Bên bờ hạnh phúc

Bận rộn với lịch quay phim, diễn kịch, tập vở mới, nhưng diễn viên – á hậu Trịnh Kim Chi cũng đã kịp hoàn tất những thủ tục cuối cùng để ra mắt hai sân khấu kịch cà phê mới tại 69 Phạm Ngọc Thạch Quận 3 (ngày 28/6) và số 1 đường Quang Trung, P.10, Quận Gò Vấp (ngày 29/6). Thấy chị tất bật ngược xuôi chuẩn bị sân khấu, khán phòng, tiết mục, vở diễn… ở cả hai sân khấu, không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên với cảm giác “Phải chăng chị quá ôm đồm?”.

Vẫn nhẹ nhàng, cởi mở như bản tính vốn có của chị từ ngày mới bước chân vào nghệ thuật, Trịnh Kim Chi chia sẻ: “Sân Khấu (SK) kịch cà phê KC được ra đời từ đam mê sân khấu của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những bạn đã tốt nghiệp các lớp đào tạo diễn viên kịch nhưng vẫn chưa tìm được đất lành. Mở SK kịch cà phê KC, tôi ấp ủ kỳ vọng đây sẽ là nơi các em có thể được trực tiếp cọ xát với các vai diễn, với khán giả để tích lũy thêm kinh nghiệm, bản lĩnh và có đủ tự tin khi đứng trên một SK lớn hơn. Đồng thời đây cũng là nơi giúp các diễn viên trẻ có cơ hội thể hiện mình để có thể đi xa hơn nữa trên con dường mình đã chọn”.

* Các sân khấu lớn dù đã xây dựng được thương hiệu vẫn đang loay hoay tìm kiếm khán giả với tâm trạng “SK sẽ không còn khán giả một ngày không xa”. Nhưng chị lại khai trương đến hai SK mới cùng một lúc?

Cho đến giờ phút này, SK kịch cà phê KC vẫn nhắm đến mục đích lớn nhất là được thỏa mãn niềm đam mê nghề nghiệp của những diễn viên trẻ mà không đặt vấn đề lợi nhuận. Thực tế cũng đang cho thấy SK đang rơi vào tình trạng khan hiếm khán giả. Nhưng SK lớn đôi khi khó kéo khán giả, SK kịch cà phê với không gian nhỏ hơn, ấm cúng hơn và gần hơn với thói quen họp mặt bạn bè ở quán cà phê của giới trẻ có thể lại có lợi thế khác.

Không cần mất quá nhiều thời gian, với số tiền vừa phải, các bạn trẻ có thể vừa nhấm nháp một ly cà phê, vừa thưởng thức một vở kịch mang lại cho họ những cung bậc cảm xúc khác nhau. Do vậy, chúng tôi cũng có một ước mơ lớn hơn đó là tạo cho các bạn trẻ làm quen và yêu thích loại hình sân khấu kịch nói để dần dần yêu thích hơn loại hình nghệ thuật này thay vì chỉ thích đến rạp xem phim.

* Nhắm đến khán giả trẻ, chị dự định sẽ xây dựng SK của mình theo phong cách nào?

Như đã nói, tôi ấp ủ giấc mơ có thể góp phần giúp khán giả yêu hơn sân khấu kịch nói nên những vở diễn của SK kịch cà phê KC sẽ được dàn dựng với nhiều phong cách khác nhau: hài kịch, kịch ma, hình sự, trinh thám… Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ dàn dựng những vở diễn đề tài lịch sử, cách mạng… để phục vụ khán giả trong những ngày lễ lớn của đất nước. Tuy nhiên tôi nghĩ điều quan trọng nhất để thu hút và giữ chân khán giả, nhất là những người trẻ lại không tùy thuộc vào phong cách của vở diễn mà phụ thuộc nhiều vào nội dung kịch bản. Nếu chọn được những đề tài gắn liền với thực tế đang diễn ra trong cuộc sống của giới trẻ hay những vấn đề họ quan tâm, vở diễn dù ở thể loại nào cũng sẽ được khán giả đón nhận.

* Tất cả các nhà quản lý đều cho biết “SK không có sao sẽ không có khán giả”, nhưng SK của chị lại toàn các học viên vừa vừa tốt nghiệp. Có vẻ như chị đang phải giải bài toán rất khó?

Cả hai SK đều là sân chơi cho các bạn trẻ yêu và khát khao làm nghề hơn là nơi kinh doanh nghệ thuật. Từng trải qua giai đoạn long đong tìm sân khấu sau ngày tốt nghiệp, tôi hiểu tâm trạng của những “diễn viên mới ra lò” của ngày hôm nay. Hàng năm đều có một đội ngũ diễn viên không nhỏ tốt nghiệp từ trường SK hoặc các lò đào tạo. Rất nhiều người trong số họ thực sự là những tài năng nhưng lại không có sàn diễn để chứng minh khả năng của mình.

Tôi tin với tài năng và lửa nghề của các bạn trẻ, họ có đủ sức chinh phục những khán giả của SK kịch cà phê, những đối tượng khán giả không quá khó tính và dễ cảm nhận những thông điệp, những lời nhắn gửi từ các diễn viên cũng trạc tuổi mình. Đó cũng sẽ là một “phong cách” rất riêng của SK kịch cà phê KC.

Á hậu Kim Chi rất tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội

* Nhưng dường như chị không chỉ nhận các diễn viên mới tốt nghiệp về SK mà còn mở cả lớp đào tạo của riêng mình?

Về lâu về dài tôi muốn chủ động hơn về mặt diễn viên ở SK của mình, tránh tình trạng SK cứ luôn bị động vì DV còn bận chạy show đang rất phổ biến ở các SK hiện nay. Nếu diễn viên do mình đào tạo thì khả năng họ sẽ gắn bó với SK cao hơn, đồng thời quá trình đào tạo cũng sẽ giúp chúng tôi “uốn nắn” DV theo tiêu chí phát triển của SK mình và sớm phát hiện những “nhân tố” mới để “đầu tư” thành “hạt nhân” cho SK.

Tôi đã có một lớp đào tạo từ khi mở SK kịch cà phê đầu tiên. Tuy nhiên do SK này nhỏ hẹp và không gian xung quanh lại quá ồn ào nên tôi phải tạm dừng biểu diễn. Khi ổn định hai điểm diễn mới, tôi sẽ tiếp tục tuyển sinh cho khóa đào tạo thứ hai.

* Vừa mở SK, vừa mở lớp đào tạo DV, cảm giác như chị đang làm kinh doanh? Mà kinh doanh thì khó bỏ qua yếu tố doanh thu?

Mê làm SK, hiểu và thương các bạn trẻ đang nuôi ước vọng được trở thành DV, nhưng tôi không thể bỏ tiền túi của mình để “chắp cánh” ước mơ cho các bạn. Mà nếu có đi chăng nữa thì liệu sẽ duy trì trong bao nhiêu lâu? Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho sân khấu cũng khá cao từ việc sửa sang đến trang bị hệ thống âm thanh, ánh sáng, cách âm, trang thiết bị… Mỗi khán phòng với sức chứa trên dưới 100 khán giả, giá vé xem kịch và nước uống chỉ 90.000đ – 100.000đ/người.

Học phí cho lớp đào tạo DV là 3,5 triệu/khóa 2,5 tháng với đội ngũ giảng viên gồm: NSƯT Hữu Châu, NSƯT Công Ninh, Minh Nhí, Hữu Tiến, Hạnh Thúy, ĐD Xuân Phước… Học viên sẽ được học các bộ môn kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, hóa trang, hình thể. Nếu đặt nặng việc phải kiếm lời chắc tôi đã phải tính toán lại. Nhưng đương nhiên, khi bỏ tiền đầu tư tôi cũng phải cân nhắc, suy nghĩ để SK của mình có thể trụ được lâu dài.

Nhóm từ thiện Gọi yêu thương của Trịnh Kim Chi

* Không chỉ mê làm nghệ thuật, chị còn rất hay tham gia công tác từ thiện và mở quỹ từ thiện riêng với tên “Gọi yêu thương”?

Người Việt Nam vốn sống nhân ái, luôn nhường cơm sẻ áo cho những người còn khó khăn trong cuộc sống. Tôi cũng là người Việt Nam, cũng chịu ảnh hưởng bởi đức tính tốt đẹp đó của cha ông. Tôi có lợi thế hơn vì là người của công chúng, có thể dễ dàng hơn trong việc kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh không may. Làm được gì để mang lại những nụ cười hạnh phúc cho mọi người thì mình cứ cố gắng làm thôi.

Ở nhóm Gọi yêu thương thì tôi chỉ là người kết nối, còn lại, đó là tấm lòng của tất cả mọi người. Nhân đây tôi cũng xin được cám ơn tất cả những người đã cùng tôi và nhóm Gọi yêu thương đồng hành trong suốt những chương trình từ thiện vừa qua.

* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện và xin chúc chị thành công với các sân khấu mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *