Bên bờ hạnh phúc

Ponte Vecchio là một trong những chiếc cầu có kiến trúc và lịch sử đặc biệt. Đây là nơi ra đời khái niệm “phá sản”, là minh chứng cho bao tình yêu đôi lứa. Ponte Vecchio đã góp công không nhỏ giúp thành phố Florence luôn thu hút khách tham quan.

Thành phố Florence thuộc tỉnh Tuscany, nằm giữa trung tâm của nước Ý, được tô điểm bởi màu vàng của hoa hướng dương và màu tím của những cánh đồng nho. Đến Florence, người ta không thể không ghé nhà thờ Duomo, Cánh cổng thiên đàng, hay leo lên đồi quảng trường Michelangelo để cùng đám đông thưởng ngoạn thành phố từ trên cao, khi bình minh lên và hoàng hôn xuống. Nhưng những điều ấy vẫn chưa đủ để hoàn tất bức chân dung về Florence mà một góc hấp dẫn không nhỏ của nó chính là chiếc cầu Ponte Vecchio.

Cầu được xây từ thời La Mã (lần đầu được tài liệu ghi nhận là năm 996), kết nối giữa hội trường thành phố Palazzo Vecchio và Palazzo Pitti. Một bên đầu cầu vẫn còn hòn đá khắc lời của nhà thơ Dante.

Nhìn từ xa bạn khó mà nghĩ rằng, đó là một cây cầu. Bởi không có xe cộ chạy qua, không có thành cầu, chỉ có hai dãy nhà cổ như đang nằm lơ lửng ngang qua sông Arno. Những căn nhà be bé này có từ sau trận lụt năm 1333, với mục đích được ban đầu là để làm cửa hàng buôn bán. Thời ấy, nhờ có làn gió mát mẻ và không khí trong lành trên sông, những người thợ thuộc da quyết định nhóm họp ở đây để kinh doanh, hy vọng gió sông có thể làm bay đi mùi khó chịu của da thuộc mà họ phải ngâm suốt 6 tháng trong nước tiểu ngựa.

Không lâu sau, thấy mảnh đất này “địa lợi”, những người bán hàng lưu niệm, bán thịt, thợ vàng cũng đua nhau kéo về đây lập nghiệp. Được sự cho phép của quan tòa, chính quyền thành phố, cảnh sát khu vực và chủ đất, những người bán để mặt hàng kinh doanh lên chiếc bàn của họ trên cầu. Nếu một thương nhân làm ăn thất bát, không trả được tiền thuê mặt bằng trên cầu, cảnh sát sẽ đến đập gãy chiếc bàn mà họ dùng để bày bán hàng hóa. Mất bàn đồng nghĩa với việc không thể làm ăn được nữa. Định nghĩa “phá sản” trong kinh tế học ra đời từ tiếng Ý “bancorotto” nghĩa là “cái bàn bị gãy” (“banco”: chiếc bàn, “rotto”: gãy), và tiếng Anh “bankruptcy” (phá sản) xuất phát từ đây.

Nếu muốn chiêm ngưỡng chân dung của các họa sĩ hàng đầu nước Ý và châu Âu, bạn có thể vào hành lang Vasari ở bên cầu, nơi để phòng trưng bày chân dung tự họa hoặc do người khác vẽ các danh họa nổi tiếng.

Hành lang Vasari

Hành lang Vasari đã từng phải đóng cửa nhiều lần để bảo trì các hiện vật bên trong và tăng cường công tác an ninh để giữ gìn những tác phẩm vô giá này. Vé vào cổng khá đắt, thêm vào đó, không gian nhỏ hẹp do hành lang Vasari được xây dọc theo cầu nên du khách nhiều khi phải đặt vé trước. Điều này làm cho số lượng người ngắm cây cầu từ xa và đi ngang qua cầu nhiều hơn số lượng người bước vào bên trong hành lang Vasari.

Cầu Ponte Vecchio không chỉ là chứng nhân của thành phố Florence qua những thăng trầm của lịch sử, mà còn là chứng nhân cho tình yêu của nhiều đôi lứa. Đi dọc cầu, bạn sẽ ngạc nhiên trước một số lượng lớn các ổ khóa được ghi tên hai người và móc vào rất nhiều nơi khác nhau. Không chỉ các cặp đôi khắp thế giới muốn về đây nắm tay nhau đi dạo trên cầu và ước mong hạnh phúc, nhiều người đi đến đây một mình cũng chuẩn bị một cái khóa và viết tên người mình thầm yêu trộm nhớ, hy vọng một ngày nào đó sẽ thành đôi.

Không ít lần chính quyền thành phố đã gỡ đi hàng trăm ngàn ổ khóa

Người ta cho rằng, phong tục này xuất phát từ câu chuyện của những người kinh doanh cửa hàng bán ổ khóa ở hai đầu cầu. Theo câu chuyện ấy thì nếu viết tên mình và người mình yêu lên khóa, móc vào một chỗ bất kì trên cầu và ném chìa khóa xuống dòng sông, thì cặp đôi đó sẽ có thể chung sống hạnh phúc đời đời kiếp kiếp.

Thế nhưng, phong tục ấy cũng gây nên một sự tổn hại không nhỏ cho kiến trúc của Ponte Vecchio. Du khách, đặc biệt là các cặp đôi đã ào ào đến đây và móc khóa lung tung khắp cầu. Không ít lần chính quyền thành phố đã gỡ đi hàng trăm ngàn ổ khóa. Thậm chí, một chiếc bảng được đặt trên đầu cầu để cảnh cáo nếu một người nào bị bắt gặp đang khóa ổ khóa vào khu vực cầu thì họ sẽ bị phạt 50 euro. Điều đó có vẻ như vẫn không ngăn chặn được hình ảnh những chiếc ổ khóa quấn vào nhau quanh chiếc cầu Ponte Vecchio.

Dưới chân cầu Ponte Vecchio, nước sông Arno vẫn cứ trôi đi nhịp nhàng với thời gian. Hàng thế kỉ đã trôi qua, có một cây cầu như Ponte Vecchio vẫn đứng đó…

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *