Bên bờ hạnh phúc

Từ lâu cái tên vùng Tuscany chỉ đến trong tâm trí nhiều người với thành phố Florence vương giả, huy hoàng và dòng xe hơi Siena danh tiếng.

Một lần tới đây, chúng tôi mới biết miền đất chan hòa ánh sáng này còn có những cung đường và những ngọn đồi đẹp như tranh, có những thành phố ngàn năm tuổi luôn gợi lên trong lòng du khách nỗi hoài cổ.

Miền đất cổ

Ngày xưa cổng thành cũng là pháo đài

Xe buýt từ Florence đến Siena lướt thật êm trên con đường nhỏ uốn quanh những ngọn đồi trập trùng. Vô số những lâu đài cổ, các điền trang, những ngôi nhà bằng đá có vườn nho xung quanh lần lượt hiện ra trước mắt. Thỉnh thoảng nổi bật lên giữa cánh đồng lúa mì trải dài tít tắp là những hàng cây trắc bá diệp cao nhọn, tô điểm cho phong cảnh đặc trưng của Tuscany.

Trắc bá, ô liu là loại cây phổ biến nhất ở đây. Cả một vùng đất rộng mênh mông không có nhiều cây cao bóng cả nên ánh mặt trời chói lọi chảy tràn khắp nơi, khơi dậy những gam màu rực rỡ của vạn vật. Xa xa thấp thoáng một nhà thờ nhỏ hay một tu viện cổ giữa cánh đồng hướng dương vàng rực.

Phong cảnh đặc trưng vùng Tuscany

Vùng đất miền trung nước Ý này được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều. Với hai phần ba diện tích là đồi thoai thoải, đất đai phì nhiêu, từ trước Công nguyên, nơi đây đã có cư dân sinh sống bằng nghề trồng trọt. Đến cuối thế kỷ thứ X, khi có con đường nối liền Rome và nước Pháp đi ngang qua thì Tuscany cũng bắt đầu phát triển với các nhà thờ, lữ quán, tửu quán phục vụ lữ khách rồi nhanh chóng trở nên thịnh vượng.

Các thành phố dần hình thành trên những ngọn đồi lớn và dựa trên những thế mạnh của mình để cạnh tranh thương mại quyết liệt. Cuối cùng, Florence vươn lên giành vị trí là trung tâm của cả vùng, còn Siene thì phát triển mạnh về ngân hàng, Pisa thành cảng, Lucca sản xuất lụa… Nơi đây cũng là cái nôi của văn hóa Phục hưng. Có lịch sử êm ả, hầu như không bị tàn phá bởi chiến tranh, Tuscany giữ được rất nhiều công trình kiến trúc cổ mà tuổi đời đã cả ngàn năm cùng những thành tựu rực rỡ về hội họa, điêu khắc, chế tác thủy tinh…

Chỉ với diện tích 23.000 kilomet vuông (bằng diện tích vùng Đông Nam Bộ nước ta) và 3,6 triệu dân, Tuscany có đến bảy thành phố được nước Ý gọi là thành phố nghệ thuật và được UNESCO xếp vào danh sách Di sản văn hóa Thế giới, bao gồm: Florence, Lucca, Pisa, Siena, San Gimignano, Cortona, Pienza.

So với Florence vừa cổ kính vừa hiện đại, Siena cách đó 50 km nhỏ và trầm mặc hơn nhiều. Thành phố lớn thứ hai trong vùng còn giữ được không khí một trung tâm thủ công nghiệp thế kỷ XIII – XIV với tường thành nặng nề bao quanh, bên trong là nhà thờ, quảng trường, tòa thị chính, lâu đài, tu viện và các dãy phố buôn bán. Rất nhiều công trình kiến trúc Gothic thời kỳ đầu được xây bằng sa thạch – vật liệu sẵn có của địa phương – vẫn còn nguyên vẹn với các vòm nhọn tráng lệ và nhiều cửa sổ lớn. Cổng thành cũng là một pháo đài đồ sộ, là biểu tượng sức mạnh và nền độc lập một thời.

Quảng trường trung tâm thành phố Siena

Qua cổng thành là con đường chính của thành phố, cũng là con đường dẫn về La Mã nổi tiếng thời xa xưa. Gần một ngàn năm trước, những người lính, giáo sĩ, thương gia và kẻ lãng du khi qua lại con đường này đã mang đến đây tiền bạc, sản phẩm các địa phương khác và cả những ý tưởng sáng tạo làm thành phố ngày càng phồn thịnh. Nghe nói ngày xưa, mỗi khách trọ trước khi lên đường thường thực hiện rất trang trọng việc chia tay với thành phố.

Những cuộc hành trình thời đó luôn dài hàng năm trời và phải đương đầu với vô vàn hiểm nguy, thiếu thốn nên trước khi rời thành phố, lữ khách chuẩn bị rất nhiều thứ: đặt may trang phục, gửi lời xin lỗi đến những ai mà họ đã trót làm phiền và gửi lời từ biệt đến từng người đã làm quen, bởi rất ít người còn trở lại lần nữa.

Lang thang trong thành phố, du khách sẽ gặp nhiều bức họa, phù điêu vẽ hình một con chó sói đang cho hai đứa trẻ bú. Đó là Romulus và Remus, hai con trai sinh đôi của thần Chiến tranh (Mars). Theo truyền thuyết, lúc mới sinh, hai anh em được một con sói cái cho bú trong rừng sâu và sau này đã thiết lập nên thành Rome. Truyền thuyết cũng cho rằng Siena được kiến lập bởi Senius – con trai Remus nên hình ảnh đó cũng được xem là biểu tượng của thành phố.

Nhà thờ Santa Maria Assunta

Niềm kiêu hãnh lớn nhất của Siena là nhà thờ Santa Maria Assunta được xây dựng vào năm 1229 trên đỉnh đồi cao nhất thành phố. Thánh đường đập ngay vào mắt người ta bằng vẻ bề ngoài sang trọng, huy hoàng bởi vô số tượng, phù điêu, tháp nhọn tinh xảo. Bên trong nhà thờ có những bức tranh miêu tả các điển tích của đạo Thiên Chúa ở khắp nơi, trên vòm cao, tường, kính, nhưng ấn tượng nhất là 56 bức họa được khảm bằng đá hoa cương đủ màu trên nền đá hoa cương trắng và đen ở sàn nhà.

Nhà thờ San Domenico

Nếu như vẻ lộng lẫy, vương giả của Santa Maria Assunta làm người ta choáng ngợp phút ban đầu rồi sau đó cảm thấy mình thật bé nhỏ, lu mờ thì San Domenico – nhà thờ lớn thứ hai của Siena với vẻ vững chãi cùng gam màu nâu đất gợi cảm giác thật ấm áp, gần gũi. Không nhiều phù điêu hay bích họa cầu kỳ, vẻ đẹp của sự giản dị khiến chúng tôi có cảm giác được che chở.

Đi qua thung lũng Elsa

Phố cổ trong thung lũng Elsa

Có đến thung lũng Elsa chan hòa ánh nắng, mới hiểu tại sao động từ “sinh” trong tiếng Ý là “dare alla luce” (đem ánh sáng đến cuộc đời). Không phải tự nhiên mà dân tộc này tôn thờ ánh sáng đến thế. Thiếu ánh sáng, những lối mòn quanh co đầy hoa dại nở, những ngôi nhà nhỏ màu trắng phủ hoa leo sẽ không lung linh, mê hoặc nữa. Thiếu ánh sáng, thành cổ, tháp cổ nâu trầm trên ngọn đồi cao sẽ không thể nổi bật lên giữa nền trời xanh thẳm.

Dưới ánh mặt trời, thung lũng Elsa – trái tim của Tuscany  rạng rỡ một cách lạ lùng. Thiên nhiên tháng 8 như bức tranh mà màu vàng và xanh làm chủ đạo: màu xanh là của bầu trời, của cây cối, của dòng sông chảy qua, còn màu vàng là của nắng, của hoa, của đồng lúa mì sắp chín. Không khí trong lành thoáng ngai ngái mùi cây cỏ, đất đai. Len lỏi qua những chân đồi, dòng sông Elsa như một dải thủy tinh lỏng có màu sắc biến đổi theo màu trời.

Lưng đồi

Từ xa đã thấy thành phố San Gimignano với những ngọn tháp cổ uy nghi ngự trị trên ngọn đồi bề thế nhất. Từ thế kỷ thứ XI đến XIII, các lãnh chúa ở đây đã xây 72 ngọn tháp, trong đó có những ngọn cao hơn 50m nhằm phô trương sức mạnh và uy quyền. Ngày nay chỉ còn 14 ngọn tháp nguyên vẹn nhưng cũng đủ để thành phố này được du khách trìu mến gọi là “thành phố những ngọn tháp đẹp”. Nằm cách xa những trục đường chính, một thời San Gimignano bị lãng quên, nhưng nhờ đó đây là nơi mà kiến trúc và không khí thành thị Ý thời trung cổ được giữ gìn tốt nhất.

San Gimignano – thành phố của những ngọn tháp đẹp

Dù nhỏ xíu với vài chục ngàn dân, các thành cổ ở Tuscany không bao giờ thiếu quảng trường, nơi đông vui nhất vì thu hút rất nhiều người đến uống cà phê, nghỉ chân. Xung quanh quảng trường là những tòa nhà đẹp nhất, cổ nhất, phần lớn đã trở thành bảo tàng trưng bày những tác phẩm hội họa, điêu khắc lừng danh. Từ quảng trường, nhiều dãy phố cổ tỏa ra các hướng với các cửa hàng bán đặc sản địa phương như rượu vang, dầu ôliu, mật ong, mứt trái cây, giấm thơm, thảo dược…

Vẻ vui tươi, yêu đời lộ rõ trên khuôn mặt người dân ở đây. Các cô gái Ý ăn mặc gợi cảm và trang điểm rực rỡ, các chàng trai bán hàng hay lái xe cũng luôn ăn mặc đẹp như đi hội và ít khi bỏ lỡ dịp thể hiện tích cách nồng nhiệt, đa tình của đàn ông Ý: thấy phụ nữ đi một mình là họ cất tiếng “ciao bella” (chào người đẹp) rồi nháy mắt, hôn gió tíu tít!

Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *