Bên bờ hạnh phúc

Tuần này, Nông Dân Xin Chào sẽ đưa khán giả ghé thăm Vĩnh Long với nông dân Nguyễn Thanh Tân. Sau đó khán giả sẽ đến Vũng Tàu với nông dân Lâm Ngọc Nhâm và cuối cùng là nông dân Huỳnh Đức Huệ (Đồng Nai) trong tập 15.

Thu hút sự quan tâm và theo dõi của người xem bởi sự tính cách thật thà, mộc mạc và chân phương của người nông dân, Nông Dân Xin Chào không chỉ là sân chơi giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho những người nông dân mà thông qua đó chương trình còn mong muốn kết hợp quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu những làng nghề truyền thống đến với khán giả truyền hình, ca ngợi tinh thần hăng say làm việc của con người Việt Nam.

Tại đây, người nông dân còn có cơ hội gặp gỡ cùng những nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực như ca hát, nhảy múa, diễn xuất, ảo thuật,… để cùng hát ca, giao lưu, thể hiện tài năng sau những giờ làm việc căng thẳng.

Mỗi tập phát sóng của Nông dân xin chào có cấu trúc gồm 3 phần. Phần 1 phác họa chân dung và thành tựu của nhân vật. Phần 2 là giao lưu về con đường đi đến thành công, những sáng tạo, sáng chế đột phá giúp phát triển ngành, lĩnh vực mà người nông dân đó đang tham gia sản xuất. Cuối cùng là phần giao lưu cùng các nghệ sĩ nổi tiếng.

Đầu tiên, khán giả được ghé thăm Long Hồ, Vĩnh Long với sự tham gia của anh Nguyễn Thanh Tân (Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Lươn công nghệ cao Vĩnh Long). NSND Kim Xuân đảm nhận vai trò host – người kết nối câu chuyện.

Trải qua hành trình đầy gian khổ và khó khăn, anh Tân khởi nghiệp thành công khi tạo ra bước đột phá cho nghề nuôi và sản xuất lươn giống với doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm. Với mong muốn làm giàu cho bản thân và phát triển quê hương, anh Tân đã tìm hiểu thông tin về lươn. Ở thời điểm đó, số lượng lươn ngoài tự nhiên đang dần cạn kiệt. Thấy được giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế mà lương mang lại, anh Tân đã quyết định từ bỏ công việc của một giám đốc với mức thu nhập cao để quay trở về quê làm nông nghiệp.

Nông dân Thanh Tân chia sẻ bí quyết khởi nghiệp thành công: “Trong quá trình khởi nghiệp, theo Tân yếu tố may mắn dưới 10%, phần còn lại là do nỗ lực của bản thân. Khi thực hiện mô hình này Tân đã tìm hiểu rất là kỹ và luôn tin vào bản thân của mình. Khi thất bại mình luôn mổ xẻ, tìm hiểu nguyên nhân rồi rút ra kinh nghiệm cho lần sau”.

Anh Tân cho rằng thành công hiện tại là thành quả của cả hai vợ chồng vì “thuận vợ thuận chồng, tát biển đông cũng cạn”. Kết thúc phần trò chuyện, anh cùng ca sĩ Tùng Anh thể hiện ca khúc “Vợ tôi” đầy tình cảm. Thông qua bài hát, anh muốn gửi lời cảm ơn đến vợ vì đã là hậu phương vững chắc để anh chuyên tâm phát triển. Khoảnh khắc tỏ tình của nông dân này khiến người xem xúc động.

Kết thúc câu chuyện của anh Nguyễn Thành Tân, khán giả tiếp tục ghé thăm nông dân Lâm Ngọc Nhâm đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu. Anh được mệnh danh là nông dân tỷ đô của Việt Nam.

Khởi nghiệp nơi đất khách quê người, anh Lâm Ngọc Nhâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp – Thương mại – Du lịch Bầu Mây, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã trải qua biết bao khó khăn, vất vả, thất bại và thành công đan xen. Nhưng với niềm tin, khát vọng cháy bỏng và sự đam mê trong công việc cùng ý chí kiên trì, anh đã xây dựng thành công mô hình trồng tiêu Bầu Mây mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hợp tác xã của anh trở thành nhà cung cấp tiêu Bầu Mây số 1 của Việt Nam và cho các nước trên thế giới như: Nhật Bản, Dubai, Mỹ… Từ hồ tiêu Bầu Mây tạo ra các sản phẩm chất lượng khác biệt có giá trị rất cao.

Với tình yêu và tâm huyết dành cho nông nghiệp, nông dân Lâm Ngọc Nhâm đã đạt được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ như: Huân chương lao Lao động hạng 3, Tiêu Bầu Mây đạt liên tiếp 3 năm liền sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu toàn quốc 2014, 2015, 2016.

Kể về quá trình “thai nghén” ra giống tiêu Bầu Mây, anh hồ hởi: “Trước đây, nhà tôi trồng các loại cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp (cà phê) nhưng năng suất không cao do làm theo phương thức truyền thống. Bên cạnh đó giá bán bấp bênh vì bị thương lái ép giá. Tôi nghĩ mình cần làm việc gì đó để thay đổi và may mắn lúc đó trong vườn trồng rất nhiều giống tiêu khác nhau. Trong đó có một loại tiêu khỏe mạnh năm nào cũng cho năng suất cao. Sau đó mình mới cắt dây tiêu này ra chờ cho nó lên 18 tháng rồi cắt ra làm giống”.

Từ ước mơ tìm một giống cây tốt để phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình, sau khi xây dựng thành công thương hiệu tiêu Bầu Mây, anh Ngọc Nhâm muốn nhân rộng mô hình này cho bà con bằng cách mở hợp tác xã, các câu lạc bộ, cộng đồng để từ đó giúp người nông dân làm giàu. Lắng nghe câu chuyện của khách mời, NSƯT Vũ Thành Vinh ngẫu hứng làm thơ tặng người nông dân: “Ngày ngày cần mẫn dệt ước mơ – Bầu mây lộng gió bốn phương trời”. Sau phần giao lưu, nông dân Lâm Ngọc Nhâm trổ tài nấu chè Hoài Sơn kết hợp với tiêu và mời NSƯT Vũ Thành Vinh thưởng thức.

Cuối cùng là nông dân Huỳnh Đức Huệ đến Đồng Nai. Ông Huệ là người đầu tiên phát minh ra sản phẩm rượu bưởi, là người sáng lập ra khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều (được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam công nhận là top 10 Thương hiệu du lịch văn hóa).

Khi mới thành lập, khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều chỉ có vườn bưởi và vài cái chòi lá, quầy bếp. Để có thêm diện tích trồng bưởi và làm chòi cho du khách vui chơi, từ 1,1 hecta đất ban đầu ông đã mở rộng diện tích khu du lịch lên đến gần 2 hecta. Trung bình mỗi ngày cuối tuần, khu du lịch thu hút cả ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Nhờ sự phát triển của khu du lịch sinh thái Làng bưởi Tân Triều mà đời sống của bà con nông dân ở đây ngày một tốt hơn.

Đặc biệt, rượu bưởi là sản phẩm độc đáo do ông tự chế biến. Ông bỏ thời gian đi học hỏi từ cách ủ rượu nho, rượu dâu. Mỗi mẻ ủ, ông mất khoảng 7 tháng. Sau đó ông mời những người khách, người bạn đến nếm thử rồi đóng góp ý kiến. Sau nhiều lần, ông mới có được mẻ rượu ngon như ý. Rượu bưởi được đựng trong bầu gốm hình trái bưởi trông rất bắt mắt. Vào dịp cuối năm, mỗi tháng ông phải sản xuất cả ngàn bình rượu bưởi mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Sau cuộc trò chuyện, khán giả được thưởng thức một tiểu phẩm hài trong đó có sự tham gia diễn xuất của nông dân Huỳnh Đức Huệ. Qua tiểu phẩm, người xem phần nào biết được quy trình sản xuất rượu bưởi Năm Huệ. Cuối chương trình, Ông Huệ nhắn nhủ với thế hệ trẻ, người sẽ tiếp nối ông gìn giữ cái tên làng bưởi Tân Triều: “Nối tiếp cách làm của tôi, từ từ không cần vội vã. Từ các dịch vụ đến những món ăn, các sản phẩm chất lượng ngày càng được nâng lên chứ không chỉ là chạy theo doanh thu”.

Trong 3 tập tiếp theo, khán giả sẽ có dịp ghé thăm nông dân Dương Xuân Quả, Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Huy Phương. Nông dân xin chào do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp cùng Truyền thông Khang thực hiện. Chương trình sẽ được phát sóng lúc 7h15 thứ 6 – 7 – CN hàng tuần trên THVL1. Tập 16 – 17 – 18 phát sóng từ ngày 28/5 đến 30/5.

Theo doisongvanhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *