Bên bờ hạnh phúc

Dòng chảy sông Hồng

Với hầu hết ca khúc đã ra mắt tại live show năm ngoái, album Một khúc sông Hồng là dòng chảy của những cảm xúc về Hà Nội. Hai ca khúc Hà Nội của tôi ơi và Một khúc sông Hồng được chắp cánh bởi hai giọng ca hàng đầu: Thanh Lam và Tùng Dương. Hà Nội của tôi ơi có thể coi là ca khúc hay về Hà Nội, nói đúng hơn – Hà Nội mở rộng… “Hà Nội lại có thêm những phố phường/Tiếp những con sông, những con suối và những núi đồi/ Hà Nội lại có thêm những người con gái không nói tiếng Kinh, không nói tiếng Việt mà nói tiếng núi rừng…”. Lê Minh Sơn phát hiện thật hóm hỉnh về những người con gái dân tộc Mường ở Hòa Bình “nói tiếng núi rừng”.

 

Ca khúc Một khúc sông Hồng mang âm hưởng bi hùng: “Bên dòng sông ấy cứ chảy như thời gian, lênh đênh như thời gian, cô đơn như thời gian/Bên dòng sông ấy, bao linh hồn ngược xuôi, bao lầm than ngược xuôi…”. Sông Hồng – chứng nhân của lịch sử, chảy vào câu hát của Lê Minh Sơn khiến có người cảm động rơi nước mắt. Ngoài ra, một số ca khúc mới lần đầu được giới thiệu: Cò về phố, Rét đầu mùa, Ổi ương đầu cành... NS 35 tuổi này chia sẻ, Hà Nội mở rộng đã đem đến cho anh những cảm xúc tươi mới hơn, thổi vào câu hát của anh hương vị nồng nàn của làng quê VN…

Đối diện với chính mình

Khi âm nhạc trong nước còn mênh mang giữa những giai điệu của nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… những ca khúc (tạm gọi) dân gian đương đại của anh tạo ra một xu hướng âm nhạc, dù trước đó các NS đàn anh có những sáng tác theo thể loại này. Sơn cho rằng, đó là xu hướng âm nhạc cập nhật với thế giới mà vẫn mang chất Việt. “Tôi không muốn chỉ viết một vài bài theo bản năng mà muốn một ngã rẽ thật sự để đối diện với chính mình. Tại sao cứ phải chạy trốn những gì mình đang có? Nhưng muốn lối rẽ thành đường đi của mình thì phải ăn ở và sống với nó như hơi thở của mình”, Sơn tâm sự.

Hỏi Lê Minh Sơn, có thể gói gọn con đường âm nhạc của anh trong mấy chữ “dân gian đương đại?”, anh thủng thẳng: “Người ta gọi âm nhạc của tôi là dân gian đương đại. Tôi không quá chú trọng đến cách gọi tên hay đặt khái niệm. Tôi chỉ biết vùng miền mình sinh ra và tiếp thu những nét đẹp của phương Tây để đưa vào âm nhạc. Tôi không muốn viết về “nhà quê” với cái nhìn quá cũ, giống như người quê không hẳn cứ phải áo the khăn đóng hay quần nâu chân đất”.

Sơn vừa có chuyến đi ý nghĩa đến Trường Sa. Thăm đảo Đá Tây, anh nghẹn lời, không hát được, nước mắt trào ra vì thương những người lính đảo. Đến đảo Sinh Tồn, anh được chỉ cho chỗ giếng nước ngọt tắm nhưng nước vẫn mặn chát như nước biển. Lại thấy lòng nghẹn đắng. Sơn kể, qua câu chuyện với những người trên đảo, anh thấy có người còn thèm được nghe thứ âm thanh bình thường nhất của cuộc sống là tiếng động cơ xe máy, tiếng còi xe… Chuyến đi dâng lên trong anh nhiều cảm xúc. “Tôi phả vào ca khúc hơi thở của thời đại mình đang sống bằng tất cả tình yêu với những gì nhỏ bé, thân thuộc nhất… Rồi những bài hát ra đời như duyên phận. Có những bài được khán giả thích và chúng tồn tại hay không tồn tại không do người sáng tác quyết định nữa, nhưng chúng in dấu một mảng đời sống tâm hồn tôi gắn với những cảm xúc lên men từ chính cuộc sống”, anh chia sẻ.

Theo PNO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *