Bên bờ hạnh phúc

Không hiểu sao, mỗi lần ghé qua căn nhà nhỏ xinh ở ngách 46, ngõ 30, phố Tạ Quang Bửu để gặp danh hài Minh Vượng , tôi cứ có chút liên tưởng vu vơ tới hai người đàn bà trong truyện ngắn "Hai người đàn bà xóm Trại" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Vẫn biết, sự liên tưởng ấy là không có căn cứ, là khập khiễng bởi hai người đàn bà xóm Trại đã sống trong những năm tháng chiến tranh, đã chờ đợi trong khắc khoải hy vọng, rồi trong đau buồn tuyệt vọng hai người đàn ông của họ ở chiến trường không bao giờ trở về. Còn hai người đàn bà nơi đây sống giữa thủ đô Hà Nội trong căn nhà đầy đủ tiện nghi của thời hiện đại không quá buồn, nhưng cũng không quá vui, không chờ đợi một ai sẽ trở về cũng không thất vọng bởi không còn sự chờ đợi. Hai người đàn bà trong căn nhà này tự thắp lửa trong trái tim không bao giờ già, không bao giờ mòn cũ để sưởi ấm nhau bằng ấm áp và bình yên.

Danh hài Minh Vượng

Biết như vậy mà mỗi lần đến nơi này, ấn nút chuông rồi chờ tiếng rít lên ken két của cửa sắt, chờ mái tóc xù bờm rất sành điệu của gia chủ ló ra với câu hỏi lập bập đúng tính cách của danh hài Minh Vượng: "Ai gõ cửa nhà tôi đấy" là tôi luôn có một cảm giác lạ lẫm và khác biệt không giống như đến bất kỳ căn nhà nào khác.

Mỗi lần bước chân vào nhà, đi qua cái nhà hộp diêm bé tí, danh hài Minh Vượng dành riêng cho chú cún yêu già nua của hai chị Vượng và My, nghe tiếng sủa đanh đá, cậy chủ của chú Cún đã thấy yêu lạ cái không gian nơi này. Lần nào đến cũng vậy, ngôi nhà bé nhỏ thôi nhưng bao giờ cũng ngập ánh sáng nồng ấm của những chiếc bóng đèn hợp lý, những bình hoa tươi bày biện rất có gu ở từng góc nhà. Danh hài Minh Vượng có thể đang nằm ườn trên gác vì "khó ở", vì lại ốm, lại mè nheo với hàng trăm thứ bệnh của cái giống họ nhà tiểu đường và gút, và huyết áp…. suốt bao nhiêu năm nay hành hạ.

 

Lần nào cũng vậy, bóng dáng người phụ nữ hý húi lên bếp, tỉ mẩn với mớ rau, với củ quả, với hý húi thái, gọt, nghiền, nấu nấu, nướng nướng sẽ là chị My. Nếu gian bếp xinh xắn và sạch đẹp này, không có bóng dáng của chị My, không biết căn bếp sẽ trở nên vô duyên và lạnh lẽo đến nhường nào. Và nếu không có bóng dáng chị My lần nào cũng chăm chỉ cái công việc nội trợ tưởng như bé nhỏ ấy, tưởng như giản đơn và bình thường ấy thì căn nhà của danh hài Minh Vượng sẽ hoang lạnh biết bao nhiêu.

Bởi vậy mà mỗi lần đến đây, ngồi xuống ghế, danh hài Minh Vượng thì bận tỉa tót mái tóc đẹp và sành điệu đến kiêu hãnh khi chị thầm thì: "Bạn thân của chị ở Hàng Bè vừa nhuộm line cho chị đấy", và bận ngắm gương, bận điểm trang lại một chút dung nhan thì bên bếp, chị My đã kịp nhóm lửa, lửa đã bật lên thò những lưỡi lửa xanh ấm áp liếm vào thành ấm.

 

Một tích tắc thôi, nước đã kịp réo ùng ục trong bình, và dù hai chị em tôi bận buôn dưa lê, bận tí tách lí lắc chuyện trò thì chị My đã kịp mang đến cho chúng tôi những tách trà ấm nóng. Không hề có cảm giác thiếu vắng, cô độc hay buồn lạnh nơi ngôi nhà chỉ có hai người đàn bà đứng tuổi sống với nhau, vào vào, ra ra cũng chỉ đôi mình tha thủi bên nhau. Tôi thầm biết, để giữ được ngọn lửa ấm áp trong căn nhà bình yên này, họ luôn cố gắng nhóm lên ngọn lửa yêu thương, bè bạn và giữ cho ngọn lửa luôn đượm cháy một cách bền lâu.

Năm 2009, lại là một năm không may mắn đối với sức khỏe của danh hài Minh Vượng. Ngôi sao la hầu chiếu mệnh chị trong suốt năm nay đã khiến cho danh hài của chúng ta một phen lao đao với bệnh tật nguy hiểm. Có lẽ, đã gần chục năm lại đây, có năm nào mà Minh Vượng không ghé thăm bệnh viện đôi lần, mỗi lần đôi tháng. Căn bệnh tiểu đường nặng hành hạ chị, và biến chứng nguy hiểm kéo theo một loạt các căn bệnh nguy hiểm khác như gút, huyết áp, men gan,…

 

Mới đây, giữa năm 2009, chị phát hiện căn bệnh u đa nhân tuyến nước bọt ở hàm phải. Mặc dù là u lành, nhưng khi phát triển, u chạm vào dây thần kinh số 7 khiến cho miệng danh hài Minh Vượng bị méo xệch, và gây đau đớn. Chị đã đi khám ở các bệnh viện tốt nhất ở Việt Nam nhưng để mổ bóc khối u này thì phần lớn các bác sỹ đều khẳng định đây là ca mổ khó. Đắn đo mãi, cuối cùng bạn bè đã ủng hộ đôi bạn danh hài Minh Vượng và chị My khăn gói sang Singapore để chữa bệnh mổ bóc khói u lần này của danh hài Minh Vượng, cả chị My và Minh Vượng đều rưng rưng nước mắt. Minh Vượng nói: "Đời chị may mắn được cung nô, cung bạn bè tốt lắm em ạ. Nếu không có bạn bè, chị chắc không sống nổi đến ngày hôm nay".

Trong buổi sáng cuối năm, ngồi bên tách trà nóng, bên người bạn gái lúi húi làm bếp nấu cháo để chăm sóc mình, Minh Vượng lấp lánh lệ rơi nơi khóe mắt để kể cho tôi nghe về những người bạn của chị. Những người đã quý chị, thương chị và lo cho chị còn hơn cả em út ruột thịt để danh hài Minh Vượng có được sức khỏe như hôm nay. Đầu tiên phải kể đến những người bạn chí thân của Minh Vượng ở Nhà hát Tuổi trẻ, đó là những Hoàng Cúc, Minh Hòa, Thu Hà… và đặc biệt là nhóm bạn G7 của chị đã kết thân và chơi với nhau đến hơn chục năm nay.

Nhóm G7 là những người bạn hợp nhau, quý tính cách nhau, trọng tài năng và yêu thương nhau gắn bó lại bên nhau. Đó là chị Bích Hòa, Chủ tịch Hội đồng chuyển phát nhanh, chị Hồng Ánh, kiểm toán cho một công ty của Mỹ, chị Yến, Giám đốc xưởng sản xuất chăn ga gối nệm ở Gia Lâm, chị Thu Hằng, diễn viên chèo, chị Thanh Hà, Ban dự án, chị Hà ở Cục Sở hữu trí tuệ, chị Hương, nghệ nhân uốn tóc ở Hàng Bè và chị Hạnh, nghệ nhân uốn tóc ở Mai Hắc Đế, chị Hương kinh doanh rượu, chị My nội trợ và danh hài Minh Vượng. Nhóm G7 có 15 người, trong đó đa phần là những người phụ nữ thành đạt, có chức danh, và giàu có về kinh tế, nhưng cũng có những người phụ nữ chỉ làm nội trợ như chị My, chị Thu Hằng, hay là diễn viên cả đời chỉ biết hết mình cho vai diễn như Minh Vượng, Thu Hằng. Thế nhưng đến với nhau không phân biệt sang hèn, chơi với nhau và yêu thương nhau không kể giàu nghèo, sẻ chia với nhau hết mình trong mọi việc buồn vui hiếu hỉ của từng thành viên.

 

Chuyến xuất ngoại chữa bệnh lần này của danh hài Minh Vượng ngót nghét 15 ngày ở Singapore, chị My cũng khăn gói đi cùng để nội trợ chăm sóc ăn uống cho bệnh nhân Minh Vượng. Chi phí đi lại, ăn ở, thuốc men, mổ và điều trị lên tới 300 triệu đồng, nếu không có nhóm G7 ủng hộ 50% số tiền trên và bạn bè ở Nhà hát Tuổi trẻ cùng với bạn bè những người yên mến Minh Vượng chung tay góp sức thì Minh Vượng không thể có cơ hội sang nước ngoài để điều trị. Riêng nhóm bạn G7, chị Hồng Ánh đã cắt phép 2 tuần để cùng sang Singapore tự nguyện làm phiên dịch cho danh hài Minh Vượng trong suốt quãng thời gian chữa bệnh. Mẹ con chị Bích Hòa cũng theo Minh Vượng sang Sing chăm sóc chị sau khi mổ, và ở lại động viên Minh Vượng cho đến khi chị có những dấu hiệu bình phục mới trở về nhà. Chị Tú Anh quen Minh Vượng ở tiệm làm đầu, nghe tin chị đi viện đã gửi 3 triệu đồng thăm. Hay như mẹ con chị Thảo và cháu Giang ở Gia Lâm nghe tin chị xuất viện hý húi cả ngày nhặt yến sào để ninh cho Minh Vượng một bát canh yến, rồi bê sang tận nhà để Minh Vượng ăn bằng hết mới yên tâm trở về. Những tình cảm của bạn bè, người hâm mộ đối với danh hài Minh Vượng thật như trời bể, không thể nào đo đếm hết được. Minh Vượng sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc hơn bội phần cũng chính là nhờ những tình cảm ấm áp, chia sẻ ruột thịt của bạn bè và gia đình.

Đã sắp sửa một cái Tết nữa trở về trong ngôi nhà búp bê của hai người đàn bà. Minh Vượng kể rằng, cái Tết nhớ nhất trong đời chị là lúc chị lên 5-6 tuổi. Hôm đó chiều 30 Tết, anh trai của chị đi vắng, nhà chỉ còn một mình chị với bà trẻ ở cùng với bố mẹ chị. Bố mẹ bận đi nấu bánh chưng tập thể, bà trẻ sai Minh Vượng đi bộ lên Ô Đông Mác để mua dầu về thắp cho cả dịp Tết. Lúc đấy trời đã nhập nhoạng, đường từ khu tập thể Nhà máy Rượu lên Ô Đông Mác vắng tanh, lưa thưa một vài bóng người. Minh Vượng còn quá bé để đủ can đảm không sợ ma. Phải vượt qua một chặng đường dài trong buổi hoàng hôn nhập nhoạng, Minh Vượng sợ ma lắm. Vừa đi, vừa nhìn những hàng cây hai bên đường, nhìn bờ đê, nhìn gì cũng biến thành hình con ma thè lưỡi đỏ đang trốn ở trong đó. Vừa đi vừa khóc, đến nỗi mang được chai dầu về đến nhà mồ hôi toát ra giữa mùa đông giá lạnh trộn lẫn với mùi dầu. Bao nhiêu năm trôi qua, mấy chục cái Tết đã đến rồi đi, kỷ niệm cũ ám ảnh đến nỗi cứ chiều 30 Tết, mũi của Minh Vượng lại ngửi thấy mùi dầu hỏa bay khắp không gian giao thừa…

Nhắc đến Tết, ký ức lại quay về với tuổi thơ, với khu tập thể Nhà máy Rượu ở Lò Đúc. Năm nào cũng vậy, cứ chiều 30 Tết là mọi gia đình trong khu tập thể chung nhau gói bánh chưng rồi nấu bánh chưng. Bánh của nhà ai thì đánh dấu bằng những đồng năm xu, một hào buộc lủng lẳng. Cái không khí háo hức khi gói bánh, đun bánh náo nức cả sân khu tập thể. Khi bánh chín, í ới gọi nhau đi vớt bánh, chia bánh rồi đón bánh về nhà sao mà rộn rã, mà sung sướng đến mê người. Tất cả những ký ức đó, giờ đã vợi xa… không bao giờ còn quay trở lại. Trẻ con hôm nay lớn lên thật thiệt thòi không được hưởng không khí linh thiêng của gói bánh chưng, rồi luộc bánh của chiều 30 Tết. Âu cũng là mất đi một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam với chiếc bánh chưng xanh trong dịp Tết cổ truyền.

 

Tết năm nay rồi cũng sẽ như mọi năm, chị My và chị Vượng lại đèo nhau lượn lờ bát phố. Mê nhất của hai chị là đi chợ hoa, xem nhiều hơn là mua, lẩn thẩn ngắm những đời hoa khi mang ra chợ, những phận người trong chiều 30 Tết. Kẻ sung sướng nhàn tản kỹ lượ̃ng chọn một cây hoa sầm uất mang về nhà, hay kẻ vội vàng sấp ngửa ghé chợ nhón một cành đào, cây quất hạ giá cho một cái Tết nghèo giữa lòng Hà Nội. Lượn ngắm phố phường, ngắm người, ngắm cảnh, ngắm hoa là thú của đôi bạn không quá nhiều nỗi lo ba ngày Tết của chị My và Minh Vượng.

Giao thừa đến, lặng lẽ thắp nến hương gửi vào trời đất những nguyện cầu. Sớm mồng một việc đầu tiên là lên chùa cầu nguyện. Ở tuổi này, các chị cũng chẳng còn ham hố gì nữa danh lợi, bạc tiền. Lời nguyện cầu đầu năm gửi vào cõi nhân gian chỉ là cầu mong cho mình sức khỏe và sự bình yên. Tết của những người đàn bà một mình đi trong cõi nhân gian rộng lớn này cũng chỉ đơn giản và khiêm nhường như vậy mà thôi.

Theo afamily

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *