Bên bờ hạnh phúc

Ngành giải trí không còn sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Khi thị trường chỉ còn lèo tèo những live show cá nhân, showbiz Việt bế tắc là hệ quả tất yếu.

Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio, khẳng định: “Với ngành giải trí hiện nay, các bầu sô và nhà đầu tư không còn dám mạo hiểm nữa”.

Không chỉ có ca sĩ, nhóm hát mà nhiều chương trình biểu diễn cũng phải hủy bỏ, dù có chương trình đã gần như hoàn chỉnh kế hoạch, chỉ vì không tìm được nhà tài trợ. Trong khi đó, nhà tài trợ phải hủy bỏ kế hoạch đầu tư cho chương trình vì không xoay xở được kinh phí.

 

Chỉ khi nào tìm được nhà tài trợ, các nhà đầu tư mới dám làm chương trình

Hết dám liều lĩnh

Một trong những lý do chính khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà với việc kinh doanh ngành giải trí bởi với tình hình hiện tại, đây là một công việc rất mạo hiểm.

Bà Trương Thị Thu Dung, Giám đốc Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông, cho biết: “Thị hiếu của đại đa số khán giả hiện nay cao hơn trước rất nhiều. Dù giá vé chỉ vài chục ngàn đồng đến 100.000 đồng nhưng nếu chương trình lắp ghép, thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự can thiệp của đạo diễn có nghề, chắc chắn sẽ ít người xem và chương trình đó sẽ lỗ”.

Đại diện các công ty tổ chức Sóng nhạc, Musicbox, Tiếng hát Việt, Nhạc xanh… đều khẳng định: “Kinh phí tổ chức một chương trình biểu diễn hiện cao hơn rất nhiều so với trước đây bởi tất cả phải được chăm chút kỹ lưỡng, từ âm thanh, ánh sáng hiện đại, đạo diễn có nghề đến việc phải có những ý tưởng mới lạ, khác biệt. Nếu không đáp ứng được những yếu tố cơ bản đó, chắc chắn những người làm chương trình sẽ tự đào thải mình”.

Ông Huỳnh Tiết thừa nhận: “Chẳng ai dại gì lao vào ngành kinh doanh chỉ có lỗ với lỗ này nữa, bởi vốn đầu tư cho một chương trình ca nhạc quá lớn mà khán giả lại không quen bỏ nhiều tiền để mua vé thưởng thức. Đó là chưa kể số ghế ngồi ở các sân khấu, tụ điểm rất hạn chế. Vì vậy, dù có tâm huyết đến cỡ nào thì các nhà sản xuất, bầu sô cũng không dám liều lĩnh”.

Từ lỗ tới lỗ, showbiz Việt ngày càng thiếu hẳn những chương trình biểu diễn, trừ các live show ca sĩ tự đầu tư tổ chức. Bởi, nói như Hồ Quỳnh Hương “chẳng ai dại gì đầu tư vào chỗ mà biết chắc sẽ lỗ”.

Khó trăm bề

Nhiều nhà đầu tư cố tìm cách tháo gỡ trước tình trạng thiếu vắng khán giả bằng cách mời các giọng ca hải ngoại về biểu diễn. Trong vài chương trình đầu tiên, khán giả đã ồ ạt kéo đến xem những thần tượng một thời, như: Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lệ Thu, Ý Lan…, dù giá vé cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, chỉ đến các chương trình sau, khán giả thưa dần rồi vắng hẳn, bởi giá vé quá cao, khoảng 2 triệu đồng.

Ngay cả với trường hợp ca sĩ Thanh Bùi khá nổi tiếng chuẩn bị ra mắt khán giả VN vào ngày 24-4 tới, với giá vé đến 100 USD, khó để khán phòng của Villa FB đông khán giả. Do đó, giọng ca hải ngoại thời gian gần đây thưa thớt dần.

Một nhà đầu tư đã quyết định hủy cả chương trình biểu diễn của mình vì một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng đã yêu cầu mức thù lao 4.000 USD cho 2 đêm diễn.

Với các nhà đầu tư, vấn đề đau đầu trong quá trình thực hiện chương trình không chỉ có kinh phí tổ chức, thù lao ca sĩ mà còn hàng trăm cái khó không tên khác. Đơn cử như việc đóng tiền tác quyền ca khúc.

Trong cuộc họp tổng kết tài chính năm 2009 của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN, các thành viên của hiệp hội tiếp tục kiến nghị thay đổi quy trình đóng tiền tác quyền áp dụng cho nhà sản xuất băng đĩa và tổ chức biểu diễn.

Theo đó, thay vì phải đóng tiền tác quyền ca khúc cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN trước khi đi xin phép biểu diễn từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN đề nghị được cấp phép biểu diễn trước, sau đó mới đóng tiền tác quyền dựa trên danh sách ca khúc sở cho phép.

Giải thích về kiến nghị này, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm VN cho rằng để tránh tình trạng những ca khúc đã đóng tiền tác quyền nhưng không được phép biểu diễn hoặc ca sĩ sẽ thay đổi vào giờ chót. Tuy nhiên, quan trọng hơn, quy trình đóng tiền tác quyền mới có giấy phép từ sở (dựa theo biên nhận) đôi khi trở thành áp lực cho thời gian chuẩn bị chương trình…

Đã không có lãi lại gặp nhiều khó khăn, sự quay lưng của các đơn vị tổ chức biểu diễn trong việc đầu tư kinh doanh ngành giải trí là điều dễ hiểu. Khi thị trường chỉ còn lèo tèo những live show cá nhân, showbiz Việt bế tắc là hệ quả tất yếu.

Cắn răng làm live show cá nhân

Dù biết chắc sẽ lỗ nhưng nhiều ca sĩ vẫn phải cắn răng chịu đựng làm live show vì mục đích quảng bá hình ảnh cá nhân. Bà Lương Minh Hồng, Công ty Tiếng hát Việt, chia sẻ: “Huề vốn với những chương trình này đã là một phép màu”.

Mới đây, live show Thiên thần trong đêm của ca sĩ Dương Triệu Vũ có mức đầu tư lên đến l,6 tỉ đồng và dù 4.000 chỗ ngồi ở Trung tâm Ca nhạc Lan Anh không còn chỗ trống thì doanh thu cũng chỉ 600 triệu đồng.

Live show Music of the night của ca sĩ Đức Tuấn có mức đầu tư l,4 tỉ đồng nhưng số tiền thu về chỉ ngót nghét 500 triệu đồng, dù khán giả ngồi chật cứng Nhà hát TPHCM.

Ông Đặng Phú Hải, người tổ chức chương trình Music of the night, thổ lộ: “Không ai dám nghĩ đến việc gỡ vốn từ một live show cả nhưng ca sĩ vẫn phải làm bởi đó là công việc tất yếu của nghề”.

Trong khi đó, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, người đầu tư live show của Dương Triệu Vũ, tâm sự: “
Live show này được thực hiện với mục đích duy nhất là giới thiệu giọng hát Dương Triệu Vũ. Kiếm lời ở một chương trình ca nhạc hiện nay là điều không tưởng”.

Không chỉ có ca sĩ trẻ mà những ngôi sao như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương…, khi tổ chức live show vẫn lỗ dù thu hút cả biển người.

Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương bộc bạch: “Thuyền lớn thì sóng lớn. Mình càng muốn làm chương trình hoành tráng, mức đầu tư càng cao thì lỗ sẽ càng nhiều”.

Theo nld

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *