Bên bờ hạnh phúc

Khi nhắc đến cái tên Nguyễn Đình Thi, trong chúng ta ít ai không biết. Ông thành công ở rất nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và sáng tác âm nhạc… Đặc biệt, khúc hát “Người Hà Nội” được ông sáng tác 7 năm trước ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng đến giờ vẫn tươi xanh trong lòng người yêu nhạc.

Ngày về chiến thắng

 

Bài hát của người Hà Nội

Năm 23 tuổi, Nguyễn Đình Thi rời Hà Nội ra đi trong tiếng súng, bỏ lại sau lưng một thành phố bốc cháy “khói lửa ngợp trời”. Những hình ảnh đậm chất tráng ca ấy day dứt mãi và trở lại cồn cào trong tim chàng trai Hà Nội tài hoa vào một đêm mùa đông năm 1947 tại làng Khúc Thủy, bên bờ sông Nhuệ, Hà Đông, thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi từng kể: “Khi ấy là cuối năm, tôi đang làm Báo Cứu quốc của Mặt trận Hà Nội, trong một ngôi nhà bỏ không do đồng bào đi sơ tán hết, tôi tìm thấy một cây đàn piano hỏng  bị bỏ lại. Tôi ở đấy, hàng đêm vẫn nhìn về hướng Hà Nội và biết thành phố vẫn chiến đấu trong khói lửa nên có ý định viết một bài hát về Thủ đô. Một đêm tôi ngồi vào chiếc đàn hỏng và gõ vài phím, đột nhiên những giai điệu vang lên… Những tứ nhạc cứ thế tuôn trào và cuộn chảy. Cảnh đầu tiên là: “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời/ Hà Nội hồng ầm ầm rung/ Hà Nội vùng đứng lên…” rồi tôi nhớ đến những cảnh thanh bình: “Hà Nội đẹp sao…”. Lúc bấy giờ tôi chỉ viết đến đấy và đặt tên ca khúc là “Bài hát của một người con Hà Nội”, mãi đến năm 1948 tôi mới viết nốt đoạn “Ngày về”. Khi viết bài hát này, tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là một món quà gửi tặng các chiến sĩ đang chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giữa lòng Hà Nội mà thôi. Hết sức tự nhiên và chính vì nó tự nhiên nên lại thể hiện được cái chất tâm hồn mình nhiều hơn”.

Không chỉ có vậy, “Người Hà Nội” còn mang trong mình âm hưởng trữ tình đến nao lòng với những người con Hà Nội cũng như với những người chưa một lần đặt chân đến mảnh đất hùng thiêng ngàn năm văn hiến: “Đây hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây/ Đây lắng hồn núi sông ngàn năm/ Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu”. Chính cái âm hưởng trữ tình đan xen trong chất anh hùng ca đã hòa quyện làm nên diện mạo hoành tráng mang đậm tính sử thi cho ca khúc. Phần cuối bài là một đoạn nhạc gửi gắm những ước mơ bay bổng của tác giả, bởi lúc đó mới là năm 1948, Hà Nội còn chìm trong khói lửa vậy mà  Nguyễn Đình Thi đã mơ thấy hình ảnh Bác Hồ trở về cùng Hà Nội ngập tràn cờ hoa chiến thắng. Điều này phải 6 năm sau mới trở thành hiện thực.

“Những phố dài xao xác hơi may…”

Vẫn nằm trong mạch cảm xúc về Thủ đô yêu dấu đang từng phút giây chìm trong khói lửa của cuộc chiến đấu “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm ấy, bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi ra đời vào năm 1948, sau khi bài hát “Người Hà Nội” được sáng tác một năm. Rất nhiều thế hệ người đọc đã đồng cảm cùng với nhà thơ qua những câu thơ nổi tiếng trữ tình  về mùa thu Hà Nội mà cũng không kém phần hào sảng: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/ Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”.

Ở đấy người ta bắt gặp một tâm hồn sâu lắng, trữ tình và cũng vô cùng tinh tế của một chàng trai Hà Nội. Hẳn phải yêu lắm những con phố thân thương  nên ở độ tuổi 24, trong lúc phải rời phố xá bởi quân thù đang rắp tâm gây chiến mà chàng trai ấy vẫn biết sau lưng mình là cả một mùa thu đầy xao xuyến. Có thể nói đây là một bản trường ca thu nhỏ nhưng vẫn mang đậm chất thơ  của một thi nhân. Thật khó có ai có thể quên được khung cảnh mùa thu Hà Nội lãng mạn, trong sáng: “Sáng  mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới…”.

Cũng có lẽ chính bởi tâm hồn trong sáng như thế nên về những năm cuối đời, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi vẫn không ngừng sáng tác và ông còn viết cả thơ tình. 

 
Nguồn: Mai Hoàng ( An ninh Thủ đô )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *