Bên bờ hạnh phúc

7/08, 8:05 am Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc (5)

Khung xương thép trông cực kỳ ấn tượng, nhưng có khả năng gánh được sức nặng của chính mình hay không? Sẽ là một thảm họa kinh hoàng nếu mái vòm đổ sụp sau khi các thanh chống đỡ được loại ra. Cấu trúc khổng lồ chuẩn bị đối mặt trước một thách thức nan giải chưa từng có tiền lệ. Giàn giáo chống đỡ tạm thời mái vòm giờ đang được loại bỏ, điều đó có nghĩa là khung xương thép phải tự gánh lấy sức nặng của chính mình.

Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc (4), (3), (2), (1)

Trong sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ, giàn giáo được hạ thấp dần xuống. Đầu tiên là ở giữa, kế đến là vành khung thứ 2, sau đó là vành khung phía ngoài cùng, và quay trở lại vành khung giữa. Mỗi lần hạ thấp chỉ 4 mm. Đây là tiến trình mạo hiểm.

Mất 4 giờ khổ sở để loại bỏ cấu trúc hỗ trợ bên dưới trước khi mái vòm có thể độc lập chịu được sức nặng của chính mình. Khi phần hỗ trợ cuối cùng được đưa ra ngoài, ai nấy cũng đều nín thở chờ xem kết quả như thế nào.

Các kỹ sư biết rằng khung thép sẽ rung lắc nhẹ. Bất cứ sự rung lắc nào trong phạm vi 16 cm cũng đều nằm trong giới hạn an toàn. Vượt quá con số đó, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Một khoảnh khắc của sự thật đã đến. Theo tính toán, mái vòm hạ thấp xuống chỉ 13,6 cm, tức là nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

Nhà hát lớn quốc gia có khung xương thép kỳ vĩ có thể tự đứng được. Nhưng cho đến thời điểm này, nó không gì khác ngoài một cấu trúc rỗng không. Nhiều công việc trước mắt khác cần được triển khai. Mái vòm cần được bao phủ bằng các tấm titan thật đặc biệt, và nội thất ở 3 khu vực biểu diễn bên trong cần được hoàn tất.

Tuy nhiên, sau đó, một sự kiện bất ngờ xảy ra cách Bắc Kinh cả nửa vòng trái đất, phủ bóng đen lên dự án nhà hát lớn quốc gia. Ngày 23 tháng 5 năm 2004, nhà đón khách mới ở sân bay Charles de Gaulle tại thủ đô Paris, Pháp đổ sụp. Kiến trúc sư công trình này không ai khác ngoài Paul Andreu. Ngay lập tức, thiết kế nhà hát lớn quốc gia cũng trở thành tâm điểm chú ý của công luận. Tương lai của nó một lần nữa đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Một số nhà phê bình cho rằng quả trứng đã đi quá xa giới hạn, và hậu quả tương tự có thể đang chờ đợi ở Bắc Kinh.


Paul Andreu lo lắng cho số phận của nhà hát khi nhà đón khách ở sân bay Charles de Gaulle do ông thiết kế bị đổ sụp

Trở lại biến cố ở nhà đón khách mới ở sân bay Charles de Gaulle. 4 người đã thiệt mạng, trong đó có 2 nạn nhân mang quốc tịch TQ. Kiến trúc sư công trình này là Paul Andreu. Dự án hiện tại của ông ở Bắc Kinh không thể tránh khỏi tầm ngắm của công luận. Danh tiếng của ông và mạng sống của con người dường như phủ định lẫn nhau.

Tại Pháp, quá trình điều tra đang được tiếp tục. Nhưng các báo cáo ban đầu cho thấy trách nhiệm chính không thuộc về Paul Andreu. Tại TQ, thiết kế cấu trúc quả trứng do 2 ban độc lập gồm toàn chuyên gia xem xét lại. Cuối cùng họ cũng có kết luận: không có vấn đề gì.

Dù sao đi chăng nữa thì những ai có liên quan đến dự án này đều cảm nhận sức ép tâm lý khá nặng nề. Quả trứng là 1 trong những công trình được chính phủ ưu ái nhất trong hàng loạt công trình chuẩn bị Olympic 2008. Nó phải thể hiện được những gì người ta từng kỳ vọng.

Các công nhân hối hả trang hoàng cho công trình này. Lớp titan mang hơi thở thuyết vị lai sẽ bao phủ toàn thể cấu trúc, ngoại trừ mặt Bắc và Nam do. Ở 2 mặt này, thủy tinh sẽ tạo ra tầm nhìn lộ rõ nét lộng lẫy của phần kiến trúc bên trong. Những đặc điểm nổi bật ấy từng có lúc bị cho là kỳ dị như vật thể bay không xác định sắp trở thành hiện thực. Từ giấc mơ thành hiện thực đòi hỏi thêm kỳ công ở kỹ thuật xây dựng. Một nhóm gồm 60 người bắt đầu lắp đặt hơn 20.000 tấm titan, mỗi tấm nặng từ 20 đến 30 kg. Đây là loại vật liệu có những đặc tính không thể lẫn vào đâu được, và kỹ sư trưởng Luo Yi thuộc tập đoàn KGE chịu trách nhiệm khâu thi công.

Titan được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực hàng không, xe cộ và công nghiệp xây dựng do có khối lượng nhẹ hơn thép carbon 33%. Đối với quả trứng, titan được kết hợp với các nguyên tố khác giúp các tấm titan mạnh mẽ hơn nhưng mảnh khảnh hơn và chi phí thấp hơn. Các tấm titan bắt đầu được đưa đến công trường. Công nhân thận trọng với từng tấm một gắn chúng lên khắp mái vòm. Mỗi tấm phải được lắp đặt đúng nơi đúng chỗ. Đây cũng giống như trò chơi ghép hình, nhưng với quy mô cực lớn. Mỗi tấm titan đều có kích cỡ khác nhau, và được lắp đặt ở các góc
riêng biệt. Công việc này không dễ dàng gì và tốn kém rất nhiều thời gian cũng như sức lực.


Khung cảnh bên trong nhà hát

Phải mất đến 8 tháng mới hoàn thành xong công việc. Nhưng nỗ lực bỏ ra thật đáng giá. Thiết kế đẹp lung linh của Andreu đã phát huy tác dụng, thu hút sự tò mò của không ít người qua đường. Đã đến lúc thực hiện một trong những đặc điểm nổi trội nhất ở quả trứng. Đó là lớp kính ở mặt Bắc và Nam của nhà hát. Lớp kính này sẽ tôn vinh vẻ đẹp kỳ ảo bên trong nhà hát cũng giống như khi vén tấm màn titan lại vậy. Hơn 1.000 tấm kính theo yêu cầu được sản xuất ở nhà máy của tập đoàn North Glass Bắc Kinh. Chúng có nhiệm vụ loại bỏ tiếng ồn từ ngoài phố và bảo vệ công trình.

Cuối cùng mọi chuyện cũng đâu vào đấy. Kết quả quá ấn tượng! Đối với những ai ủng hộ thiết kế của Andreu ngay từ đầu, họ có lý do để khẳng định đó là một quyết định đúng.

Nét đẹp kiêu sa của nhà hát trên nền nước là nét chấm phá cuối cùng trong thiết kế của Andreu, nhưng lại đặt ra một thử thách khác cho các kỹ sư. Song hành với sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế TQ là sự gia tăng ô nhiễm công nghiệp. Ngoài khói bụi, Bắc Kinh hứng chịu các cơn bão cát hàng năm với tần suất ngày càng gia tăng. Giữ cho quả trứng luôn sạch đẹp là nhiệm vụ đầy khó khăn. Bề mặt kiếng có màng tự lau chùi, một hình thức của kỹ thuật nano. Lớp màng này có thể phân hủy một phần bụi bặm, tạo điều kiện dễ dàng để nước mưa làm sạch bề mặt kiếng.

Mùa hè năm 2005, 4 năm sau khi quá trình xây dựng chính thức mở màn, mái vòm nhà hát đứng hiên ngang phô trương nét đẹp, như thỏi nam châm thu hút sự chú ý của mọi người. Du khách chiêm ngưỡng sự phản chiếu của quả trứng trên nền nước long lanh, và họ thật sự ấn tượng bởi khung cảnh quá đỗi tuyệt vời này.

Nhà hát lớn quốc gia đã giúp thay đổi bộ mặt của Bắc Kinh. Chỉ có thời gian mới biết nhà hát này có thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng hay không. Nếu câu trả lời là có thì đó là một kỳ công của nhân loại.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *