Bên bờ hạnh phúc

Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, ba anh – nhà văn Nguyễn Quang Sáng – và cố nhạc sĩ tài hoa có nhiều điểm tâm đầu ý hợp về tính cách cũng như sở thích.

– Mối quan hệ bằng hữu của ba anh – nhà văn Nguyễn Quang Sáng – và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu từ khi nào?

– Tôi chỉ biết rằng từ khi tôi có nhận thức và trí nhớ thì họ đã rất thân rồi. Họ có những điểm chung như: yêu cái hay, cái đẹp, trân trọng người tài, thích uống rượu và sống chân thành.

Nguyễn Quang Sáng (phải) là một trong những người bạn thân của Trịnh Công Sơn sau năm 1975. Trong số bạn bè của hai ông còn có nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Nguyễn Duy…

– Anh nhớ nhất kỷ niệm nào về mối quan hệ giữa hai người?

– Hồi đó, hầu như ngày nào họ cũng gặp nhau. Sáng, hai người gặp ở cơ quan số 81 Trần Quốc Thảo – nơi là trụ sở của Hội nhà văn và Hội nhạc sĩ ngày trước. Trưa, chiều, tối không tụ hội ở nhà tôi thì ở nhà chú Sơn. Còn những khi ai về nhà đó, cứ nửa đêm có tiếng điện thoại bàn, tôi biết đó là lúc chú Sơn khó ngủ. Anh trai tôi lại chở ba qua nhà chú. Sau này, khi tôi lớn một chút, mỗi lần như thế, tôi là người chở ba đi. Tôi theo ba suốt nên cũng thường xuyên nghe chú Sơn hát và giải thích các tác phẩm âm nhạc của chú.

– Nhà văn Nguyễn Quang Sáng dành tình yêu cho nhạc Trịnh Công Sơn như thế nào?

– Ba tôi rất thích bài Một cõi đi về của chú Sơn. Ba cũng rất mê nhạc, ông từng ước mơ trở thành nhạc sĩ nhưng rốt cuộc lại trở thành nhà văn. Vì vậy, ba rất yêu quý những người bên ngành nhạc. Tôi nhớ, ngày trước, các tập nhạc và đĩa than ca khúc Da Vàng của chú Sơn, vì vài lý do, phải để ở nhà tôi một thời gian cho ba tôi cất giữ. Sau này, chúng tôi mới có dịp trả lại về nhà chú Sơn.

– Mẹ anh thường nấu món gì để đãi ba anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi cả hai ngồi với nhau?

– Hồi xưa, trưa nào nhà tôi cũng nấu nồi cơm lớn, bạn bè ba tôi hay đem các món nhậu đến hùn. Còn ở nhà tôi có mấy thứ luôn có và luôn ngon là: gạo, mắm, khô. Chủ nhật hàng tuần, má tôi lại chiêu đãi món gì đó ngoài cơm: đổ bánh xèo, làm bánh canh… cho mọi người.

Cả nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ba tôi đều yêu rượu. Thời rượu tây còn hiếm, ba tôi có câu này: "Cầm chai rượu ngon trước khi mở nắp nhớ tới ai, thì đó là bạn thân”. Tôi thấy người đầu tiên mà ba tôi gọi điện thoại là chú Sơn.

Từ trái qua: Nguyễn Quang Sáng và Trịnh Công Sơn trong một lần đến Pháp.

– Anh có kỷ niệm gì khó quên với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – thông qua mối quan hệ của ba?

– Hồi tôi và anh tôi bị sốt xuất huyết, chú Sơn ghi và sửa bài hát tôi hay hát nghêu ngao thành một bản nhạc hoàn chỉnh. Chú đặt tên là Mẹ đi vắng. Sau đó, bài nhạc được đăng báo để tên đồng tác giả, nhuận bút mỗi người được 35 đồng. Chú cho tôi luôn 70 đồng. Số tiền này tôi mua 2 đôi giầy cho hai anh em vẫn còn dư. Sau này, khi tôi thi đậu Nhạc viện và trường Sân khấu – Điện ảnh, thấy tôi phải chọn một trong hai, chú Sơn khuyên: “Con đi học điện ảnh đi, cái đó cần nhiều kỹ thuật nên vô trường học, nhạc có thể học ở nhà, mai mốt đi làm phim được đi đây đi đó có hứng thì sáng tác nhạc”. Tôi nghe theo lời chú nhưng chỉ làm được một nửa: theo điện ảnh nhưng không thể sáng tác nhạc.

– Điều gì ở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm anh nhớ và ấn tượng nhất?

– Chú Sơn là một người rất lành tính, nhẹ nhàng, tình cảm, cũng rất hồn nhiên. Tôi luôn nhớ chú Sơn uống rượu và hát. Chú uống nhiều là hay quên, hay hát nhầm lời bài của mình. Chú hát một hồi không nhớ câu nào, hay xoay qua hỏi chú Phạm Trọng Cầu hoặc họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi. Thường chú Nguyễn Trọng Khôi là người nhớ nhạc Trịnh nhiều nhất, lúc uống rượu vào vẫn nhớ hơn cả chính tác giả.

– Từng vài lần làm tổng đạo diễn các đêm nhạc Trịnh Công Sơn dành cho cộng đồng, anh chia sẻ cảm nhận thế nào về công việc này?

– Tôi nghĩ đó là một việc mà tôi nên làm khi gia đình chú Trịnh Công Sơn cần tôi. Cho dù với tư cách như người cháu hay đạo diễn, tôi nghĩ làm chương trình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là công việc thiện nguyện và đáng trân trọng.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng phát biểu trong đêm nhạc nhớ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 10 năm ngày ông mất.

– Anh có ý tưởng dàn dựng chương trình “Những sớm mai Việt Nam” sắp tới ra sao?

– Với một chương trình cộng đồng và mang tính chất tưởng nhớ hàng năm, tôi vẫn muốn duy trì tính hoài niệm, không làm gì quá khác biệt. Chúng tôi sắp xếp các tiết mục sao cho hợp lý, tìm những tư liệu, hình ảnh, bút tích, lời hát, lời nói của chú cho số đông biết thêm về chú.

– Anh nghĩ thế nào về sức sống của nhạc Trịnh trong thời đại hôm nay?

– Tôi nghĩ nhạc Trịnh đã vượt qua khỏi tính chuyên môn âm nhạc. Với tôi, nhạc Trịnh cũng giống như Truyện Kiều của Nguyễn Du, từng câu chữ đều nằm ngoài vấn đề nghệ thuật mà nó như là thân phận con người. Mỗi người có thể thấy mình trong đó nên âm nhạc này tồn tại trong lòng mỗi người theo cảm nhận riêng. Còn tôi thấy ông như người truyền giáo bằng âm nhạc. Trong mỗi bài hát của ông chứa đựng đủ cung bậc: thân phận, sự tồn tại, sự chia ly, sự đau đớn, sự tha thứ, sự yêu thương của con người.

Khi nhắc về mối quan hệ giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Nguyễn Quang Sáng, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái Trịnh Công Sơn – chia sẻ: "Đó là một tình bạn sâu sắc". "Tôi nghĩ hai anh sống rất gần gũi nhau vì trước hết là hợp duyên, cùng chia sẻ một quan niệm sống khoan dung và không hận thù. Anh Sơn và anh Sáng cũng chơi rất thân với một vài người bạn nghệ sĩ khác trên tinh thần đó. Sống vui vẻ, chia sẻ tâm tình chân thật với nhau, theo tôi đó là cơ sở bền vững cho tình nghệ sĩ, tình người, giữa hai anh", chị kể.

Trịnh Vĩnh Trinh tâm sự, trong đêm nhạc "Những sớm mai Việt Nam" kỷ niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm nay có một điều khiến chị và gia đình thấy buồn là nhà văn Nguyễn Quang Sáng không còn. Ngày 1/4 là ngày giỗ của Trịnh Công Sơn và ngày 2/4 là 49 ngày Nguyễn Quang Sáng qua đời. Sinh thời, khi còn sức khỏe, tác giả Chiếc lược ngà thường dự các đêm nhạc thường niên này, cũng như dành thời gian chia sẻ với khán giả nhiều thế hệ về cảm xúc của ông với nhạc Trịnh.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *