Bên bờ hạnh phúc

Trong khi tình hình sản xuất lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới không thuận lợi do sự bất thường của thời tiết thì vụ lúa Đông Xuân năm nay của nước ta thắng lợi. Trong vụ lúa này, vùng ĐBSCL gieo sạ 1.630.000 ha và đến nay, việc thu hoạch lúa đang vào giai đoạn cuối. Với năng suất bình quân mỗi ha là 6,3 tấn, ước tính, sản lượng lúa của vùng đạt trên 10 triệu tấn. Tuy nhiên, giá lúa liên tục biến động từ đầu tháng 3 đến nay và diễn biến thị trường thế giới chưa rõ ràng nên việc dự báo mặt hàng xuất khẩu chủ lực này trở nên khó đoán định.

Thị trường lúa gạo Đông Xuân 2011 khó đoán định. Ảnh minh họa

 

So với nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Vĩnh Long có nhiều lợi thế trong vụ lúa Đông Xuân. Do thu hoạch khá sớm nên hầu hết nông dân bán được lúa với giá cao. Ở huyện Tam Bình, đầu tháng 3, bà con đã thu hoạch dứt điểm lúa Đông Xuân và hầu hết bán ngay tại đồng.

Tuy nhiên, tại các tỉnh đầu nguồn như An Giang, thời gian thu hoạch lúa Đông Xuân chậm hơn. Với đặc thù vùng sản xuất rộng lớn, năm nay, nhiều địa phương thuộc tỉnh này phải đối mặt với các cơn mưa trái mùa cuối tháng 3, khiến cho lúa bị đổ sập và tỷ lệ lúa tổn thất tặng, chi phí thuê máy gặt đập cũng cao hơn. Nếu như bình thường, chi phí gặt đập chỉ từ 180.000 đồng/ha thì khi lúa đổ sập, chi phí tăng lên khoảng 250 – 300.000 đồng.

Một đặc điểm của vụ Đông Xuân này là giống lúa 50404 từng khó tiêu thụ trong vụ Hè Thu năm trước được gieo trồng khá nhiều. Tuy nhiên, nhờ thời tiết thuận lợi nên chất lượng lúa giống này khá cao và giá chỉ chênh lệch thấp hơn 200 – 300 đồng/ kg so với giống lúa chất lượng cao. Song, do có năng suất cao và chất lượng tốt nên loại lúa rất dễ bán cho thương lái.

Chính việc giá lúa dao động từng ngày nên bạn hàng xáo phải quay vòng nhanh lượng lúa gạo thu mua để tránh thua lỗ khi giá gạo đột ngột sụt giảm. Tuy nhiên, giá gạo nguyên liệu luôn duy trì mức giá từ trên 7.200 – 7.600 đồng/ kg. Tuy nhiên, giá lúa bán tại kho của các công ty lương thực vẫn cao hơn nhiều giá Hiệp hội Lương thực Việt Nam cam kết thu mua là 5.000 đồng/ kg.

Việc triển khai thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong thời gian 45 ngày, bắt đầu từ 01/03 đến 15/04, đã giúp cho giá lúa vực dậy sau khi sụt giảm. Đến nay, nhiều doanh nghiệp thành viên VFA đã hoàn thành chỉ tiêu thu mua tạm trữ.

Riêng tại tỉnh Vĩnh Long, hiện đã có 2 doanh nghiệp hoàn thành thu mua tạm trữ. Trong đó, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu đã mua được 32.000 tấn (chỉ tiêu là 18.000 tấn). Công ty Lương thực Vĩnh Long mua được 8.500 tấn (trong khi chỉ tiêu là 8.000 tấn).

Tại Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Vĩnh Long, với lợi thế kho tàng, nhà xưởng rộng, công ty đã mua được 14.000 tấn gạo. Đây cũng là đơn vị vừa mua tạm trữ cả lúa và gạo. Vụ lúa Đông Xuân này, lúa gạo có chất lượng tốt nên có thể tạm trữ lâu. Hiện, tiến độ thu mua bình quân là 1.000 tấn/ngày.

Giá lúa gạo biến động từng ngày nên cả thương lái và doanh nghiệp đều thận trọng trong việc mua vào. Đặc biệt, năm nay, lãi suất ngân hàng tăng quá cao nên nhiều nhà máy không dám vay vốn trữ hàng vì sợ thua lỗ. Lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo phổ biến ở mức 17,5% và đối với các doanh nghiệp lau bóng, nhà kho, lãi suất vay trên 20%, được xem là quá cao so với tình hình kinh doanh hiện nay. Hiện, chỉ có Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngọai thương Việt Nam là có chính sách ưu đãi lãi suất 14% cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cho đến thời điểm này, các hợp đồng thương mại vẫn còn rất ít. Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo cũng không đạt như mong muốn của doanh nghiệp. Trong những ngày cuối tháng 3, giá gạo nguyên liệu đã xấp xỉ 7.700 đồng/kg, gạo trắng thành phẩm đã vọt lên mức 9.000 đồng/kg. Theo tính tóan của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, với giá này, cộng thêm chi phí sản xuất, lãi vay ngân hàng đã làm cho giá thành cao hơn giá xuất khẩu trên thị trường.

Các hợp đồng tập trung xuất khẩu năm nay cũng có diễn biến mới. Nếu như năm trước, Philippines – thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta – ký hợp đồng số lượng lớn ngay từ đầu vụ thì đến thời điểm này năm nay, nước này mới mở thầu nhập 200.000 tấn với giá 440 USD/tấn – thấp hơn giá sàn mà VFA đề nghị là 470 USD/tấn cho lọai gạo 25% tấm.

Cơ quan lương thực Philippines cũng thông tin, lượng gạo nhập năm nay sẽ chỉ còn 860.000 tấn thay vì 2,5 triệu tấn của năm 2010. Với cơ cấu hợp đồng xuất khẩu tập trung 78% và hợp đồng thương mại chỉ 22% như trong 3 tháng đầu năm thì đây là tín hiệu tiêu cực.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta đã đạt mức cao nhất so với các năm, đạt 1.750.000 tấn, giá xuất bình quân 490 USD/ tấn. Kết quả này thể hiện sự điều hành có hiệu quả của chính phủ, nhất là chính sách đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngang bằng giá gạo Thái Lan trên thị trường thế giới.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *