Bên bờ hạnh phúc

Những ngày hè là thời điểm người dân Na Uy trông đợi nhất, khi khoảnh khắc tuyệt vời của thiên nhiên diễn ra: mặt trời sáng lúc nửa đêm như bông hoa khổng lồ ở đường chân trời.

Mặt trời trên biển lúc nửa đêm

Những ngày không có hoàng hôn

Con tàu DFDS 11 tầng với đầy đủ các dịch vụ tiện nghi như nhà hàng, các quán bar – café, rạp chiếu phim, khu vui chơi, siêu thị,… rẽ sóng đưa tôi đến Oslo. Nó khiến tôi có cảm tưởng mình đang lạc trong không gian của Titanic ngày nào. Thú vị nhất là những lúc leo lên boong ngắm những chú cá heo thỉnh thoảng bay vọt khỏi mặt nước, ngắm những thị trấn nhỏ trên những hòn đảo mà tàu đi ngang qua. Lúc này đã hơn 10g tối nhưng mặt biển vẫn rực rỡ một màu hồng cam bởi ánh nắng từ vầng mặt trời chăm chỉ không chịu đi ngủ.

Hoàng cung Olso

Na Uy trong ngôn ngữ cổ nghĩa là “con đường dẫn về phương Bắc”. Nằm gần Bắc cực nên vào mùa hè, Na Uy hầu như không có ban đêm. Đặc biệt ở quần đảo Svalbarg, bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy hoàng hôn từ khoảng 19 tháng 4 đến 23 tháng 8 vì mặt trời không lặn trong thời gian này. Những hoạt động như chơi thể thao, đọc sách… vẫn có thể thực hiện được vào ban đêm mà không cần phải mở đèn.

Thế nhưng không chỉ có du khách, mà ngay cả người dân địa phương cũng gặp khó khăn để vỗ về giấc ngủ khi trời chẳng bao giờ tối. Bạn sẽ có cảm tưởng một ngày dài vô tận và dường như mình có nhiều thời gian hơn.

Có nhiều loại hình giải trí ngoài trời cho bạn chọn lựa vào nửa đêm, như chơi golf, câu cá, ngắm chim hay đặc biệt là đi du thuyền qua những vịnh hẹp. Năm 2004, tạp chí National Geographic đã bầu chọn những vịnh hẹp Na Uy là điểm đến đẹp nhất thế giới. Ngồi trên phà len lỏi qua những tảng băng dựng đứng bên dòng nước xanh mới thấy hết sự hùng vĩ mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Nhiều vịnh hẹp Na Uy trải dài hơn 200 km. Chiều sâu của những vịnh này có thể bằng chiều cao của những ngọn núi, có chỗ sâu đến cả 1300m.

Trục đường chính Karl Johans Gate

Thủ đô Oslo của Na Uy đã có tuổi đời hơn 1000 năm. Hầu hết những điểm tham quan nằm gần nhau trên trục đường chính Karl Johans Gate như: trường đại học Oslo, cung điện Hoàng gia, những cửa hiệu lung linh đèn màu.

Xa khỏi trung tâm thành phố một chút là công viên tượng khỏa thân (hay còn gọi là công viên Vigeland) – nơi những vẻ đẹp tự nhiên nhất của cơ thể con người được khắc họa tài tình dưới bàn tay của Gustav Vigeland – một trong những nhà điêu khắc hàng đầu của Na Uy. 212 bức tượng tượng trưng cho các giai đoạn của con người từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, biểu hiện rõ nét các tâm trạng buồn vui, đau khổ, giận dữ, cuồng nhiệt, đam mê…

Công viên tượng khỏa thân

Trong công viên tượng thỏa thân có 212 bức tượng tượng trưng cho các giai đoạn và tâm trạng khác nhau của con người

Tượng một chú bé đang giận dữ

Ánh mặt trời và những con quỷ lùn

Mặt trời giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa dân gian ở Na Uy, gắn cả với truyền thuyết những con quỷ lùn. Nếu trong lúc ở Na Uy bạn gặp một hòn đá có hình dạng quái dị, người dân sẽ nói với bạn rằng, đó là những con qủy lùn bị hóa đá dưới ánh mặt trời. Ngày nay, chẳng còn ai tin vào sự tồn tại của chúng nữa nhưng quỷ lùn đã thành biểu tượng dân tộc và là một phần văn hóa dân gian của Na Uy. Biết đâu đấy, trên những chặng đường thăm Na Uy, trong lúc nhập nhoạng sáng tối, cảm thấy có cái gì đó bên cạnh khi bạn chỉ đi một mình, thì hãy tin là đang có những con quỷ lùn huyền thoại nhìn theo bạn.

Tượng quỷ lùn trước một cửa hàng tạp hóa

Nhiều thế hệ trẻ em Na Uy lớn lên với câu chuyện về những con quỷ lùn, những con yêu tinh mà bà và mẹ vẫn kể hàng ngày bên nôi. Núi cao, vịnh hẹp, rừng thẳm, bóng tối của những mùa đông dài và ánh sáng liên tục của những ngày hè đã làm nền cho sự tưởng tượng của người Na Uy về những con vật xấu xí, ngu ngốc, mũi to, đuôi dài, lông lá lồm xồm, sống trong rừng núi và bị nổ tung hay biến thành đá nếu gặp ánh sáng mặt trời.

Ở Na Uy mùa hè, người ta không cần phải ước cho ngày đừng qua đi, cũng chẳng cần ước cho mặt trời đừng bao giờ lặn. Còn với tôi, nếu mặt trời còn có thể mọc lúc nửa đêm, thì cái gọi là ngày – đêm, phải – trái, đúng – sai, tốt – xấu, cũng chỉ là tương đối, tùy thuộc vào tôi đang đứng ở đâu và nhìn điều đó như thế nào.

Theo Thanh Nga (PNO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *