Bên bờ hạnh phúc

Những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL diễn ra rất đa dạng về qui mô và hình thức. Để ngành sản xuất này phát triển bền vững, chúng ta phải kiểm soát được dư lượng các chất độc hại tích tụ trong quá trình nuôi do ô nhiễm môi trường, hoặc do sử dụng thuốc thú y, hóa chất nông dược trong sản xuất nông nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu đó, Bộ NN & PTNT đã ra Quyết định số 130 ban hành qui chế về kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật nuôi và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.

Diện tích nuôi cá tra thâm canh ở Vĩnh Long là 532,5 ha. Ảnh minh họa

 

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT Vĩnh Long, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 4 vùng nuôi thủy sản chính là TPVL – Long Hồ, Bình Minh – Bình Tân, Mang Thít – Vũng Liêm và Trà Ôn – Tam Bình với tổng diện tích mặt nước nuôi 2.380,3 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh 532,5 ha và 663 lồng, bè nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, dù có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhưng ngành thủy sản cũng đã phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng vì trong thực phẩm thủy sản còn chứa mối nguy vật lý, sinh học và hóa học.

Trong các mối nguy trên, mối nguy hóa học là quan trọng hơn nhất bởi vì nó có khả năng gây hại cho sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Cụ thể, trong thịt thủy sản nuôi có thể bị nhiễm các hóa chất độc hại như: dư lượng các chất kích thích sinh sản từ công đoạn sản xuất giống, dư lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng các kháng sinh bị cấm hoặc hạn chế sử dụng.

Hàng tháng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đều cử cán bộ kiểm tra, thu thập thông tin về diện tích, sản lượng và lấy mẫu tại các vùng nuôi có nguy cơ bị nhiễm các chất độc hại gởi đến phòng kiểm nghiệm thuộc Trung tâm Chất lượng nông – lâm – thủy sản vùng VI – Cần Thơ để xét nghiệm.

Thời gian gần đây, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, kết quả kiểm tra dư lượng Trifluralin trong cá tra nguyên liệu cho thấy, tỷ lệ mẫu nhiễm Trifluralin khá cao, từ 25 – 30% tổng số mẫu kiểm tra.

Nhằm khắc phục những khuyết điểm được phản ánh từ phía thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất cá tra của Việt nam nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Vĩnh Long đã thông báo đến Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh về việc không được sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường có chứa hoạt chất Trifluralin và các doanh nghiệp chế biến, cơ sở chế biến sản phẩm cá tra, cá basa xuất khẩu trên thị trường cần phải tăng cường kiểm soát mối nguy dư lượng Trifluralin trong quá trình chế biến xuất khẩu.

Trifluralin là thành phần có trong 26 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản đã được Bộ NN & PTNT cho phép lưu hành tại Việt Nam từ năm 2002, được các cơ sở nuôi thủy sản thường sử dụng để trừ cỏ trong ao nuôi thủy sản và rất khó phân hủy. Từ năm 2007, tổ chức Thương mại Thế giới đã có thông báo cho rằng, Trifluralin có ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật sống dưới nước, đặc biệt là các loài cá.

Hiện nay, Bộ NN & PTNT đã đưa Trifluralin vào danh sách cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Xương Tân
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *