Bên bờ hạnh phúc

Nằm dưới chân của rặng Awful Hand, công viên Galloway xa khuất khỏi những đô thị ồn ào và rực rỡ ánh đèn. Nhiều người đã ví von một cách văn vẻ rằng, đây là thiên đường trên trái đất cho những ai muốn được lang thang như một đám mây cô đơn giữa muôn ngàn vì sao nhấp nháy.

Công viên Bầu trời tối nhất ở châu Âu

Công viên rừng Galloway nằm ở phía Nam Scotland và được bao bọc bởi những dãy núi. Địa hình chủ yếu của 300 dặm vuông diện tích công viên là trảng đất và đầm hồ. Đây là công viên đầu tiên ở châu Âu chính thức được công nhận là Công Viên Bầu Trời Đêm (Dark Sky Park), và là điểm tối nhất của châu lục này. Ngoài công viên này, trên Thế giới chỉ có hai công viên khác như vậy, một ở Pennsylvania, và một ở Utah đã được Hiệp hội bầu trời đêm quốc tế có trụ sở đặt tại Mỹ công nhận là góc tối nhất của Trái đất và nằm trong danh sách được bảo tồn.

Công viên Galloway.

Để nhận được danh hiệu Công Viên Bầu Trời Đêm, các nhà quản lý của Galloway phải nộp các hình ảnh bầu trời đêm chụp qua thấu kính mắt cá, các tài liệu chứng minh, chiều dài ánh sáng ở những điểm khác nhau trong công viên, cùng với danh sách các phương pháp ngăn chặn ánh sáng từ các nông trại gần đó ảnh hưởng đến công viên.

Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức trên Thế giới đã quan tâm đến bầu trời đêm và sự ô nhiễm ánh sáng. Hiệp hội Thiên văn học Anh thực hiện Chiến dịch Bầu trời đêm để nhấn mạnh mức tác hại của việc ô nhiễm ánh sáng. Nhóm Royal Observation ở Edinburg cũng đang bắt tay với các công viên địa phương và các nhà thiên văn học để nâng cao ý thức về việc ngắm sao.

Liên Hiệp Quốc cũng đã chọn năm 2009 là năm Thiên văn học quốc tế kỉ niệm 400 năm ngày Galileo phát minh kính viễn vọng. Ngày 28 tháng 3 vừa qua, cả hành tinh chúng ta đã tắt đèn trong một tiếng đồng hồ cho Giờ Trái Đất. Đây chính là một trong những hoạt động nhằm giảm tác động đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu và để tận hưởng “bầu trời – vì sao – bóng đêm”, một tổ hợp tuyệt vời của thiên nhiên mà các du khách đang đổ về công viên Galloway để thưởng thức.

Chính sự thiếu ánh sáng và màn đêm đen đặc khiến cho khu vực này trở nên nổi tiếng và là điểm đặc biệt để ngắm thiên nhiên. Hầu hết du khách đều đến đây khi ánh nắng cuối ngày đã tắt để được chiêm ngưỡng sao. Mức độ tối ở công viên Galloway là 3, theo cán cân Bortle. Phương cách đo này được John Bortle thiết lập vào năm 2001 để đo độ tối của bầu trời đêm, trong đó 9 là mức cực kì sáng bởi các ánh đèn điện trong trung tâm thành phố và 1 là mức tối đến không thể thấy bất cứ một cái gì.

Bước đi cùng sao

Thời gian đẹp nhất để ngắm bầu trời đêm, nhất là ở Scotland là vào mùa đông, khi mà ban đêm trở nên dài hơn và tối hơn. Nhiều nhà thiên văn học nghiệp dư như tôi đã được giới thiệu những trang web và tạp chí để tìm hiểu trước về cách ngắm sao trên bầu trời đêm. Đó có khi là thời điểm sao Kim và sao Mộc ở đường chân trời lúc hoàng hôn. Bạn cũng có thể ngắm bầu trời đêm ở một chỗ thật tối. Khi bạn nhìn vào phía dưới vành đai của chòm sao Lạp Hộ – nhân vật giỏi săn bắn trong thần thoại Hy Lạp, bạn sẽ thấy những đốm mờ nhạt, đó chính là nơi những ngôi sao mới chào đời.

Ý tưởng xây dựng và bảo tồn toàn bộ khu vực này cho mục đích trải nghiệm bóng tối được đánh giá là một ý tưởng khá thú vị. Keith Muir, nhân viên của công viên rừng Galloway giới thiệu: “Nếu bạn đi trên những con đường đô thị vào buổi tối, bạn chỉ có thể nhìn thấy khoảng 50, hoặc nhiều lắm là 100 ngôi sao trên trời. Nhưng ở công viên chúng tôi, khi nhìn lên và đợi một chút cho mắt thích nghi, bạn sẽ có được những khoảnh khắc rất tuyệt, sao lung linh nhiều đến nỗi bạn không cách gì đếm hết. Bạn có thể nhìn thấy sao băng, vệ tinh và dải Ngân Hà với hàng tỉ ngôi sao ở đó. Bạn thậm chí không cần phải dùng đến kính thiên văn, chỉ cần mang theo cái ống nhòm bình thường là đủ rồi”.

Bầu trời đêm ở Galloway

Không nhớ hết bao nhiêu câu chuyện đã được truyền từ đời này sang đời khác, khi con người ngửa đầu lên nhìn trời sao kể cho nhau nghe những điều bí ẩn và những câu chuyện truyền thuyết. Sống trong những thành phố lớn, sự kết nối giữa chúng ta với vũ trụ và thiên nhiên trở nên lỏng lẻo hơn bởi cái bóng to lớn của những tòa cao ốc chọc trời. Và bầu trời sao ban đêm trở thành khung cảnh xa xỉ. Đã từng có thống kê cho biết hơn 80% dân số thế giới không được nhìn thấy điều kỳ diệu này.

Chúng ta đang trở thành những con người bị đô thị hoá và chúng ta không nhận ra rằng mình đang đánh mất đi một trong những trải nghiệm thú vị nhất của nhân loại từ hàng trăm ngàn năm trước. Đó là cảm giác nằm dài trên bãi cỏ, giữa một không gian bao la tối thẫm, chỉ có muôn vàn ánh sáng nhấp nháy chớp tắt của những vì sao. Ở đâu đó trong đầu tôi, bài hát hồi bé xíu hay ngân nga với lũ lóc chóc hàng xóm vọng về: “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao. Ba ông sao sáng, sáng chiếu muôn ánh vàng. Bốn ông sáng sao kìa năm ông sao sáng, kìa sáu ông sáng sao, trên trời cao…”.

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *