Bên bờ hạnh phúc

Vào mùa xuân, người ta luôn luôn cắm một cành hoa mận để trang trí tại hốc tường Tokonoma – nơi quan trọng trong trà thất. Theo quan niệm của người Nhật, hoa mận tạo cảm giác ấm áp và gợi cho khách thưởng trà về những điều tốt đẹp, về sức sống đang trỗi dậy của mùa xuân.

Trong tiệc trà, khách cũng được mời dùng bánh ngọt, trong đó không thể thiếu loại bánh mô phỏng hình dáng của hoa mận.

Bánh ngọt mô phỏng hình hoa mận

Khí hậu của Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt, người Nhật dùng hình ảnh của một loài thực vật hay động vật làm đại diện cho từng mùa. Trang phục có hình trang trí hoa mận thích hợp để mặc vào mùa xuân. Đối với những chiếc kimono nền đỏ, hình ảnh hoa mận trắng giúp chiếc áo trở nên nổi bật. Ở đây, người ta không vẽ hoa văn trên áo mà sử dụng kỹ thuật thêu thủ công.

Trang phục và phụ kiện dành cho nữ giới mang hình ảnh hoa mận

Hoa mận hiện diện trên bình trà bằng gốm

Cây mận được trồng tại Nhật Bản cách nay khoảng 2 ngàn năm, nó được du nhập từ Trung Quốc cùng với cây lúa nước. Giới khoa học đã xác nhận điều này khi họ tìm thấy nhiều mẫu hóa thạch có liên quan đến cây mận tại các địa điểm khảo cổ trên khắp Nhật Bản.

Cây mận được cho là có vai trò quan trọng trong đời sống của người xưa, họ trồng chúng để làm thực phẩm. Trái mận dùng để làm gia vị và làm thuốc chữa bệnh. Người ta phơi khô những trái mận chín, bảo quản chúng cẩn thận để sử dụng dần trong năm. Mận khô có tác dụng tốt trong các bài thuốc điều trị ho, giảm đau hay cảm mạo.

Trái mận được dùng làm gia vị và thuốc chữa bệnh

Lúc đầu, hoa mận ít được mọi người để ý đến. Mãi đến thời Nara, thế kỷ thứ 8, lĩnh vực văn học, thơ ca của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ trong giới quý tộc, người ta bắt đầu cảm nhận vẻ đẹp của loài hoa này.

Cùng với hoa đào, hoa cúc là những loài hoa cao quý, hoa mận trở thành đề tài trong thi ca. Các tuyển tập thơ nổi tiếng lúc bấy giờ tràn ngập hình ảnh của loài hoa này.

Đến thời Chiến quốc Sengoku, trái mận một lần nữa làm phong phú cho nền ẩm thực Nhật Bản với sự ra đời của món mận muối umeboshi. Mận muối và lương thực là nguồn thức ăn quan trọng của các binh sĩ. Mận umeboshi bảo quản được lâu và có thể mang theo ra chiến trường dài ngày, ngoài ra nó còn có tác dụng chữa bệnh đối với những binh sĩ bị thương hay mắc phải bệnh tật.

Món mận muối có mặt trong tất cả mọi gia đình Nhật Bản và trở thành món ăn quen thuộc nhất

Không chỉ là thực phẩm hữu dụng trong thời chiến, mận muối umeboshi đã được người dân sử dụng rộng rãi sau này. Hiện nay, nó là 1 trong những món ăn điển hình của Nhật Bản.

Thời kỳ nội chiến Sengoku kết thúc, người dân Nhật Bản hưởng cuộc sống thái bình dưới thời Edo. Chính quyền Mạc Phủ lúc bấy giờ ra lệnh mở rộng các khu vườn trồng mận trên khắp cả nước như một cách để tôn vinh loài cây này.

Mận muối trở thành món ăn phổ biến trong đời sống hàng ngày của người Nhật, cả đối với tầng lớp thượng lưu lẫn dân thường. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, hình ảnh quả mận muối được xem như biểu tượng của tinh thần Nhật Bản. Học sinh được rèn luyện ý chí vượt khó bằng những bữa cơm trắng ăn kèm chỉ với 1 quả mận muối.

Những bữa cơm trắng đi kèm với 1 quả mận muối là cách mà người Nhật

rèn luyện tinh thần và ý chí vượt khó

Nhiều người còn trang trí hộp cơm trưa của mình bằng cách đặt một quả mận muối umeboshi màu đỏ lên giữa phần cơm trắng để thể hiện hình ảnh quốc kỳ của nước Nhật.
Ngày nay, người Nhật có nhiều sự lựa chọn trong việc ăn uống khi các món ăn phương Tây du nhập mạnh mẽ vào nước này. Tuy nhiên, trong bữa ăn của hầu hết các gia đình, những quả mặn muối có vị chua luôn là sự ưu tiên để hỗ trợ tiêu hóa.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *