Bên bờ hạnh phúc

7/08, 8:14 am Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc (1)

Từ những góc phố cổ kính đến những con đường hối hả trong nhịp sống thời công nghiệp, Bắc Kinh là thành phố luôn chuyển động. Tháng 8 tới, Olympic 2008 sẽ chính thức diễn ra ở đây. Chính phủ TQ muốn thay đổi bộ mặt kiến trúc của thành phố. Công trình nhà hát lớn quốc gia được xây dựng nâng Bắc Kinh lên tầm hiện đại mới. Năm 1998, công trình này chỉ mới nằm trên bản vẽ, nhưng nay nó là nhà hát mang tầm cỡ thế giới thể hiện dưới hình dáng một mái vòm bằng kính và titan khổng lồ.


Nhà hát lớn quốc gia Trung Quốc

Xây dựng nhà hát lớn quốc gia là cả một kỳ công, kiểm chứng những giới hạn về mặt kỹ thuật và lòng kiên định của con người. Chỉ phần mái vòm cũng có trọng lượng hơn tháp Eiffel ở Paris, Pháp, nhưng lại không được chống đỡ bởi bất cứ trụ nào. Vẻ đẹp đến từ sự đơn giản của nhà hát phụ thuộc vào các phương trình toán học phức tạp và kỹ thuật khí động học tiên tiến.

Nếu đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư và công nhân hoàn thành trọn vẹn công trình này thì nhà hát lớn quốc gia không chỉ là nơi để biểu diễn nghệ thuật tốt vào loại nhất nhì thế giới mà còn là một kỳ công của nhân loại.

Bắc Kinh là thành phố với số dân 17 triệu người. Từ những năm 1990, Bắc Kinh đã trải qua quá trình xây dựng ồ ạt. Được khích lệ bởi Olympic 2008, thành phố này đã tự chuyển mình thành một thủ đô của thế kỷ 21. Cụ thể là 3 công trình xây dựng mới không mang tính truyền thống do các nhà thiết kế nước ngoài đảm nhiệm thổi một luồng sinh khí mới vào tổng quan kiến trúc thành phố và được cả thế giới nghiêng mình thán phục. Tháp truyền hình trung ương cao 230m mang hình thù kỳ lạ, tổ chim – sân vận động mới phục vụ thế vận hội, và nhà đón khách số 3 ở phi trường Bắc Kinh – nơi sẽ đón tiếp 60 triệu du khách đến TQ vào tháng 8 tới. Tuy nhiên, với tư cách là trung tâm văn hóa của cả nước, đã từ lâu Bắc Kinh cần lắm một công trình văn hóa xứng tầm – đó không gì khác ngoài nhà hát lớn quốc gia.

Với nhà hát dùng làm nơi biểu diễn nghệ thuật đẳng cấp thế giới, Bắc Kinh có thể đứng ra tổ chức các show diễn quy tụ toàn ngôi sao quốc tế cũng như trình diễn loại hình nghệ thuật độc đáo nhất của mình – kinh kịch. Đối với không ít người, điều này chẳng sớm thì muộn sẽ đến. Ngày nay, kinh kịch không phổ biến lắm với người trẻ tuổi, nhưng khi được thể hiện trong nhà hát hiện đại như thế này, mọi chuyện có thể diễn biến theo chiều hướng hoàn toàn khác.

13 ha đất, tương đương diện tích 17 sân vận động, đã được dành riêng để xây dựng nhà hát này, chỉ cách Quảng trường Thiên An Môn 500m, nằm ngay trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Ở phía Bắc của Quảng trường Thiên An Môn là Tử Cấm Thành, nơi cư ngụ của các vua chúa TQ trong hơn 5 thế kỷ. Ngoài ra còn có những công trình mang tính biểu tượng bao quanh khu vực còn lại, trong đó phải kể đến Đại lễ đường nhân dân, Tòa nhà Quốc hội. Việc đặt nhà hát quốc gia ở vị trí cực kỳ nhạy cảm này cho thấy các nhà hoạch định kế hoạch TQ xem nghệ thuật quan trọng đến mức nào. Tháng 4 năm 1998, một sự kiện được mong mỏi từ lâu cuối cùng cũng đến. Ủy ban kế hoạch công bố cuộc thi thiết kế nhà hát quốc gia. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử TQ, cánh cửa đã được mở ra đối với các kiến trúc sư nước ngoài nhằm giúp TQ hoàn thành sứ mệnh thay đổi bộ mặt kiến trúc của mình. Với nguồn ngân sách khổng lồ 398 triệu đôla Mỹ, cuộc thi thu hút 44 hồ sơ dự thi từ 8 quốc gia, trong đó có 16 từ trong nước. Các nhà hoạch định kế hoạch muốn nhà hát quốc gia của mình cạnh tranh với các công trình vĩ đại trên thế giới như nhà hát opera ở Sydney, Australia, hay nhà hát Vienna State Opera của Italia. Chính phủ TQ đặt ra mục tiêu đầy tham vọng. Đây không chỉ là một nhà hát bình thường mà là một nhà hát với 3 không gian biểu diễn hiện đại nhất. Thứ nhất là nơi dành cho múa ba lê trong các vở opera phương Tây với 2.400 chỗ ngồi, thứ hai là phòng hòa nhạc cho các buổi trình diễn nhạc giao hưởng có sức chứa 2.000 khán giả, và cuối cùng là không gia nhỏ hơn với 1.100 ghế để biểu diễn kịch TQ. Ông Zhou Qinglin, người đứng đầu Ủy ban kế hoạch, cho biết: “Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh là trung tâm chính trị của cả nước; do vậy, phong cách xây dựng phải phù hợp với môi trường xung quanh như Quảng trường Thiên An Môn hay Đại lễ đường nhân dân. Nhưng cũng không ít ý kiến khẳng định phong cách tương phản cổ – kim lại là điều hay.”

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *