Bên bờ hạnh phúc

Trên toàn thế giới, có lẽ Matryoshka đã được xem như kiệt tác của thủ công mỹ nghệ dân gian Nga. Những con búp bê gỗ ngộ nghĩnh được vẽ trong trang phục sặc sỡ truyền thống của Nga, con nọ được xếp trong… bụng con kia, vốn là thứ đồ chơi được trẻ em rất ưa thích.

Tuy nhiên, lịch sử của Matryoshka thì có lẽ không phải ai cũng rành. Theo sử sách, năm 1890, một người thợ tiện gỗ ở Moscow có cái tên khó đọc là Zvyozdochkin, cùng một họa sĩ tên là Malyutin, đã làm nên một bộ Matryoshka đầu tiên gồm 8 búp bê từ loại gỗ bạch hoa, và bày bán ở một cửa hiệu mang tên Giáo dục Thiếu nhi.

Trong Triển lãm Thế giới năm 1900 tại Paris, Matryoshka là sản phẩm được ưa thích nhất của nước Nga và được khách tới thăm mua như tôm tươi. Sau đó, từ năm 1910, Matryoshka được sản xuất hàng loạt tại cửa hiệu Các nghệ sĩ Tài tử ở Zagorsk – một thành phố nhỏ ở Nga và nơi đây, đến giờ, vẫn được coi là "thánh địa" của Matryoshka.

Nói thêm về xuất xứ của Matryoshka. Thoạt đầu, những con búp bê này là biểu tượng của Người mẹ, hay nói rộng hơn, Đất mẹ Đại Nga, và được làm hoàn toàn theo phương thức thủ công. Tuy nhiên, với sự phát triển của văn hóa du lịch, đến nay Matryoshka đã được làm một phần – hay toàn thể – bằng máy, và không phải ở bất cứ đâu người ta cũng tuân thủ những "chuẩn mực" truyền thống về màu sắc, mẫu hoa thị, cách vẽ tóc, mắt và trang phục của các cô búp bê này. Hiện nay, ở nhiều trường mỹ thuật, Matryoshka đã được phát triển, nâng cao. Chẳng hạn, những ai có dịp đến trường Mỹ thuật Công nghiệp Abramtzevo, có thể hòa mình vào một thế giới những Matryoshka được đẽo gọt và khắc cầu kỳ, rất nghệ thuật, không con nào giống con nào.

Dĩ nhiên, chúng ta có thể không cần phải qua nước Nga để có được loại búp bê đặc sắc này. Chúng ta có thể đặt mua Matryoshka trên mạng, giá cả có thể rất rẻ, nhưng giới hạn trên của nó thì vô cùng, và chất lượng thì cũng… rất phụ thuộc vào số tiền chúng ta bỏ ra và nhiều yếu tố khác. Cần biết thêm là, một bộ Matryoshka trên thị trường thường có từ 3 đến 12 búp bê, nhưng các bộ "siêu hạng", dĩ nhiên chỉ dành cho những "tay chơi" sành sỏi, thì có thể có tới từ 48 đến 60 con!

Bên cạnh loại búp bê Matryoshka truyền thống, những người ngoại quốc còn biết đến dạng hài hước, pha chất chính trị hoặc tôn giáo. Nó mới khởi nguồn và lan rộng trên thế giới sau khi Liên Xô cải tổ vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Chẳng hạn như loại Matryoshka mà búp bê ngoài cùng có hình dạng của tổng thống đương nhiệm Liên bang Nga Vladimir Putin, trong bụng ông là vị tiền nhiệm Yeltsin, rồi cứ như thế, Gorbachev, Brezhnhev, Khrushchev, Stalin và Lenin, tức là các lãnh tụ thượng đỉnh của Nga và Liên bang Xô-viết một thời. Có nơi, đi xa hơn, còn cho thêm các vị Nga hoàng vào bụng Lenin, và… vào bụng nhau. Hoặc, có những chuỗi Matryoshka mà các "thành viên" là các vị Thánh của Đạo Chính giáo Nga. Đấy là chưa kể đến những "biến dạng" ở ngoại quốc (và đôi khi, ở chính quê hương Nga) của Matryoshka, khi tổng thống Bush, nữ danh ca gợi tình Madonna, Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị, nam ca sĩ nổi tiếng với bước nhảy huyền thoại Michael Jackson, cùng trùm khủng bố Osama bin Laden lại bên nhau đề huề trong cùng một bộ Matryoshka!

Búp bê Matryoshka hình Tổng thống Mỹ Obama

Búp bê Matryoshka mang hình dạng của nhóm nhạc Spice Girls

Cái tên Matryoshka, đến nay, đã trở nên khá thân thuộc trong mọi mặt của đời sống. Người ta hay dùng nó để chỉ khái niệm "cái nọ sản sinh cái kia". Nhất là trong địa hạt vật lý: càng ngày, các nhà khoa học càng tìm ra được những hạt "cơ bản" mới và họ thường băn khoăn là, không hiểu những hạt "cơ bản" ấy, hạt nào là "cơ bản" hơn cả, để là con búp bê ngoài cùng trong chuỗi Matryoshka. Hay trong quy trình hủy rác thải có độ nhiễm xa cạo, người ta cũng sử dụng mô hình mang tên Matryoshka. Tuy nhiên, đối với riêng tôi, cái tên Matryoshka luôn gợi nhớ đến những thiếu nữ Nga tốt bụng, trong bộ trang phục truyền thống và với những vũ điệu làm say lòng người!

Những Matryoshka được bày bán khắp trên các cửa hàng ở Nga

Những ai có dịp sang Moscow hoặc Saint Petersburg, thả bộ trên các đại lộ nổi tiếng như Arbat hay Nevsky, chớ quên mua một bộ Matryoshka về nhà, để ghi lại dấu ấn những ngày khắc trên đất nước xa xôi, nhưng vĩ đại này!

Theo Trần Lê (Nhịp cầu thế giới)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *