Bên bờ hạnh phúc

Thương tiếc mối tình của cố nhạc sĩ Châu Kỳ và nữ sinh Nha Trang, vợ ông sáng tác thêm hai câu trong bài "Giọt lệ đài trang".

Tập ba chương trình Người kể chuyện tình giới thiệu các ca khúc của nhạc sĩ Châu Kỳ. Bà Kha Thị Đàng – vợ cố tác giả – là khách mời. 

Thí sinh Phú Quí 

 

Cặp thí sinh Phú Quí và Thu Trang trình bày liên khúc Giọt lệ đài trang – Khuya nay anh đi rồi. Tiết mục tái hiện mối tình thuở trai trẻ của Châu Kỳ và nữ sinh Đoàn Thị Sum ở Nha Trang. Cô yêu Châu Kỳ say đắm, nhưng bị gia đình, nhất là bố dượng quyết tâm ngăn cấm vì nhạc sĩ còn nghèo. Tìm mọi cách vẫn không đến được với người yêu, cô uống thuốc độc quyên sinh. Phú Quí trong vai nhạc sĩ  trình diễn Giọt lệ đài trang, còn Thu Trang hóa thân thành nữ sinh bạc mệnh qua ca khúc Khuya nay anh đi rồi.

Sau tiết mục, vợ Châu Kỳ bật khóc khi nhớ về giai đoạn đau buồn nhất trong cuộc đời cố nhạc sĩ vì mất đi người mình yêu thương. Bà tiết lộ quá trình ra đời bài hát Giọt lệ đài trang. Theo bà, vì ngưỡng mộ mối tình của chồng và cô gái, bà sáng tác thêm hai câu cuối: "Em nhớ xưa rồi em khóc/ Tôi thoáng buồn thương dòng lệ đài trang".

"Ngày cô ấy chết, anh Châu Kỳ không biết gì. Mãi đến 10 năm sau đám cưới của chúng tôi, anh ấy dẫn tôi về lại nơi xưa mới hay cô ấy đã tự tử. Tôi ra mộ cô và khóc rất nhiều. Tôi đã hứa sẽ làm cho mối tình này sống mãi với thời gian", bà kể.

 

Vợ nhạc sĩ Châu Kỳ xúc động trong chương trình.

 

Chương trình cũng giới thiệu ca khúc Con đường xưa em đi do Hà Thúy Anh thể hiện, kể về mối lương duyên của bà Đàng và chồng. Bài hát được sáng tác lúc bà Đàng đang làm việc ở nhà máy giấy Tân Mai, Biên Hòa, Đồng Nai. Sau lưng nhà máy là một con đường mòn nối liền nơi nghỉ trưa của công nhân và khu vực làm việc. Những hình ảnh này đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Hồ Đình Phương – một người bạn của hai vợ chồng – viết lời và nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác giai điệu.

Ca khúc được sáng tác khoảng năm 1967-1968. Đến năm 2007, khi sức khỏe nhạc sĩ Châu Kỳ yếu dần, vợ chồng ông quyết định sửa vài ca từ để bài hát được phổ biến hơn. Bài hát được sửa hai chỗ: chữ "chiến trường" được chuyển thành "lối mòn", "phiên gác" thành "thao thức". Hồi tháng 4, ca khúc cùng nhiều bài hát sáng tác trước 1975 bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấm lưu hành vĩnh viễn vì cho là dị bản, nhưng sau đó đã cho phép lưu hành trở lại.

Giám khảo – danh ca Phương Dung khen Hà Thúy Anh "hát xuất thần". Vượt qua 5 thí sinh trong đêm thi, cô đạt số điểm cao nhất.

Châu Kỳ sinh năm 1923, được biết đến với loạt ca khúc Bolero nổi tiếng như Con đường xưa em điGiọt lệ đài trangKhuya nay anh đi rồiThương về miền Trung… Ông qua đời năm 2008. Trước khi nhạc sĩ Châu Kỳ mất, vợ ông đã viết cuốn hồi ký Thi Đàng kỳ duyên, kể về 300 ca khúc do chồng mình sáng tác. 

Nguồn: Tam Kỳ (VnE )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *