Bên bờ hạnh phúc

Dừa sáp được nhân giống

Trước đây, do là loại cây trồng chủ yếu để lấy dầu nên dừa sáp của huyện Cầu Kè tiêu thụ không mạnh. Thậm chí, khi thu mua, các thương lái thường kiểm tra rất kỹ để loại bỏ những trái dừa sáp. Khi đó, nhiều nhà vườn phải đốn bỏ loại dừa này để thay vào các loại cây trồng khác. Vài năm gần đây, dừa sáp được thị trường ưa chuộng, trở thành món quà đặc sản của du khách mỗi khi đến với huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Từ đó, giá dừa sáp bắt đầu tăng vọt và cây dừa sáp trở nên quí hiếm.

Trước thực tế đó, để khôi phục lại giống dừa quí hiếm này, năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh đã triển khai dự án trồng mới 50 ha dừa sáp tại 2 xã Hòa Ân và Hòa Tân, huyện Cầu Kè. Với dự án này, những người trồng dừa được hỗ trợ cây giống và phân bón, đồng thời được tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác. Sau 3 năm thực hiện, đến nay, huyện Cầu Kè đã trồng mới 39 ha dừa sáp và sẽ hoàn thành dự án trồng mới 50 ha vào giữa năm 2010.

Cầu Kè đã trồng mới 39 ha dừa sáp và sẽ hoàn thành dự án trồng mới 50 ha vào giữa năm 2010

Dừa sáp có giá trị kinh tế cao nhưng số lượng dừa đang cho trái còn rất ít. Nhiều nơi muốn mua với số lượng lớn nhưng Cầu Kè không đủ sản lượng để cung cấp. Thêm nữa, dừa sáp có đặc điểm là tỷ lệ trái cho sáp thấp, chiếm từ 25 – 30% số lượng nên người dân thường thu hoạch ít, chỉ bán lẻ, giá rất bấp bênh. Từ dự án mở rộng diện tích trồng dừa của tỉnh, đến nay, diện tích trồng dừa của huyện Cầu Kè đang tăng nhanh. Chỉ tính riêng xã Hòa Tân có đến 100 ha, tương đương 16.000 cây dừa. Diện tích trồng dừa tăng đồng nghĩa với việc sản lượng sẽ tăng theo, việc tiêu thụ không còn nhỏ, lẻ như trước. HTX dừa sáp Hòa Tân được thành lập vào tháng 3/2007 với mục tiêu đáp ứng các yêu cầu, nguyện vọng của bà con xã viên. HTX dựa trên nòng cốt là tổ hợp tác trước đây. Từ qui mô nhỏ, chỉ có 6 người tham gia, đến nay, HTX đã phát triển được 20 xã viên, trong đó hầu hết là đồng bào Khmer.

Dừa sáp của HTX Tân Hòa được trồng theo tiêu chuẩn Việt GAP

Các xã viên HTX dừa sáp Hòa Tân hiện đang canh tác khoảng 1.500 cây dừa, trong đó có gần 200 cây đang cho trái ổn định, số còn lại chuẩn bị cho trái. Sản lượng dừa sáp của huyện Cầu Kè nói chung và của HTX dừa sáp nói riêng cung không đủ cầu, nên việc tiêu thụ chủ yếu là cung cấp cho thị trường nội địa, với giá từ 100.000 – 110.000 đồng/ trái.

Cũng như nhiều nhà vườn khác ở huyện Cầu Kè, trước đây, gia đình bà Thạch Thị Suôi có gần chục gốc dừa sáp đang mang trái nhưng phải đốn bỏ vì không tiêu thụ được. Gần đây, khi tham gia HTX dừa sáp Hòa Tân, gia đình bà đã nhận hơn 200 gốc dừa giống và 200 nhánh chanh không hạt từ dự án để trồng. Một trong những yếu tố thuận lợi của HTX dừa sáp Hòa Tân là sự quan tâm của các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp tỉnh thông qua việc thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nhằm giúp xã viên có điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để vận dụng vào thực tiễn canh tác. Đặc biệt, được sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành chức năng, HTX dừa sáp Hòa Tân còn áp dụng trồng dừa sạch theo tiêu chuẩn Việt Gap.

Thu hoạch dừa sáp

Có thể nói, từ trước đến nay, hầu hết các xã viên đã quen với cách trồng truyền thống. Do vậy ,việc áp dụng trồng dừa sạch theo tiêu chuẩn Viêt Gap là điều không đơn giản. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của các cấp và sự nhiệt tâm của Ban Chủ nhiệm HTX, tất cả xã viên đều đồng ý thực hiện. Một trong những xã viên mạnh dạn tiếp thu cái mới là ông Thạch Chanh. Ông là người dầu tiên tiếp nhận 30 gốc dừa từ Viện Nghiên cứu giống cây có dầu TPHCM về trồng thử nghiệm. Ông còn nhận cây giống từ dự án địa phương về trồng trên mảnh vườn của gia đình, nâng diện tích trồng dừa sáp của ông lên đến 300 gốc. Với quy trình trồng dừa sạch theo tiêu chuẩn Việt Gap mà ông đang áp dụng, vườn dừa phát triển tốt…

Sản lượng dừa sáp không đáp ứng đủ nhu cầu, mỗi trái dừa hiện có giá từ 100.000 – 110.000 đồng

Chính sự đồng thuận cùng nhau hợp tác của các xã viên HTX dừa sáp Hòa Tân là động lực lớn, góp phần vào sự phát triển của HTX. Hiện tại, Ban Chủ nhiệm HTX đã có một số hợp đồng từ các công ty ở TPHCM đặt mua với số lương lớn. Tuy nhiên, HTX vẫn không đủ số lượng cung cấp, theo dự tính, khoảng 2 năm nữa mới đáp ứng đủ. Song song với việc trồng và sản xuất dừa sáp, HTX dừa sáp Hòa Tân đang phối hợp cơ quan chức năng tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá thương hiệu và phấn đấu đạt chuẩn GAP.

Dừa sáp là loại cây ăn trái đặc sản của huyện Cầu Kè, việc tiêu thụ trước đây chỉ dừng lại ở chỗ khách mua ăn vì tính hiếu kỳ hoặc mua để biếu người thân. Chính vì vậy, khi các nhà vườn liên kết lại trồng với số lượng lớn thì sản phẩm phải có thương hiệu để tạo đầu ra ổn định. Việc áp dụng trồng dừa sạch theo tiêu chuẩn an toàn Việt Gap của xã viên HTX dừa sáp Hòa Tân là một hướng đi đúng cần phát huy trong thời hội nhập.

Mỹ Hạnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *