Bên bờ hạnh phúc

Trong hồi ức về thời thơ bé của ca sĩ Tùng Dương, bà ngoại vẫn chưa quên trận đau bụng nhớ đời, những lần theo bà đi biểu diễn ở cơ quan hay tự làm ca sĩ trên giường của ông ngoại… Nhưng điều mà bà nhớ hơn cả là ở giai đoạn trưởng thành, Dương đã được sống trong một gia đình "trong vắt bầu giáo dục" – cách dùng từ của bà khi kể chuyện về cậu cháu yêu.

 

Cái ngày Tùng Dương nhỏ tí…

Mới được mấy tháng đã bị đau bụng, ông bà và mẹ đưa Tùng Dương đi khám nhiều nơi. Có những lúc vô vọng, tưởng như sự sống của đứa bé khó giữ nổi. Chạy vạy khắp nơi từ sáng, trưa rồi đến chiều mà mỗi nơi chuẩn đoán bệnh lại khác.

May mắn thay, tìm được người quen làm bác sĩ, họ nhiệt tình chữa trị và đưa cháu nhập viện ngay lập tức. Sau này, ông ấy nói, nếu đưa Dương đi quá lâu mà không có kết quả thì có lẽ cậu bé khó sống được đến bây giờ.

Tùng Dương không chỉ hát được nhạc hiện đại mà còn say mê các ca khúc quan họ, các làn điệu ca trù.

Người bạn và người thầy dạy đầu tiên chính là mẹ và bà ngoại. Bà ầu ơ đưa nôi ru Dương vào giấc ngủ với những làn điệu quan họ mượt mà đằm thắm.

Bà ngoại Dương là Trần Thị Lương, ở Sen Hồ, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Bà vốn là một cô gái quan họ và thường xuyên theo chị em đi hát phục vụ công chúng. Ông ngoại làm ở sở điện lực, khá say mệ âm nhạc.

Ngày Tùng Dương ba bốn tuổi hay theo bà đi biểu diễn ở cơ quan (hồi đó bà còn ở Bắc Giang). Cậu bé thỉnh thoảng, góp vui với bà, biểu diễn những bài quan họ như: “Người ở người về”, “Còn duyên” hay bài hát của thiếu nhi ,“Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, khiến khán giả lớn tuổi cỗ vũ nhiệt tình.

Một hôm, được mẹ dẫn đến bà ngoại chơi, thấy bà biểu diễn hay quá, Tùng Dương nằng nặc đòi bà cho làm ca sĩ đứng trên sân khấu.

Bà chiều cháu, liền lấy những tấm vải màu quấn quanh người để trông giống liền anh mặc áo hát quan họ. Sân khấu là giường của ông. Nghệ sĩ tí hon tha hồ biểu diễn.

Thiếu micro, bà phải lấy ống bơ và nhờ ông đục lỗ cho rồi nối thêm với một đoạn dây điện. Thế là cả ngày hôm ấy, cậu tha hồ biểu diễn trên một sân khấu “cực kì hoành tráng”. Tùng Dương say mê hát như quên cả mọi người xung quanh….

Sống ở gia đình "trong vắt một bầu giáo dục"

Những năm tháng bố mẹ sang Nga công tác, Tùng Dương lại chuyển đến ở với gia đình bác ruột.

Bà ngoại tự hào khoe, đó là nền tảng tốt rèn giũa con người Tùng Dương có được như ngày hôm nay.

Ông bà đã ví von gia đình bác Tùng Dương “trong vắt một bầu giáo dục”. Bác trai và bác gái đều là giáo viên giỏi có tiếng ở trường cấp ba tại Hà Nội.

Hai chị gái đều là những học sinh giỏi và say mê học tập. Mỗi lần, Tùng Dương đi biểu diễn đều được bác chăm lo cho từ sức khỏe, tinh thần, trang phục đến giọng hát.

Ngày Tùng Dương đi tham dự cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn", có hậu phương vững chắc ngồi dưới nên cậu cứ say mê hát và ẵm luôn giải do Hội đồng nghệ thuật trao tặng.

Bà nói: “Đi biểu diễn hay đi đâu Tùng Dương cũng nhờ người nhà tư vấn trang phục. Tùng Dương không thích khen mà thích chỉ ra các khuyết điểm khi đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ khán giả".

Bà nhớ có những ngày, Dương phải thức đến ba bốn giờ sáng để luyện thanh cho bài hát sáng ngày mai biểu diễn.

Bà còn kể thêm, tuy đã là nghệ sĩ thành danh rồi nhưng Tùng Dương vẫn không ngừng say mê lao động và học tập.

“Có bao nhiêu tiền, Tùng Dương chọn mua đĩa nhạc hết, ở nhà, phải chục nghìn đĩa nhạc. Dương nói phải cập nhập tác phẩm và học cái hay của các nghệ sĩ khác hàng ngày”.

Cách ăn mặc, những bộ trang phục quần áo biểu diễn nhiều người cho đó là phong cách rất “quái”, nhưng dưới con mắt của bà, với Dương, luôn là sự khổ công trong chọn lựa.

Hát bài “Con cò” phải mặc bộ quần áo màu trắng có lông như lông cò để minh họa hình tượng, khi đó khán giả sẽ nhờ vào hình ảnh mà nhớ bài hát hơn. Những bài hát khó như “Mưa bay tháp cổ” cũng phải chọn phù hợp với nội dung bài hát chuyển tải.

Nhưng điều mà bà thấy mãn nguyện hơn cả là cậu cháu ngoại "đã thành người trước khi là một nghệ sĩ nổi tiếng".

Bây giờ, sống ở Hà Nội cùng con cháu, mỗi lần Tùng Dương biểu diễn, bà ngoại luôn là người khán giả nhiệt tình nhất cổ vũ và ủng hộ cho Dương.

Có những hôm biểu diễn tới tận khuya, bà vẫn kiên trì ngồi nơi hàng ghế khán giả và mỉm cười lên sân khấu, nơi có “nghệ sĩ tí hon” của mình đang say sưa cất lên giọng hát phục vụ khán giả cả nước.

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *