Bên bờ hạnh phúc

Không phải là "món ăn" có ý nghĩa truyền thống như bánh chưng, cành đào… nhưng mỗi khi Tết đến xuân về, hầu như gia đình nào cũng sở hữu vài ba đĩa hài để thưởng thức.

Vậy nhưng, không giống như những mặt hàng khác, băng đĩa tồn tại một nghịch lý là càng ăn khách càng bị lỗ nhiều hơn.

Nhiều “thực đơn” lựa chọn

Do đặc thù của đĩa hài là chỉ được xem, nghe vào dịp Tết nên cuối năm mới là thời gian để các hãng "công phá" cái hài. Đều đặn nhất vẫn là hai "ông lớn" Hồ Gươm Audio và Thăng Long Audio Visual. Dù luôn khẳng định làm đĩa hài chưa bao giờ có lãi, nhưng năm nay, cả 2 hãng này đều dành nhiều thời gian, công sức và tăng số lượng chương trình để khán giả có nhiều “thực đơn” lựa chọn những những ngày nghỉ Tết.

 

Một cảnh trong tiểu phẩm "Mẹ vợ sợ con rể" do Hồ Gươm Audio sản xuất.

Hãng Hồ Gươm vừa tung ra 3 sản phẩm hài và lên kế hoạch thực hiện một chương trình biểu diễn thay vì 2 sản phẩm như năm ngoái, gồm: "Nói xấu người yêu", "Khôn ở phố, ngố ở quê""Cười trên sự đời". Ngoài ra, với tham vọng tổ chức thường niên các chương trình nghệ thuật từ Bắc vào Nam, năm nay, hãng này còn kết hợp với Công ty cổ phần truyền thông và điện ảnh Phương Nam tổ chức "Đêm hội hài xuân 2010: Thần tài mở cửa" diễn ra vào ngày 22/1 tại Hà Nội, quy tụ khá nhiều danh hài trong Nam ngoài Bắc.

Thăng Long Audio cũng tung ra 2 sản phẩm với các tiết mục: "Cả Ngố" và "Chuyện đời" (gồm "Cuộc thi đệ nhất", "Của gia bảo"). Công ty Cổ phần Hoa Dương lần đầu thăm dò thị trường với 1 sản phẩm, 2 tiết mục là "Xuân Hinh 2010" và "Rượt đuổi người yêu" gồm cả VCD và DVD.

"Sống chung với lũ"

Dù không nhiều hãng mặn mà với đĩa hài song việc chọn lựa kịch bản và mời các danh hài tham gia cũng khó như… tuyên chiến với đĩa lậu. Để thực hiện các ấn phẩm hài Tết 2010, công ty Hồ Gươm Audio đã phải lên kế hoạch ngay từ đầu năm để chọn ý tưởng cho kịch bản. Thăng Long Audio lại chuyên nghiệp và cầu kỳ hơn bằng việc mở cuộc thi viết kịch bản hài Tết từ giữa năm 2009 nhưng cũng chỉ chọn được 2 kịch bản ưng ý nhất: "Cuộc thi các đệ nhất" và "Của gia bảo".

Vậy nhưng, khi bắt tay vào sản xuất, các đạo diễn, diễn viên vẫn phải chỉnh sửa khá nhiều để thành một sản phẩm ưng ý. Bà Thu Hiền, Công ty nghe nhìn Hồ Gươm Audio cho biết: "Mặc dù đã đặt hàng những người viết kịch bản chuyên nghiệp song khi đưa vào dựng, chúng tôi vẫn phảii chỉnh sửa, thay đổi đến 50% kịch bản gốc. Khi ra đến trường quay, bằng kinh nghiệm và cả sự ngẫu hứng của diễn viên, họ vẫn phải góp ý, sáng tạo lại lời thoại sao cho "đời" nhất và "đắt" nhất".

 

Tiểu phẩm Cuộc thi đệ nhất của Thăng Long Audio

Đầu tư như thế nhưng khi nói đến doanh thu đạt được, các hãng này đều… cười trừ. Bà Thu Hiền cho biết, hãng không trông chờ vào các biện pháp của các cơ quan chức năng mà đều "tự thân vận động" bằng cách hạ giá thành sản phẩm, dù chi phí sản xuất năm nay cao hơn năm ngoái rất nhiều. Và với mức giá 15-18 nghìn đồng một sản phẩm, hãng hi vọng sẽ "tuyên chiến" được với đĩa lậu thay vì những câu khẩu hiệu khuyên người tiêu dùng.

Để lấy thu bù chi, Hồ Gươm Audio đã kêu gọi các nhà tài trợ, quảng cáo trong các sản phẩm để khán giả chia sẻ một phần với nhà sản xuất. "Nếu không như thế thì sẽ không ai dám làm đĩa, nhất là với đĩa hài, càng ăn khách càng bị nhái. 1 đĩa gốc phải cạnh tranh với 9 đĩa lậu thì ai dám làm", bà Thu Hiền than thở.

Ông Cao Văn Dương, giám đốc Cty Cổ phần Hoa Dương cũng cho biết: "Đây là năm đầu tiên chúng tôi tham gia vào lĩnh vực này nên vẫn phải làm để tạo thương hiệu, lỗ lãi sau này tính". Ông Dương cũng cho biết, mỗi VCD đầu tư rất kỹ về âm thanh, ánh sáng… nhưng cũng chỉ bán với giá 18 nghìn đồng/VCD và 45 nghìn đồng/DVD. Trong khi đó, Thăng Long Audio Visual còn có giá cạnh tranh hơn nữa với việc tuyên bố "sống chung với lũ" bằng cách chỉ bán với giá 9.000 đồng một đĩa.

Với việc "đánh" vào tâm lý người tiêu dùng là ưa hàng rẻ, các hãng băng đĩa sẽ phần nào khắc phục được nạn đĩa lậu hoành hành vào dịp Tết.

Theo tintuconline

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *