Bên bờ hạnh phúc

Sự trở lại của nhiều vở kịch vang bóng một thời đang mang lại sinh khí riêng cho sân khấu TP HCM, khi mà kịch bản hay ngày càng khan hiếm.

Với hai vở dựng lại từ kịch bản cũ, Mùa đông cuối cùng (tác giả Hoàng Thái Thanh chuyển thể từ tiểu thuyết Đèn không hắt bóng của nhà văn Nhật Dzunichi Watanabe) và Ngôi nhà thiếu đàn bà (tác giả Ngọc Linh), sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã tạo được hương vị vừa lạ vừa quen.

Vang bóng… nhiều thời

Vở bi kịch gia đình Ngôi nhà thiếu đàn bà là phiên bản làm lại từ vở Ngôi nhà của những linh hồn do NSƯT Ái Như dàn dựng cách nay 5 năm ở sân khấu 5B, từng được khán giả lẫn giới chuyên môn dành nhiều lời khen ngợi. Lần dựng lại này, với sự đồng ý của gia đình cố soạn giả, chị thay đổi một số yếu tố trong bố cục vở, thiết kế sân khấu cũng mới hơn, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần kịch bản gốc. Mùa đông cuối cùng cũng là một kịch bản từng được dựng trên sân khấu 5B cách nay 15 năm.

Ái Như cho biết những vở diễn sắp tới của sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ gồm cả những vở cũ được khán giả yêu thích và những kịch bản mới. Như vậy, chị cùng người bạn tâm giao nghệ thuật là NSƯT Thành Hội đang đưa những đứa con tinh thần mà mình từng “mang nặng đẻ đau”, tản mát ở Idecaf, 5B về ngôi nhà sân khấu Hoàng Thái Thanh, do họ chung tay dựng nên.

Ngôi nhà thiếu đàn bà đang diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh được làm lại từ Ngôi nhà của những linh hồn.

Không riêng Hoàng Thái Thanh, kịch làm lại đang ngày một nhiều ở các sân khấu khác, như Người đàn ông của trời ở 5B, Thuốc đắng giã tật ở Idecaf, Mẹ và người tình, Phận làm gái, Trai mới lớn ở sân khấu Phú Nhuận…

Sự tái xuất của những vở cũ phần nào tạo thêm sinh khí cho đời sống sân khấu ở TP HCM vì đây là những gì đã được thời gian sàng lọc. Sân khấu có thêm những lớp khán giả mới. Ngay cả lớp khán giả cũ cũng vẫn có lý do trải nghiệm với vở kịch mình từng xem qua, xem lại trong cách dựng mới, diễn xuất của những thế hệ diễn viên sau. Dù vậy, không phải vở dựng lại nào cũng nương nhờ được hào quang từ những bản dựng trước đó.

Kịch bản Mẹ và người tình của tác giả Lê Chí Trung từng được một sân khấu phía Bắc dàn dựng, nhưng gần như chìm nghỉm. Chỉ đến khi bà bầu Hồng Vân bắt tay làm lại, qua nhiều lần chỉnh sửa, vở mới hoàn chỉnh và gây tiếng vang tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009.

“Đói” kịch bản mới?

Dựng lại kịch bản cũ có thể là một cách các sân khấu kịch nói TP HCM giải quyết tình trạng khan hiếm kịch bản hay. Một “ông bầu” sân khấu và phim truyền hình tiết lộ, mỗi tháng nhận được không dưới 10 kịch bản, nhưng hầu hết không hay hoặc muốn sử dụng thì phải “gia cố” thêm nhiều. Kịch bản đã được “thử lửa” trên sân khấu cũng là một lựa chọn an toàn khi nhiều vở sử dụng kịch bản mới có tuổi thọ quá ngắn.

Tuy nhiên, việc dựng lại thường dẫn đến chỉnh sửa quá tay, khiến tác giả kịch bản bất bình vì không còn nhận ra hình hài đứa con tinh thần của mình.

Giới viết kịch bản cho rằng, những lời đánh giá kịch bản không hay thường là từ phía các “bầu sô”, những người luôn muốn kịch đáp ứng được thị hiếu khán giả. Còn các bầu sô thì có lý do của mình, vì họ phải giải bài toán doanh thu cho vở, nuôi sống được lực lượng nghệ sĩ, nhân viên cộng tác dựng vở.

Theo datviet, tintuconline

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *