Bên bờ hạnh phúc

Nhạc sĩ của những bức thư tình tự nhận mình sống khá 'tự kỷ'.

Lãng mạn, bay bổng trong âm nhạc bao nhiêu thì ở ngoài đời, Đỗ Bảo lại giản dị, mộc mạc bấy nhiêu. Những ai từng trò chuyện với nhạc sĩ nổi tiếng này đều biết rằng, không phải ai anh cũng chân thành bộc bạch con người mình với họ. Đỗ Bảo có quan niệm sống khá cổ điển, thậm chí là cực đoan (theo cách nói của anh). Anh cho rằng, không nên mất thời gian vào những mối quan hệ mà họ giả tạo với mình. Có lẽ vì cách sống “tự kỷ” này, Đỗ Bảo có rất ít bạn thân trong giới. Anh giải thích rằng, anh không có niềm tin vào tình bạn ấy: “Chắc gì họ đã chân thật với nhau, có khi chỉ là sự giả tạo. Tôi thì không thích sự giả tạo và không thấy cần thiết phải tốn thì giờ nuôi dưỡng những mối quan hệ ấy. Hơn nữa, hoạt động cùng lĩnh vực, ai cũng có sự cạnh tranh”. Bạn thân của anh hầu hết là những người gắn bó với anh từ thuở ấu thơ hoặc thời cắp sách tới trường. Đỗ Bảo chưa bao giờ "lăn tăn" về những tình bạn lâu bền mà anh có. Anh chọn bạn rất kỹ và tự hào về họ.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo.

Không thích giao du với người lạ, “thế giới tuyệt vời” của Đỗ Bảo chỉ xoay quanh gia đình và phòng thu, nơi anh tự do về tâm hồn để theo những ước mơ sáng tạo của riêng mình. Anh nói, có lẽ không ai ở nhà nhiều như anh. Càng ngày anh càng ít ra đường bởi tất cả những điều đập vào mắt anh đều vô bổ. Sự đông đúc, tấp nập của đường phố làm anh mất tập trung. Anh thích ngồi cà phê ở một quán gần nhà, trò chuyện với hàng xóm, đôi lúc có bà xã anh ở bên. Anh chỉ ngồi đó, nhấm nháp ly cà phê sữa, lặng lẽ quan sát cuộc sống đời thường rồi trở về nhà làm việc. Không gian anh yêu thích là sự tĩnh mịch, nhất là khi màn đêm buông xuống, vạn vật trở nên yên bình. Chỉ khi đó, anh mới có cảm hứng viết lên những giai điệu, lời ca đẹp mà da diết.

Không có nhu cầu quá lớn về tiền bạc

Đỗ Bảo có rất nhiều mâu thuẫn, trăn trở về nghề nghiệp, đặc biệt là môi trường âm nhạc mà anh cho rằng mọi thứ đang bị đảo lộn. Anh ví, cấu trúc nền âm nhạc Việt Nam như một cái cây lộn ngược, quả ở dưới đất, còn rễ lại ở trên trời. Có những điều không tưởng lại tồn tại ở Việt Nam. Anh chép miệng buồn: "Theo đúng thứ tự thì lý luận phải đứng đầu, sau đó mới đến sáng tác – chỉ huy – biểu diễn. Thế nhưng, ở Việt Nam, biểu diễn bây giờ lại được coi trọng khi khán giả sẵn sàng trả tiền cho người trực tiếp làm cho họ vui. Vấn đề bản quyền cho tác giả vẫn còn nhiều bất cập, trong khi các trang nghe nhạc miễn phí không được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ. Nhưng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn của âm nhạc mà thôi".

Đỗ Bảo không thể sáng tác 'ào ào' nên hơn 10 năm theo nghề, anh mới có gần 100 ca khúc. Để hoàn thành được một tác phẩm, anh phải mất ít nhất vài tháng để suy nghĩ về ý tưởng. Ấy vậy mà, những đồng tiền anh nhận được cho mỗi sáng tạo của mình lại không đáng là bao so với công sức bỏ ra. Hỏi tại sao Đỗ Bảo không viết nhạc quảng cáo với cát-xê ngất ngưởng, anh thẳng thắn trả lời: "Để có được hợp đồng trị giá tiền đô, chẳng phải tôi sẽ tốn thời gian đi mở rộng quan hệ sao. Chưa kể, nếu nhận lời, hợp đồng ấy có thể làm tôi mất sự tập trung cho những giấc mơ lớn hơn trong đời mình. Với tôi, vài chục ngàn đô có thể chẳng là gì. Giá trị vật chất lớn hay nhỏ đều là sự lựa chọn của mỗi người".

Anh hạnh phúc bởi những tác phẩm của mình đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống.

Làm nghệ thuật, Đỗ Bảo không nhìn cuộc sống với những vật chất tầm thường. Anh không đặt đồng tiền lên bàn cân để so sánh với những giá trị tinh thần mà nghệ thuật mang lại. "Tôi không có nhu cầu quá lớn về tiền bạc. Tất nhiên vẫn phải kiếm tiền nhưng chỉ cần tôi cảm thấy nó không thiếu là được. Nói về tiền thì biết bao nhiêu mới là đủ cho nhu cầu của con người. Nếu để đồng tiền chi phối, tôi sẽ không giữ được cái cốt lõi trong con người mình. Mà cái cốt lõi ấy lại là điều quyết định đến những tác phẩm của tôi".

Với nhạc sĩ của những bức thư tình, điều làm anh hạnh phúc là bài hát của mình được sống trong lòng công chúng, giúp họ san sẻ tình yêu, sự lạc quan và niềm tin. Anh kể, có lần anh đi thăm một trung đoàn ở vùng sâu, vùng xa. Thời điểm đó, điện thoại mới có chức năng tải nhạc. "Ấy vậy mà trong điện thoại của chiến sĩ nào cũng có bài Bức thư tình đầu tiên. Những đêm đi gác, họ thay nhau nghe vì cảm thấy ca khúc xoa dịu tâm hồn của họ. Tôi thấy, đó mới chính là tiền bạc".

Chỉ là người cha, ông bố bình thường

Trong mắt nhiều khán giả, Đỗ Bảo là hình mẫu lý tưởng của người đàn ông: hiền lành, tài giỏi và hết mực yêu thương vợ con. Tuy nhiên, anh cười ngượng bào chữa, đó là mọi người cứ 'nói quá' chứ thực tế, anh cũng bình thường như bao người đàn ông khác. Sợi dây hồng làm nên tổ ấm hạnh phúc của anh đều nhờ có âm nhạc. Đỗ Bảo cho biết, vợ chồng anh có sự đồng điệu về tâm hồn nên không cần nói với nhau cũng đủ hiểu người kia đang nghĩ gì. Bà xã anh – MC Thanh Vân từng là sinh viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội mà khi ấy Đỗ Bảo làm giảng viên. Tình yêu đến với hai người một cách nhẹ nhàng, theo kiểu "mưa dầm thấm lâu".

"Việc lựa chọn bạn đời quan trọng lắm bởi nó quyết định đến cả đời sống tinh thần và cuộc đời sau này của mình. Khi đã kết hôn với ai nghĩa là tôi đã suy nghĩ thấu đáo và sẽ trung thành với họ mãi mãi", Đỗ Bảo tâm sự. Tổ ấm của vợ chồng anh tràn ngập tiếng cười trẻ thơ với hai đứa con: một gái, một trai. Bé gái Chúc An đã đến tuổi đi học, còn cậu em trai cũng đủ cứng cáp.

Tác giả 'Bức thư tình đầu tiên' và vợ, MC Thanh Vân.

Đỗ Bảo nổi tiếng là ông bố chiều con, đặc biệt là con gái mặc dù anh rất vụng về trong việc chăm con. Anh ít khi to tiếng với con mà chỉ dạy dỗ để tính cách và tâm hồn cho con phát triển toàn diện. Anh thừa nhận, vì lười nên anh hiếm khi hướng dẫn con học bài. Công việc đó, vợ anh là người đảm nhận. Còn anh, anh cố gắng tạo cho con thói quen tự giác, tự lập trong chuyện học hành.

Cũng vì yêu con, Đỗ Bảo đã viết một ca khúc tặng cho các thiên thần của mình, nhưng anh chưa công bố với khán giả. Đến một thời điểm thích hợp anh hứa sẽ giới thiệu nhạc phẩm đến công chúng để san sẻ niềm hạnh phúc làm cha.

Từng sáng tác cho vợ, cho con nhưng Đỗ Bảo chưa viết nổi bài hát tặng cho cha mẹ. Anh nói, cha mẹ là đề tài khó bởi anh không biết phải dùng những từ ngữ, giai điệu nào để nói lên hết công lao của đấng sinh thành. Hơn nữa, kho tàng âm nhạc Việt Nam đã có rất nhiều tác phẩm xúc động về cha mẹ rồi nên nếu viết, anh sẽ phải tìm ra sự riêng biệt.

Theo Ngoisao

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *