâu, xứ người Baduy “chẳng có gì để xem, không hề có một tiện nghi nào trong đó!” người dân Jakarta thường nói. Nhưng với chúng tôi, những ngày sống trong cộng đồng Baduy, khái niệm về thiên đàng đã trái ngược hoàn toàn…

Bộ tộc đầu tiên của loài người”

Những người Baduy đen với chiếc nón truyền thống sống giữa rừng sâu

Từ ngàn năm qua, người Baduy sống thành những vòng tròn bao bọc nhau. Người Baduy đen (đội khăn màu xanh đen) sống tập trung thành 30 làng ở vòng ngoài, và người Baduy trắng (đội khăn trắng) ở ba làng nằm tít trong rừng sâu.

Người Baduy trắng sống ở sâu trong rừng khu vực Gajebor và không chấp nhận bất cứ tiện nghi sinh hoạt hiện đại nào, cho dù đó chỉ là một chiếc xe đạp, máy móc, ánh sáng điện, thậm chí cả chữ viết. Tổ tiên người Baduy không biết xuất phát từ đâu, chỉ biết họ tự hào rằng, chính họ là một trong những bộ tộc đầu tiên trên trái đất này. Và cho đến nay, chính quyền Indonesia cũng không thể biết được dân số chính xác của người Baduy, vì họ không hề báo sinh, báo tử. Khi có người chết, họ mang ra rừng vùi xuống đất và trồng lên đó một cái cây và quên ngay tức khắc.

Như một nguyên tắc, người Baduy đen sống ở vòng ngoài để bảo vệ cho người Baduy trắng khỏi những xâm nhập của bất kỳ một vật dụng hiện đại nào, bất cứ ai có ý định vào khu vực Baduy trắng cũng đều bị phát hiện và ngăn lại từ các làng Baduy đen bao bọc xung quanh. Khách đến thăm làng Baduy đen có thể chụp hình, quay phim, nhưng với người Baduy trắng điều đó là tuyệt đối cấm kỵ. Thậm chí người Indonesia bản địa cũng không được đến làng Baduy trắng mỗi năm ba tháng, đó là thời gian những người Baduy trắng cúng tế thần linh…

Vậy mà, khi chưa đặt chân đến khu vực Baduy đen, chúng tôi đã may mắn gặp được hai người Baduy trắng. Đó là Juri và Arni, hôm nay hai anh ra làng Baduy đen có việc và họ đã trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho chúng tôi. Khác hẳn với những gì chúng tôi tưởng tượng trước khi vào rừng, những người Baduy có khuôn mặt trắng trẻo thông minh và đôi mắt rất sáng. Người Baduy trắng thường để tóc dài, đầu cột khăn màu trắng. Đàn ông Baduy đi chân đất, luôn giắt dao rừng bên hông và chiếc túi bằng vải trắng đeo bên vai. Trang phục là loại thổ cẩm do chính tay các cô gái Baduy dệt bằng khung gỗ. Juri cho biết, họ sống rất thuần khiết, chỉ dựa vào sản vật của rừng.

Thiên đàng trong bóng tối

Ngôi làng xinh đẹp của người Baduy đen trong rừng Gajebor

Khi trời gần tắt nắng, chúng tôi cũng đến được ngôi làng Baduy đen đầu tiên dưới những tán cây rừng già. Đó là ngôi làng rất sạch, lối đi giữa làng được lát đá thật đẹp, những phụ nữ Baduy luôn che mặt bằng chiếc nón truyền thống khá to và trẻ con luôn tò mò nhìn chúng tôi rồi ù chạy hoặc đóng cửa nhà khi chúng tôi đến gần. Người Baduy đều không được đi học, nhưng rất thông minh, nhiều người nói được tiếng phổ thông Indonesia, mà theo Juri do họ học lóm mỗi khi mang sản vật rừng ra rìa làng đổi gạo. Thậm chí như Juri, anh là một người Baduy trắng hiếm hoi đã lên tận thủ đô Jakarta. Một người hướng dẫn viên du lịch địa phương đưa Juri tấm danh thiếp và mời lên Jakarta chơi. Juri đi bộ lên thủ đô mất đúng hai ngày bằng cách men theo đường ray xe lửa và tìm đến đúng nơi cần tìm! Juri bình thản khi được hỏi về chuyến đi: “Chẳng có gì hay hơn ở rừng, chỉ có chiếc thang máy chạy lên trời quá nhanh!”.

Chúng tôi như lạc vào thế giới của buổi đầu văn minh. Ngay cả chiếc cầu treo giữa làng bằng tre được nối với nhau bằng dây rừng, không hề có một chiếc đinh nào, nhưng rất chắc chắn và đẹp cực kỳ. Dân làng sống rất hoà bình, không hề có chuyện mâu thuẫn, xích mích để nhờ tới chính quyền, và từ lâu chính quyền cũng không đến nơi này. Họ tự tổ chức “chính quyền” rất lạ: mọi vấn đề của cả cộng đồng đều do một người Baduy đen quyết định, nhưng vị thủ lĩnh tối cao này lại do Baduy trắng bầu lên.
Tối nay chúng tôi ở lại làng Baduy đen. Chỉ có duy nhất chiếc đèn dầu tù mù được sử dụng để soi sáng đêm đen. Amen, người chủ nhà cho biết, chiếc đèn này sẽ không được chấp nhận trong làng người Baduy trắng. Amen sống gần với thế giới hiện đại nhất, từ nhà anh có thể nhìn thấy quầng sáng từ khu vực Ciboleger, nơi điện lưới quốc gia vừa được kéo về phục vụ cho các bản làng bộ tộc khác gần đó. Công việc hàng ngày của anh là lên rẫy, nhổ cỏ và vào rừng tìm mật ong. Còn vợ anh thì chăm sóc con cái và tìm rau củ quanh vùng cho bữa cơm hàng ngày. Bọn trẻ cũng không hề có ý định phải đi học…

Hôm nay làng có lễ hiến tế cầu nguyện cho mùa lúa mới, già làng cho phép chúng tôi đến tham dự nhưng không được quay phim, chụp ảnh vì ảnh hưởng đến thần linh. Chúng tôi nài nỉ Amen xin phép cho chúng tôi quay phim, nhưng anh lắc đầu vì với người Baduy chỉ có khái niệm một là được, hai là không được, không có sự năn nỉ, nhập nhằng.

Đêm không trăng, những người Baduy bắt đầu nghi lễ hiến tế mà họ đã thực thi hàng ngàn năm trong ánh đuốc le lói không nhìn rõ mặt người và với họ đây mới chính là thiên đàng…

Binh Nguyên – Trần Hoài Nam (theo sgtt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *