Bên bờ hạnh phúc

Nằm sát biên giới Ấn Độ và Pakistan, Amritsar không chỉ nổi tiếng là thánh địa của các tín đồ đạo Sikh mà còn sở hữu một di sản đẹp lộng lẫy – ngôi Đền Vàng nằm trên mặt hồ thiêng.

Ngôi đền này nổi tiếng đến nỗi cái tên Amritsar của thành phố cũng bắt nguồn từ chữ Amrit Sarovar, có nghĩa là "hồ nước thần thánh".

Dù đạo Sikh chỉ là tôn giáo lớn thứ tư Ấn Độ với lượng tín đồ chỉ chiếm khoảng 2% dân số nước này, nhưng rất dễ nhận ra một người đàn ông theo đạo Sikh giữa đám đông nhờ chiếc khăn xếp lộng lẫy và trang nghiêm trên đầu. Ngày nay, dù truyền thống đội khăn xếp đang mai một, nhưng ở các đền thờ đạo Sikh, mọi người vẫn tuân thủ tục lệ che kín tóc khi vào đền. Những người phụ nữ Ấn kéo chiếc khăn trong bộ saree lên để che tóc, còn du khách chúng tôi thì trùm kín đầu bằng những vuông khăn nhỏ được phát ngoài cổng. Trước khi bước qua cửa, các tín đồ Sikh thành kính dừng lại, cúi xuống chạm tay vào bậc cửa rồi đặt tay lên trán và tim mình. Từ bên trong đều, tiếng cầu nguyện ngân nga vọng ra.

Đền Vàng trong nắng sớm

Dường như có một quy định khống chế chiều cao của các tòa nhà cạnh khu vực Đền Vàng nên từ trong khuôn viên đền nhìn ra, không thấy bất kỳ kiến trúc nào khác ngoài bốn tòa nhà dài màu trắng bao quanh hồ nước thiêng. Dưới bầu trời xanh trong trải rộng, những đoàn khách hành hương vui vẻ bước trên những lối đi lát đá trắng muốt trong tiếng cầu nguyện ngân nga như hát, đã mang đến niềm vui đơn giản và thuần khiết trong lòng cả chúng tôi, những du khách không có đạo. Cũng như sông Hằng linh thiêng trong Ấn Độ giáo, những người Sikh coi nước hồ ở Đền Vàng là nước thần, nên rất nhiều người đàn ông cởi bỏ quần áo ngoài rồi trầm mình xuống hồ, hướng về phía ngôi đền, cầu nguyện.

Không giống với các đền đài Ấn Độ giáo thường được xây bằng đá nặng nề, thánh địa của đạo Sikh có kiến trúc đơn giản, thanh thoát, nhưng lộng lẫy và tinh tế. Ngôi đền được hoàn thành vào năm 1604 này gồm tầng một xây bằng đá cẩm thạch trắng, tầng hai được mạ vàng, mái vòm được dát bằng 100kg vàng nguyên chất.

Chúng tôi theo chân các tín đồ đi một vòng quanh hồ nước rồi bước qua một cánh cổng bạc để lên cầu đi ra đền. Trên tay mỗi người đều cầm đồ lễ là ít xôi đựng trong một chiếc bát bằng lá cây khô nén chặt. Cây cầu bằng đá cẩm thạch chỉ dài khoảng 200m nhưng du khách phải nhích từng bước rất chậm. Cạnh chúng tôi, các tín đồ vừa bước vừa rì rầm cầu nguyện theo tiếng nhạc từ trong vọng ra.

Tháp đồng hồ màu trắng và lối đi dọc theo hồ thiêng

Nội thất của đền tuy không nhiều trang trí nhưng rất đẹp và tinh xảo. Do giáo lý của đạo thờ Chúa Trời không có hình thù, không có giới tính và không mang hình dáng con người nên trong đền không thờ tượng thần. Đền Vàng được xây dựng cùng thời với ngôi đền Taj Mahal nổi tiếng nên cách trang trí của hai ngôi đền cũng có nhiều điểm tương đồng. Các hoa văn trên tường Đền Vàng được mạ vàng hoặc làm bằng đá quý cẩn vào tường cẩm thạch, chủ yếu là hình hoa lá cỏ cây và các câu giáo lý.

Sau khi thăm đền, chúng tôi lướt qua khu nhà bếp phục vụ cho khách hành hương. Tất cả khách đến đền, bất kể tôn giáo nào cũng được chào đón, phục vụ ăn trưa miễn phí, có khi lên tới hàng ngàn người. Cũng chính nhờ giáo lý đề cao "tôn giáo tại tâm", đối xử bình đẳng với mọi người mà Đền Vàng, thánh địa của đạo Sikh, đã trở thành một điểm nhấn đẹp trong hành trình của du khách khắp thế giới khi đến Ấn Độ.

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *