Bên bờ hạnh phúc

Hiện nay, ở ĐBSCL, cây cam sành đã được các tỉnh qui hoạch trồng thành vườn chuyên canh khá lớn. Song song đó, bệnh vàng lá cũng đã phát triển mạnh. Trong đó, bệnh vàng lá, thối rễ là phổ biến hơn cả và đã gây thiệt hại khá lớn cho nhà vườn. Do vậy, để cây cam sành phát triển được an toàn và bền vững, bà con nông dân phải có biện pháp quản lý và phòng ngừa tốt đối tượng dịch hại nguy hiểm này.

Cam sành. Ảnh minh họa

Gần đây, diện tích nhóm trái cây có múi ở ĐBSCL không ngừng tăng, nhất là cây cam sành. Loại cây này được bà con trồng khá nhiều và hình thành nên những vùng chuyên canh lớn. Đi đôi với phát triển diện tích thì dịch hại cũng xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó, bệnh vàng lá, thối rễ đang bộc phát mạnh, làm nhiều vườn cam bị chết, phải đốn bỏ, gây thiệt hại không ít đến sản xuất và thu nhập của nông dân

Tác động trực tiếp của đối tượng dịch hại này trên cây cam sành là gây tổn thương bộ rễ, làm cho cây bị suy kiệt, chậm phát triển, giảm dần năng suất, chất lượng trái kém và bị rụng sớm. Bệnh vàng lá, thối rễ lây lan rất nhanh, làm giảm năng suất trái và gây chết cây hàng loạt. Đến nay, chưa có thuốc đặc trị dịch bệnh này mà chỉ áp dụng biện pháp phòng ngừa là chính.

Bệnh vàng lá, thối rễ phát triển mạnh trên những vùng đất có độ chua cao, bệnh thường xuất hiện nhiều trong mùa mưa và làm chết cây hàng loạt. Nguyên nhân chính là do vườn thấp, luôn bị ngập nước, nông dân sử dụng nguồn cây giống không tốt, kỹ thuật canh tác chưa phù hợp và chế độ chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng chưa đúng.

Theo các nhà chuyên môn, bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam sành do nhiều tác nhân gây ra, nhưng yếu tố gây hại chính là do nấm Fusarium solani. Bệnh bộc phát trong điều kiện đất đai bị dẻ chặt, thiếu thoáng khí. Khi bệnh mới xuất hiện, lá của cây vẫn bình thường nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngả màu vàng cam và dễ rụng; hoa trái cũng dễ bị rụng và cây không có khả năng phát triển. Nếu cây có mang trái thì cũng kém chất lượng và thường không có giá trị thương phẩm.

Bệnh này sẽ làm cho bộ rễ bị thối, vỏ rễ tuột ra khỏi phần gỗ, bên trong có sọc nâu lan dần vào rễ cái, từ đó làm cành bị chết khô. Khi cây bị bệnh nặng, tất cả rễ đều bị thối đen và cuối cùng là chết toàn cây.

Bệnh vàng lá, thối rễ trên cam sành rất khó trị khi cây có lá chuyển sang màu vàng và rụng, bởi vì lúc này, rễ cây đã bị hư thối khá nhiều. Theo các nhà khoa học, để phòng ngừa có hiệu quả bệnh hại này, bà con nông dân cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp như chọn cây giống sạch bệnh, áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, chăm sóc cây trồng khỏe và sử dụng thuốc hoá học theo nguyên tắc 4 đúng. Đặc biệt, bà con cần chú ý tạo độ tơi xốp và thoáng khí cho đất, bón nhiều phân hữu cơ, vừa giúp cho đất không trở nên quá chua mà còn tạo điều kiện cho các vi sinh vật đối kháng phát triển để ức chế nấm Fusarium solani có sẵn trong đất.

Cùng với kỹ thuật canh tác, việc sử dụng thuốc hóa học cũng là giải pháp rất cần thiết nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh hại. Bên cạnh đó, bà con nên kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra để phòng ngừa bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam sành, các nhà khoa học còn khuyến cáo nên xử lý đất đai thật kỹ trước khi trồng, nên đấp mô cao để dễ thoát nước, trồng cây với mật độ vừa phải, bón phân cân đối, nhưng chú ý bón thêm nhiều phân kali và lân để tăng khả năng đề kháng của rễ cây đối với bệnh, nên dùng kết hợp nấm đối kháng Tri coderma ủ với phân chuồng hoai mục bón cho vườn cây nhằm tăng cường hoạt động của các vi sinh vật trong đất, tạo tơi xốp cho đất và nên bón vôi để hạn chế độ chua trong đất.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *