Bên bờ hạnh phúc

Trên sàn đấu, ông là “báo đen”, một trong “tứ tú” lẫy lừng một thời của võ thuật Việt Nam. Trên phim trường, ông để lại nhiều ấn tượng trái ngược nhau (mà ấn tượng nào cũng khó quên) khi là tên sĩ quan ác ôn làm người ta “ghét cay ghét đắng”, lúc lại là một ông Hai Lúa chân chất “rặt” Nam Bộ ai cũng thương. Trở về cuộc sống gia đình, ông là một người chồng, người cha mẫu mực và trên hết là một người đàn ông hạnh phúc khi có bên cạnh một “bông hồng thép” Đoàn Thị Nguyên (Lý Lan), người bạn đời đã gắn bó cùng NSƯT – võ sư Lý Huỳnh 45 năm nay.

Từ võ đường…

Những năm 1960, Lý Huỳnh là một gương mặt nổi bật trong làng võ Sài Gòn, đã đánh bại nhiều võ sĩ danh tiếng trong và ngoài nước, thậm chí chút nữa ông đã “đụng độ” cùng Lý Tiểu Long, huyền thoại võ thuật và điện ảnh Trung Quốc. Hình ảnh người thanh niên Lý Huỳnh tung hoành trên sàn đấu một thời làm “chao đảo” nhiều chị em phụ nữ nhưng với cô bạn đồng môn Đoàn Thị Nguyên, cùng thọ giáo ở võ đường của võ sư Huỳnh Tiền, thì chính sự hiền lành, ít nói nhưng “nói câu nào là chắc câu ấy” của “sư huynh” Lý Huỳnh mới là “ăn điểm” nhất. Thế là những lần “sư huynh” thượng đài không thể thiếu “sư muội” luôn ở bên ân cần chăm sóc, cổ vũ tinh thần. Chuyện tình của họ không éo le, mùi mẫn mà giản dị, đúng chất “con nhà võ”.

 

NSƯT Lý Huỳnh và vợ, bà Đoàn Thị Nguyên

Năm 1965, bà Đoàn Thị Nguyên chính thức trở thành “một nửa” của võ sư Lý Huỳnh, lại sát cánh bên ông trong những cuộc thượng đài và luôn là cổ động viên “máu lửa” nhất. Mặc dù thuộc “phái yếu” nhưng tính cách cứng rắn, quyết đoán và niềm đam mê võ thuật đã rèn luyện cho bà một bản lĩnh mạnh mẽ, vững vàng mà nhiều bậc “nam nhi chi chí” chưa chắc đã có được. Hình như chưa có đấng mày râu nào dám “bay” thẳng lên sàn đấu nói lý với trọng tài, chứ bà thì đã nói thẳng với trọng tài: “Ông bắt không công bằng”, rồi đuổi cổ “vua áo đen” xuống sàn vì tội dám thổi ép… chồng mình. Bà bật cười: “Hồi trẻ sung lắm, không biết sợ là gì”. Có thể nói những vinh quang của nghiệp võ mà võ sư Lý Huỳnh gặt hái được có phần đóng góp không nhỏ của cổ động viên đặc biệt này.

Mặc dù hết lòng với nghiệp “đánh đấm” của chồng nhưng bà lại nhất quyết không cho mấy đứa con của mình thượng đài. Bà nói: “Đánh võ đài cho dù mình thắng, đánh được người ta 5, 6 cái đi nữa thì ít nhất cũng bị người ta trả lại 1, 2 đòn. Các con tôi được cho học võ đầy đủ để rèn luyện sức khỏe và phòng thân thôi chứ đi đánh võ đài thì không”. Thế là mặc dù “võ công đầy mình” nhưng sáu người con của NSƯT Lý Huỳnh – Đoàn Thị Nguyên đều không có dịp trổ tài trên sàn đấu mà chủ yếu “đánh đấm” trên… phim, trong đó, Lý Hùng là nổi tiếng nhất, từng được xem là “Thành Long của Việt Nam” với dòng phim thị trường vào thập niên 1990.

…Đến phim trường

Những năm đầu sau giải phóng là khoảng thời gian khó quên trong cuộc sống gia đình NSƯT Lý Huỳnh. Kinh tế khó khăn, trong khi ông bôn ba theo các đoàn phim thì bà ở nhà một tay chăm lo cho sáu đứa con. Bà nhớ lại: “Thời đó cực không thể tả. Có những ngày Lý Sơn, Lý Hùng phải đội mưa chở mẹ đi giao hàng đến tận 12h đêm, có những bữa nhịn đói phát run để giao kịp chuyến hàng, rồi lặn lội đến gõ cửa từng nhà mời mua xăng…”. Giờ đây khi đã có cơ ngơi vững chắc, bà luôn tích cực trong các hoạt động từ thiện vì: “Gia đình tôi hiểu cái nghèo là như thế nào, chúng tôi muốn chia sẻ với những người có cảnh ngộ giống mình”.

Đại gia đình NSƯT Lý Huỳnh

Những năm đổi mới, khi các đoàn phim tư nhân được phép hoạt động thì NSƯT Lý Huỳnh cũng nhanh nhạy nắm bắt cơ hội bước vào một “cuộc phiêu lưu” đầy hứa hẹn nhưng cũng không kém phần bấp bênh với điện ảnh. Bộ phim đầu tiên của hãng phim Lý Huỳnh là Nước mắt học trò, đã tạo nên cơn sốt thực sự và trở thành bộ phim rất được giới trẻ yêu thích mãi nhiều năm sau đó. Nhưng ít ai biết rằng mục đích chính cho sự ra đời của Nước mắt học trò chỉ là bài thi tốt nghiệp lớp đạo diễn của Lý Sơn, con trai trưởng của NSƯT Lý Huỳnh và bà Đoàn Thị Nguyên. Bà cho biết: “Con trai tôi học đạo diễn và tôi muốn nó phải học thật đàng hoàng, học tới nơi tới chốn, những gì nó suy nghĩ, nó dự định thì phải làm cho được. Trong nhà lại toàn những người trong nghề, nhiều cái đầu cùng chụm lại thì tất nhiên phải có kết quả”. Và thế là thay vì chỉ đơn thuần là một bài thi tốt nghiệp cho Lý Sơn, cả gia đình quyết định triển khai thành một tác phẩm điện ảnh thật sự. Bà Nguyên lại tất bật bôn ba khắp nơi huy động vốn để cả nhà cùng “liều”. Nước mắt học trò đem lại cho Lý Sơn một bài tốt nghiệp xuất sắc rồi tiến thẳng ra rạp và thắng lớn tạo nên thương hiệu cho hãng phim Lý Huỳnh, tạo đà cho hàng loạt bộ phim ăn khách tiếp theo ra đời.

Trong các dự án của gia đình, chồng là đạo diễn, con là diễn viên thì bà giữ vai trò giám đốc sản xuất kiêm kế toán, thủ quỹ… Xét ra bà oai nhất vì thiếu bà chắc cũng không có phim vì “lấy ai chi tiền”. Tuy nhiên niềm vui lớn nhất của bà trên phim trường vẫn là chăm sóc cho chồng, cho con, có bà quán xuyến mọi thứ chồng con bà cứ toàn tâm toàn ý vào nghệ thuật. Khi dòng phim thị trường dần thoái trào, Lý Hùng, Lý Hương cũng chuyển hướng đeo đuổi lĩnh vực âm nhạc thì bà lại lặn lội theo các con đến các điểm diễn. Sau này, sức khỏe giảm sút, bà mới chịu ở nhà nhưng luôn thao thức đợi các con đi diễn về khuya. Anh con trai út Lý Hùng, trên phim trường dũng mãnh là thế, về nhà lại là một cậu con ngoan đúng mực hay nũng nịu với mẹ, kiếm được bao nhiêu tiền là anh đều đưa hết cho mẹ và đến giờ vẫn là “lính phòng không” vì “còn phải lo cho mẹ đã”.

Năm 2009, bà Đoàn Thị Nguyên có được niềm vui lớn là trở về quán xuyến phim trường của gia đình, hạnh phúc nhìn chồng con thực hiện hoài bão cả đời với dự án phim lịch sử hoành tráng chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội Tây Sơn hào kiệt (công chiếu trên toàn quốc vào ngày 30/4). NSƯT Lý Huỳnh như trẻ ra khi dồn hết tâm sức, niềm đam mê, kinh nghiệm bao năm gắn bó với điện ảnh cho một bộ phim “để đời”, Lý Hùng đã gợi lại được hình ảnh một “ngôi sao võ thuật” ngày nào, còn bà lại lặng lẽ, tất bật với 1001 công việc có tên lẫn không tên ở hậu trường. Là người coi trọng vấn đề tâm linh, tại mỗi điểm quay bà đều chuẩn bị một bàn thờ lớn thật trang nghiêm để đoàn phim thắp hương cầu Quang Trung hoàng đế phù hộ. Với bà “Hoàng đế Quang Trung linh lắm” và có “tin” thì có “thành”.

Và trở lại nhà

45 năm là thời gian đủ để khẳng định cho một tình yêu trọn vẹn và duy nhất của ông bà. 45 năm đó tất nhiên cũng có những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” nhưng những lần hiếm hoi ấy cũng chưa bao giờ kéo dài quá… 5 phút vì ông bà luôn biết phải “nhỏ lửa” khi “cơm sôi”. Gia đình nhỏ của ông bà cũng luôn nằm ngoài tầm phủ sóng của những xì-căng-đan tình ái vốn phổ biến trong giới nghệ sĩ. Trách nhiệm một người chồng, người cha luôn giúp ông biết được “điểm dừng”, ông thẳng thắn: “Mình là người lớn mà làm gì không phải thì nhìn con ngại lắm, sao làm con nó tin tưởng mình được”. Còn bà lại có một quan niệm khá lạ với tâm lý thông thường của phụ nữ: “Chồng mình mà được nhiều người mê, nhiều người yêu là điều đáng để hãnh diện chứ không phải để ghen tuông”. Và “tỉnh bơ” trước những lời đồn thổi này nọ về ông là “bí quyết” giữ chồng của bà. “Có giữ được hạnh phúc gia đình hay không là do người phụ nữ. Đàn bà ai mà không ghen nhưng quan trọng là phải biết ghen như thế nào kìa. Chồng mình có tài lại tốt tính tránh sao khỏi nhiều cô mê nhưng liệu ghen tuông ầm ầm có giải quyết được gì hay chỉ “xấu chàng, hổ thiếp”. Cứ nhẹ nhàng, bình tĩnh, “lạt mềm buộc chặt” mà”, bà cười chia sẻ.

Theo thethaovanhoa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *